Báo chí phải đổi mới để theo kịp sự phát triển
VOV.VN - Tránh để tình trạng báo chí hiểu không hết về chính sách kinh tế gây ra tác hại cho doanh nghiệp.
Trong chương trình Hội báo toàn quốc, chiều nay, diễn ra Diễn đàn Báo chí-Cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ.
Các nhà báo khẳng định, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong kỷ nguyên CPTPP. Đồng thời cho rằng, báo chí tích cực chống tham nhũng bởi vì chính tham nhũng tạo rào cản, điều phi lý, không chỉ trong thực thi mà trong cả chính sách pháp luật.
Hội báo toàn quốc 2019. (Ảnh: Vũ Toàn) |
Tại diễn đàn, các đại biểu khẳng định báo chí không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, chính xác mà còn phải kịp thời phát hiện, phản biện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhận ra các yếu kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, báo chí cần làm tốt vai trò của mình, tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia; các xu hướng mới về thương mại, đầu tư, dịch chuyển công nghệ như: cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… Vị chuyên gia này nhấn mạnh cần có những lớp đào tạo.
"Có 3 vấn đề ở đây với báo chí. Thứ nhất truyền đạt ý chuyên gia đến báo chí không chính xác. Thứ hai, cầu nối, Chính phủ quan tâm đến báo chí, các nhà hoạch định quan tâm đến báo chí. Đối với doanh nghiệp họ ít thời gian, tin tưởng báo chí, nhiều vấn đề mới rất quan trọng đối với cải cách, chiến lược của họ. Cho nên làm sao chính xác hóa bằng văn phong đơn giản, đây là thách thức lớn với báo chí trong kỷ nguyên CPTPP và kỷ nguyên mới của thế giới đang biến đổi nhanh chóng” - ông Võ Trí Thành nói.
Các đại biểu cũng khẳng định, báo chí cổ vũ cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu Việt, khuyến khích khởi nghiệp mà đi liền với đó là phát triển doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng những chính sách nổi bật của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có xây dựng và thực thi Chính phủ điện tử. Đây là vấn đề mới và thiết thực đối với doanh nghiệp và báo chí. Báo chí cần tạo môi trường thu thập và xử lý thông tin công khai và minh bạch.
Các gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc 2019. |
Nhiều nhà báo đến từ các cơ quan báo chí lớn khẳng định, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong kỷ nguyên CPTPP. Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí phải đổi mới. Nếu báo chí tụt hậu thì không thể theo kịp thực tiễn phát triển doanh nghiệp, thị trường và các mối quan hệ kinh tế trên thế giới. Đồng thời, tránh để tình trạng báo chí hiểu không hết về chính sách kinh tế gây ra tác hại cho doanh nghiệp.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng: “Thứ nhất những gì mới ra chúng ta đều nghĩ đến phản biện mà phản biện không theo hướng tốt lên là chủ yếu mà đôi khi chỉ có “chống”. Thứ hai chúng ta tiếp tục phân tích những điều chưa được của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế. Thứ ba, chống tham nhũng cực kỳ quan trọng bởi vì chính tham nhũng tạo rào cản, điều phi lý, không chỉ trong thực thi mà trong cả chính sách mà chúng ta phải tích cực. Thứ 4 phải nâng niu các nhân tố điển hình”./.
Ảnh: Thủ tướng đánh trống khai mạc Hội Báo toàn quốc 2019 tại Hà Nội