Bộ NN&PTNT đề nghị xử lý nghiêm xe quá tải “phá nát” các tuyến đê

VOV.VN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện quá tải “cầy nát” các tuyến đê.

Trong thời gian trở lại đây, tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra hiện tượng các xe quá tải, siêu trường, siêu trọng “phá nát” các tuyến đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng, gây ra nguy cơ rất lớn khi mùa mưa lũ về.

Trước thực trạng đáng báo động này, ngày 14/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn số 4671 gửi UBND tỉnh, thành phố có đê về việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm xe quá tải đi trên đê.

Xe quá tải "cầy nát" các tuyến đê ở nhiều địa phương.

Nội dung công văn do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ký nêu rõ, những năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý những hư hỏng của đê điều, trong đó có việc sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là những đoạn đê qua các khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực có mỏ vật liệu và bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, trong đó có những tuyến đê mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Để thực hiện quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, để đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ thành quả đầu tư, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố:

Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bố trí ngân sách địa phương để xử lý, khắc phục những hư hỏng của đê do tình trạng xe quá tải đi trên đê gây ra, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2020 và các năm tiếp theo.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2020 do Tổng cục phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: Hiện nay trên cả nước có 230 điểm xung yếu có thể xảy ra nguy cơ mất an toàn bất cứ lúc nào. Các vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng tăng.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện còn khoảng 7.100 vụ vi phạm đê điều chưa được xử lý. Con số vi phạm đê điều không giảm đi mà ngày càng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đê điều ở hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng mặc dù được tu bổ hàng năm nhưng sau thời gian dài chưa có điều kiện thử sức với lũ lớn, cần phải đặc biệt lưu ý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên