Bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ngư dân vẫn bám giữ vùng biển Hoàng Sa
VOV.VN - Hành động phi pháp, đi ngược với luật pháp Quốc tế từ phía Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa không làm ngư dân chùn bước.
Thời gian qua, tàu thuyền của Trung Quốc liên tục có những hành động phi pháp, thường xuyên quấy nhiễu, tấn công nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Thế nhưng, ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng vẫn quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Chiều ngày 13/7, 5 ngư dân đi trên tàu cá mang số hiệu QNg-90479TS của chủ tàu Võ Văn Lựu, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị tàu Trung Quốc gây chìm đã được tàu cá QNg-95001TS của ngư dân Huỳnh Công Khanh ở cùng địa phương đưa vào đất liền an toàn.
Những ngày này, tại các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ tranh thủ chuẩn bị ra khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Hành động phi pháp, đi ngược với luật pháp Quốc tế từ phía Trung Quốc ngay trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam không làm ngư dân chùn bước. Họ vẫn kiên trì vươn khơi bám biển gìn giữ chủ quyền bằng cả trách nhiệm và tình yêu biển đảo quê hương.
Ngư dân Huỳnh Văn Hoanh, thuyền viên tàu QNg-95001TS thể hiện quyết tâm: “Sau vụ ni, chúng tôi vẫn lấy đá tiếp tục đi biển, đi biển Hoàng Sa để đánh bắt giữ Hoàng Sa. Không sợ, vì Hoàng Sa là của Việt Nam mà”.
Các tổ chức xã hội và Nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi luôn đồng hành với bà con trong những lúc khó khăn hoạn nạn nhất.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết: “Nghiệp đoàn vận động bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển và đánh cá những vùng biển truyền thống trước nay mà ông bà ta đã khai thác, cũng như là bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Từng đoàn tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi lại vượt biển trực chỉ Hoàng Sa như một lẽ đương nhiên đã có từ bao đời nay. Họ mãi là những lá chắn sống nơi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam gìn giữ chủ quyền biển đảo, ngư trường truyền thống của cha ông mình./.