Bệnh viện FV phải bồi thường 1.000 đồng và xin lỗi gia đình bệnh nhân
VOV.VN - Tòa án Nhân dân quận 7, TPHCM tuyên Bệnh viện FV thua kiện, dựa vào 2 kết quả giám định pháp y của Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế TP.HCM.
1.000 đồng là số tiền Bệnh viện FV phải bồi thường thiệt hại trong bản án sơ thẩm vừa được Tòa án nhân dân quận 7 tuyên chiều nay (11/11), trong vụ kiện đòi bồi thường giữa 3 nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng Điểu, ông Nguyễn Bình Khiêm và bà Nguyễn Mộng Hoàng - đại diện là ông Lê Văn Vui (SN 1970) và bị đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV có chi nhánh tại quận 7, TP.HCM).
Ông Lê Văn Vui, đại diện phía nguyên đơn trình bày tại phiên tòa. |
Theo nội dung vụ việc, ngày 18/2/2011, bà Nguyễn Thị Cận (sinh năm 1935) bị ngã, gãy xương đùi và được gia đình đưa vào điều trị tại Bệnh viện FV. Tại đây, bà Cận được chỉ định chạy thận nhân tạo. Sau 3 lần chạy thận, bệnh nhân bị quá tải dịch. Tình trạng sức khỏe suy giảm nên bà Cận phải đến 2 bệnh viện khác điều trị nhưng đã tử vong vào ngày 20/3/2011 do sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng. Gia đình bệnh nhân cho rằng Bệnh viện FV chạy thận nhân tạo không hiệu quả nên khiến bà bị biến chứng, dẫn đến tử vong.
Tại phiên tòa, đại diện phía nguyên đơn là ông Lê Văn Vui, cho biết gia đình bà Cận kiện Bệnh viện FV yêu cầu bồi thường thiệt hại và cải chính 1 phần trong một bài viết liên quan đến vụ việc đăng trên một tờ báo. Ông giải thích yêu cầu bồi thường 1.000 đồng là để Bệnh viện FV nhận thấy cái sai từ việc chữa trị sai khiến bệnh nhân thiệt mạng.
Tòa án Nhân dân quận 7, TPHCM tuyên Bệnh viện FV thua kiện, dựa vào 2 kết quả giám định pháp y của Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế TP.HCM. Cụ thể, ngày 10/1/2012, Hội đồng chuyên môn Sở y tế TP.HCM kết luận: “Bệnh viện FV có thiếu sót trong quá trình điều trị do các bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh (sau phẫu thuật) có bệnh thận mạn tính, đang ở giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo định kỳ”.
Ngày 30/9/2013, Trung tâm Pháp y TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM) kết luận: “Nạn nhân Nguyễn Thị Cận chết do bị suy thận mạn giai đoạn cuối đang được chạy thận định kỳ, sau phẫu thuật kết hợp xương đùi gãy, nhưng Bệnh viện FV đã đánh giá và điều trị chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo”.
Bản án sơ thẩm của Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường 1.000 đồng; đồng thời buộc Bệnh viện FV cải chính với nội dung: "Chúng tôi nhìn nhận những thiếu sót của BV FV trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Cận là do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong đánh giá và điều trị người bệnh. Cụ thể Bệnh viện FV đánh giá và điều trị đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Cận chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo. Chúng tôi chân thành gởi lời xin lỗi đến gia đình của bệnh nhân”./.