Bị bướm lạ tấn công, vùng cam đặc sản ở Nghệ An rụng vàng gốc
VOV.VN - Loài bướm có kích thước khá lớn ồ ạt tấn công những vườn cam, khiến quả bị vàng rồi rụng gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây.
Tại xã Yên Khê có 260ha cam, chiếm gần 80% diện tích toàn huyện Con Cuông (Nghệ An), với hàng trăm hộ trồng cam những ngày qua đang lao đao vì tình trạng côn trùng, chủ yếu là loài bướm có kích thước khá lớn, ồ ạt tấn công những vườn cam sắp đến ngày thu hoạch. Những vườn cam bị loài bướm lạ tấn công rụng vàng gốc, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân nơi đây.
Loài bướm lạ xuất hiện tấn công vườn cam của người dân trong thời gian qua. |
Anh Trần Văn Kính (trú tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông) cho biết, gia đình có 2ha với hơn 1.000 gốc cam, còn khoảng một tháng nữa sẽ cắt bán thì xảy ra tình trạng rụng quả. Nguyên nhân cam rụng do bướm lâm nghiệp cứ trời tối thì bay về vườn cam để chích hút. Không chỉ riêng gia đình anh Kính mà loài bướm lâm nghiệp này cũng ồ ạt tấn công nhiều vườn cam của các hộ gia đình khác trên địa bàn, khiến cam rụng vàng gốc.
Trước thực trạng trên, gia đình anh Kính chăng bóng điện, soi đèn bắt bướm nhưng không xuể vì số lượng quá nhiều và diện tích vườn rộng. Nhiều hộ dân khác ở xã Yên Khê cũng gặp cảnh tương tự gia đình anh Kính. Cam rụng quá nhiều nên người dân phải đào hố chôn lấp. Trong khi đó, chi phí trồng mới một ha cam khoảng 500 triệu đồng và phải mất 4 năm mới cho lứa thu hoạch đầu tiên.
Theo người dân nơi đây, nếu được mùa thì một ha cam thu được khoảng 20 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi khoảng 300 triệu đồng, tuy nhiên trước sự tấn công của loài bướm lạ người dân nơi đây lo sợ vụ cam năm nay sẽ trắng tay.
Những quả cam bị thối, rụng. Việc dùng các phương pháp thủ công để bắt, xua đuổi loài bướm này vẫn chưa có hiệu quả vì số lượng côn trùng quá lớn. |
Ngày 21/9, bà Trần Thị Ngân - Trạm trưởng trồng trọt bảo vệ thực vật huyện Con Cuông cho biết, địa phương ghi nhận 30 ha cam trên toàn huyện bị rụng hàng chục tấn quả do côn trùng tấn công; diện tích bị ảnh hưởng còn tăng trong thời gian tới.
Loài côn trùng tấn công vườn cam của nông dân nơi đây là loại bướm sản sinh ở các lèn đá vôi, sải cánh khoảng 5-7cm, chuyên chích hút cam vào lúc trời tối. Quả cam bị loại bướm này chích sau hai ngày sẽ thối và rụng. Theo chu kỳ 4-5 năm thì xuất hiện một lần loại bướm này với số lượng lớn. Các biện pháp phòng trừ chủ yếu căng bóng đèn vào ban đêm để xua đuổi, hoặc dùng vợt bắt, dùng túi nylon bọc quả cam để bảo vệ.
Tuy nhiên, lượng côn trùng quá nhiều trong khi biện pháp phòng trừ còn thủ công nên rất khó khăn cho người trồng cam./.
Hướng dẫn xử trí ngộ độc hóa chất diệt côn trùng dùng trong gia dụng
Hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất diệt côn trùng