Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em: Những cảnh báo không bao giờ thừa

VOV.VN - Giáo dục giới tính sớm sẽ giúp các em tránh khỏi những xâm phạm, vi phạm không đáng có trong tuổi vị thành niên.

Ai cũng từng bị bắt nạt khi học

“Nữ sinh Quảng Ninh bị bạn quay clip lột đồ trong lớp học”; “Xôn xao clip một nữ sinh bị đánh đập trong rừng ở Nghệ An”… là những vụ bạo lực học đường được báo chí đăng tải những ngày qua.

Những vụ việc đáng tiếc như vậy không phải mới xuất hiện mà đã trở thành vấn đề nhức nhối lâu nay và là mối lo ngại nhất của các phụ huynh có con ở độ tuổi đến trường. Thực tế, bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của tất cả các em học sinh. Và nhất là trong giai đoạn công nghệ phát triển và mạng xã hội bùng nổ, những hành vi bạo lực học đường dường như lại được “cổ xúy” khi những hình ảnh, clip bạo lực học đường được tung lên mạng lại được nhiều “like”. Điều này kích thích tâm lý của tất cả các em, với mong muốn Facebook của mình có nhiều “like”, nhiều người theo dõi và chia sẻ.

Hình ảnh nữ sinh bị bạn quay clip lột đồ trong lớp.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân cho rằng, trong bất kỳ giai đoạn nào trong độ tuổi đến trường, chúng ta đều có sự bắt nạt của những bạn mạnh hơn hoặc lớn hơn, gồm cả nam và nữ. Trong đó, có nhiều câu chuyện xảy ra vượt khỏi tầm kiểm soát của người lớn và thầy cô giáo.

“Với câu hỏi “Tại sao có bạo lực học đường?”, chính các em học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh có câu trả lời không? Có thể trả lời ngay rằng, nguyên thứ nhất của bạo lực học đường chính là bản thân mỗi em học sinh. Đây là lứa tuổi đang thay đổi tâm sinh lý, muốn thể hiện cái tôi rất lớn của mình. Ở lứa tuổi từ 12-17, các em học sinh đang hình thành nhân cách, nhưng tâm lý không ổn định do nếu thể hiện cái tôi không đúng cách thì sẽ có thể dẫn tới bạo lực học đường. Chỉ cần một tác động hay kích thích nhỏ là các em sẽ nóng giận và có thể có những hành động không chuẩn mực”, ông Lý Duy Xuân chia sẻ tại Diễn đàn “Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội.

Theo ông Lý Duy Xuân, chính quyền, nhà trường và đặc biệt là gia đình phải cùng quan tâm, đồng hành cùng học sinh trong cuộc sống, học tập, giáo dục kiến thức về tâm sinh lý: “Đặc biệt, khi giáo dục chưa chuẩn mực từ chính gia đình mà nhiều khi bố mẹ không hề nhận ra. Đơn giản như khi con đã cố gắng hết sức nhưng chỉ đạt 5-7 điểm mà bố mẹ không chấp nhận và yêu cầu phải 9-10 điểm. Nhiều phụ huynh sẽ không bao giờ nghĩ rằng việc quát tháo, dạy con bằng roi vọt, đánh đập lại chính là gốc rễ làm nảy sinh bạo lực. Bên cạnh đó, là tác động từ phim ảnh, các trò chơi... bạo lực”.

Theo quy định của Luật Trẻ em hiện nay, bạo lực học đường, bạo lực trẻ em nằm trong nhóm thứ nhất của 6 hình thức xâm hại trẻ em. Nhóm thứ hai liên quan đến bóc lột, theo đó, một trong những vấn đề rất lớn hiện nay là sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Vấn đề này gần như đang được ít đề cập nhưng đây là vi phạm rất lớn về quyền trẻ em. Nhóm thứ ba là xâm hại tình dục. Nhóm thứ tư liên quan đến mua bán trẻ em. Nhóm thứ năm, có thể kể đến trường hợp gây phẫn nộ dư luận gần đây là vụ việc bỏ rơi trẻ em, khi người mẹ vứt bỏ con sơ sinh dưới hố ga. Nhóm thứ sáu là các hình thức khác gây tổn không chỉ về thể chất mà còn tổn hại về tinh thần trẻ em.

Xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), xâm hại trẻ em chỉ được hiểu là xâm hại tình dục thì đó là quá nhiều lỗ hổng lớn trong tuyên truyền và giáo dục. Truyền thông đưa tin và tập trung nhiều về xâm hại tình dục trẻ em, nên dư luận nghĩ nhiều đến xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ tại Diễn đàn “Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân (ngoài cùng bên phải).

“Rất nhiều học sinh đang tham gia môi trường mạng. Chúng ta thường nói môi trường mạng đi kèm với những nguy cơ và rủi ro. Điều này đúng, nhưng bên cạnh đó vẫn có khía cạnh tích cực và Cục Trẻ em đã xác định đây sẽ là một trong những kênh chính để chuyển tải thông tinh, giáo dục nhanh nhất đến với trẻ. Bên cạnh đó là thúc đẩy truyền thông trên mạng xã hội và truyền thông qua nhóm tư vấn cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn cũng như các nhóm trong trường học. Qua đó, chúng ta đưa ra những kiến thức kỹ năng cơ bản và chuẩn xác nhất tới trẻ em”, bà Nga nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề này, TS Đào Thu Thủy, giảng viên Khoa Khoa học, xã hội và nhân văn, ĐH Thủ đô Hà Nội khẳng định, trong xã hội hiện đại và phát triển, chúng ta phải nhìn một cách đúng đắn và cởi mở hơn vì giáo dục giới tính sớm sẽ giúp các em tránh khỏi những xâm phạm, vi phạm không đáng có trong tuổi vị thành niên.

“Khi bị xâm hại, các em không phải là người có lỗi mà các em là người có quyền được bảo vệ. Các em tuyệt đối không nên thu mình vào thế giới riêng của mình. Bởi vì nếu không được chia sẻ những tình huống khó khăn nhất thì các em sau này sẽ có những cái mặc cảm và gặp vấn đề về tâm lý rất khó giải quyết. Thực tế, người lớn cũng rất có lỗi khi trong gia đình thì chúng ta thường giấu giếm, ngại chia sẻ về giáo dục giới tính với con em mình. Hầu hết các gia đình tôi từng làm việc đều có thái độ lảng tránh về vấn đề giáo dục giới tính cho các em, còn ở nhà trường, các thầy cô đôi khi cũng lảng tránh ngày trong giờ dạy về giới tính. Chính vì vậy, các em cảm thấy đây là một vấn đề tế nhị khó để giãi bày”, TS Thủy cho biết.

 

Theo TS Đào Thu Thủy, các em phải luôn có những người tin cậy có thể chia sẻ về mọi chuyện: “Hiện có tổng đài 111 bảo vệ quyền lợi trẻ em. Các em có thể gọi lên tổng đài để được chia sẻ, tư vấn những pháp luật cần thiết để bảo vệ chính mình”.

Các chuyên gia khẳng định, để bảo vệ trẻ em thì đầu tiên vẫn là gia đình. Cha mẹ phải hiểu các kiến thức để bảo vệ con em mình trước tiên. Thứ 2 là vai trò của nhà trường và tiếp theo là các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể trong bảo vệ trẻ em. Chính các em cũng sẽ mong đợi được trang bị những kiến thức và kỹ năng cụ thể để tự bảo vệ mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên