Bất cập xử lý vi phạm giao thông đường thủy nội địa

VOV.VN - Việc phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Thanh có một chiếc tàu đưa khách tham quan trên sông Chà Và, xã Long Sơn TP Vũng Tàu nhận thức rằng, chỉ cần đầy đủ giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng, đăng ký phương tiện là đủ điều kiện hoạt động.

Không có bến bãi neo đậu phương tiện vi phạm. Đây là khó khăn trong xử lý vi phạm đường thủy nội địa.

Do vậy, tàu của ông không trang bị áo phao cho hành khách. Lực lượng chức năng kiểm tra và nhắc nhở, xử phạt nhiều lần nhưng ông vẫn vi phạm lỗi này và tự ngừng hoạt động.

"Tàu tôi có giấy tờ đăng ký đầy đủ hết, được đăng kiểm tàu chở khách 45 chỗ, bị nhắc nhở mua thêm áo phao. Đến nay tàu đã ngừng hoạt động rồi, vì đâu có hoạt động nên cũng không đăng kiểm lại, đến nay ngưng luôn không chạy nữa”, ông Thanh cho biết. 

Những lỗi tương tự như lỗi của ông Thanh chủ yếu xuất phát từ nhận thức. Chính lực lượng Thanh tra giao thông của tỉnh BR-VT cũng xác nhận rằng, nhận thức pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của nhiều người dân còn hạn chế.

Từ đó dẫn đến nhiều trường hợp cố tình vi phạm về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên luồng, lạch gây cản trở giao thông; vi phạm khi chuyên chở hành khách mà không trang bị áo phao cho hành khách, chở hàng hóa vượt quá mớn nước an toàn của phương tiện; sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hết hiệu lực…

Bên cạnh đó, khi phát hiện các lỗi như vậy rồi, việc xử phạt cũng khá khó khăn vì phải phụ thuộc vào một số điều kiện khác hoặc chế tài chưa đủ mạnh nên không có tính răn đe.

Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Đức Tú, Đội phó Đội Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải tỉnh BR-VT cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là khi phát hiện phương tiện thủy vi phạm hành chính đến mức phải tạm giữ thì không có bến bãi để neo đậu nên buộc phải xử phạt rồi lại cho tiếp tục hành trình.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng “biên bản chồng biên bản”, nhiều chủ phương tiện sử dụng biên bản phạt từ tỉnh này sang tỉnh khác mà không chấp hành nộp phạt, tiếp tục lưu thông hành nghề mấy tháng trời và tiếp tục vi phạm cùng một lỗi đó.

Ông Tú cho biết thêm: "Hiện nay mỗi lần giữ phương tiện vi phạm là phải neo đậu nhờ mặt bằng của các doanh nghiệp, tình trạng này không riêng gì BR-VT mà hầu như các tỉnh đều khó khăn về bến bãi tập kết phương tiện vi phạm. Kể cả lực lượng CSGT đường thủy, Cảnh sát môi trường cũng tương tự, phương tiện vi phạm về không biết giữ ở đâu".

Còn ông Nguyễn Đức Thông, Phó Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, với nhiệm vụ của đơn vị chỉ kiểm soát từ cảng thì cứ căn cứ các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng... sẽ không cấp phép rời bến.

Tương tự việc trì hoãn hoặc không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì đơn vị quản lý cảng cũng không cho phương tiện ra khỏi bến.       

“Ví dụ chủ phương tiện chưa đủ giấy tờ thì tôi chưa cấp phép, phương tiện sao mà đi được,  phải bổ sung giấy giờ, đi nộp phạt sau đó đủ giấy tờ thì cho đi. Chỉ cho phương tiện vi phạm 1 chuyến hành trình thôi, như đi chuyến này vi phạm, xử phạt thì được đi nhưng về phải thanh toán thủ tục đó chuyến sau đi tiếp. Những chủ phương tiện không có điều kiện thì cố đi thêm”, ông Thông cho hay.
Mức xử phạt các lỗi vi phạm thường xảy ra trong vận tải đường thủy nội địa cũng còn quá nhẹ. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 28 Nghị định 132 của Chính phủ quy định, “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-100 ngàn đồng đối với hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn đến 1/5 chiều cao mạn khô của phương tiện. Còn các lỗi “Để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và “Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” chỉ phạt từ 50-200 ngàn đồng. Một số lỗi vi phạm khác cũng có mức xử phạt tương tự. Có thể nói, chế tài đối với các phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa còn quá nhẹ, không đủ răn đe nên việc tái vi phạm theo kiểu “Biên bản chồng biên bản” diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Trần Thanh Danh, Chánh thanh tra giao thông, Sở giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vì không có bến bãi nên hiện nay lực lượng thanh tra giao thông chỉ xử phạt các lỗi vi phạm thông thường như không đăng ký phương tiện, đăng kiểm hết hạn, chở quá mớn nước...Vì các lỗi này theo quy định là không tạm giữ phương tiện, tiếp tục cho lưu thông. Trong khi đó, quy định xử phạt các lỗi này khá nhẹ, không yêu cầu khắc phục nên nếu không tạm giữ phương tiện thì nguy cơ mất an toàn vẫn hiện hữu.

Từ năm 2017 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hơn 483 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy, với tổng số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng nhưng chỉ tạm giữ 12 phương tiện, tước giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện từ 1-3 tháng 25 trường hợp- con số quá khiêm tốn so với những trường hợp vi phạm.

Vì vậy, cùng với xem xét điều kiện về bến bãi lưu giữ phương tiện vi phạm, các bộ ngành chức năng cũng cần xem xét việc tăng mức xử phạt đối với các chủ phương tiện vi phạm để góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng năng thực thi nhiệm vụ./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quá tải giao thông đường thủy ở Tiền Giang
Quá tải giao thông đường thủy ở Tiền Giang

VOV.VN - Hệ thống sông rạch ở tỉnh Tiền Giang đang bộc lộ những bất cập, chưa phát huy hết vai trò, khả năng phục vụ con người.

Quá tải giao thông đường thủy ở Tiền Giang

Quá tải giao thông đường thủy ở Tiền Giang

VOV.VN - Hệ thống sông rạch ở tỉnh Tiền Giang đang bộc lộ những bất cập, chưa phát huy hết vai trò, khả năng phục vụ con người.

Nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy do chưa quản lý được đăng kiểm
Nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy do chưa quản lý được đăng kiểm

VOV.VN -Một trong nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện không đăng ký, đăng kiểm...

Nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy do chưa quản lý được đăng kiểm

Nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy do chưa quản lý được đăng kiểm

VOV.VN -Một trong nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện không đăng ký, đăng kiểm...

Hoàn thiện Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Hoàn thiện Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Hoàn thiện Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

Hoàn thiện Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.