Ứng dụng AI trong chuyển đổi số, Việt Nam tận dụng cơ hội đến đâu?
VOV.VN - Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu có chính sách ứng dụng, phát triển công nghệ AI, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á sẽ thu về những món lợi trị giá hàng tỷ USD từ trí tuệ nhân tạo.
Trong thời gian qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được ghi nhận những tiến bộ đáng kể, đặc biệt trong 5 năm qua, ứng dụng AI tạo thành những làn sóng mạnh tác động lên cuộc sống. Mới nhất là sự nổi lên của ChatGPT, Open AI cho thấy AI đã thâm nhập khá sâu vào cuộc sống. Từ đây cũng đẩy làn sóng ứng dụng AI trong cuộc sống và doanh nghiệp.
Phấn đấu thuộc top 4 ASEAN, top 50 thế giới về AI năm 2030
Với tham vọng trở thành một trung tâm về AI của ASEAN vào năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới.
Thực tế, không phải đến khi ban hành chiến lược AI, các doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển lĩnh vực này. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, các công ty khởi nghiệp (start-up) đổi mới sáng tạo đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI và ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới.
Theo GS.TS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán, một loạt các tập đoàn tên tuổi lớn của Việt Nam đã chi hàng chục triệu USD đầu tư cho lĩnh vực AI. AI đã trở thành một công cụ hiệu quả để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp công nghệ không theo kịp công nghệ thay đổi nhanh chóng, họ có nguy cơ trở nên lạc hậu trong tương lai.
“Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như không có động lực để triển khai AI trong các nghiệp vụ thường ngày của mình, vì chi phí lao động hiện đang quá rẻ so với chi phí ban đầu để triển khai công nghệ”, GS Hồ Tú Bảo bày tỏ.
Một trở ngại quan trọng mà Việt Nam cần vượt qua là xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán. AI là một lĩnh vực dựa trên dữ liệu, nên nếu không có dữ liệu tốt và cập nhật thường xuyên, chiến lược sẽ lâm vào ngõ cụt. Trong khi đó, hạ tầng tính toán là “cỗ máy” để AI chạy cũng rất quan trọng, bởi khi tốc độ phát triển và áp dụng AI ngày càng tăng thì khối lượng tính toán và tài nguyên cho tính toán cũng phải tăng tương ứng.
“Hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi. Việt Nam chưa có nhiều bộ dữ liệu chất lượng tốt; các dữ liệu thường bị phân mảng, ít liên thông và hạn chế về quyền truy cập. Song, nỗ lực thúc đẩy chia sẻ và tập trung dữ liệu của Chính phủ Việt Nam đã được thể hiện qua việc khởi động Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) chia sẻ dữ liệu bộ ngành, địa phương”, GS Hồ Tú Bảo phân tích.
Văn hóa chia sẻ dữ liệu và tiếp cận mở
Nói đến Chiến lược AI, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy khẳng định rằng để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành văn hóa chia sẻ dữ liệu và tiếp cận mở. Bởi mỗi trường hợp ứng dụng đều yêu cầu một mô hình AI mới được thiết kế và xây dựng bằng những dữ liệu cụ thể.
“Sự ra đời của AI sẽ tạo ra khoảng cách rất xa giữa những nhóm các nước đi đầu với nhóm các nước phía sau. Sự nổi lên của ChatGPT, Open AI mới là sự khởi đầu. Dự báo, nhiều sản phẩm trong quá trình phát triển sẽ tạo được tiếng vang lớn trong thời gian tới. Đáng chú ý, trong thời gian qua, xã hội cũng đã bắt đầu quan tâm đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào, cùng với đó là các vấn đề liên quan đến pháp lý và đạo đức AI, làm sao để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển AI. Tuy nhiên thực tiễn số lượng chuyên gia trong lĩnh vực AI tại Việt Nam không nhiều. Chúng ta không có hạ tầng siêu tính toán như ở các quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu khoảng thứ 40. Vì vậy, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam chắc chắn là khoảng cách rất xa với các nước đi đầu và xu thế còn tăng tiếp.
“Vì vậy, chúng ta không quá tham vọng phát triển các sản phẩm hàng đầu thế giới, chỉ đi vào các sản phẩm ngách phục vụ thị trường Việt Nam. Để tạo thành những sản phẩm Việt tốt phục vụ cho người Việt thì cũng cần nhanh chóng hình thành văn hóa chia sẻ dữ liệu và tiếp cận mở”, ông Duy cho hay.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nhận định vấn đề đạo đức và pháp lý cho ứng dụng AI thậm chí còn quan trọng hơn việc nghiên cứu, phát triển AI. Các sản phẩm AI hiện đã có rất nhiều, tuy nhiên hành lang pháp lý chung trên toàn thế giới đều đang bị chậm hơn do sự phát triển theo chiều thẳng đứng của công nghệ.
Một cuộc khảo sát được IBM thực hiện mới đây cho thấy, 30% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sự tin cậy và minh bạch là rào cản khiến họ chưa ứng dụng AI. 42% doanh nghiệp được hỏi nói rằng quyền riêng tư cũng là một vấn đề khiến họ phải cân nhắc.
Tuy vậy, bất chấp những băn khoăn, lúng túng từ phía các doanh nghiệp, công nghệ AI được dự đoán sẽ tạo ra gần 16.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Đó cũng là lý do nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường mức độ chi tiêu cho công nghệ này.
Tại Đông Nam Á, theo ước tính của EDBI và Kearney Analysis (công ty phân tích xu hướng công nghệ), công nghệ AI được dự đoán sẽ đóng góp 1000 tỷ USD vào GDP của các quốc gia trong khu vực vào năm 2030. Trong đó, AI được kỳ vọng đóng góp 92 tỷ USD cho GDP Philippines. Với trường hợp của Indonesia, công nghệ AI có thể bổ sung 366 tỷ USD vào GDP nước này trong thập kỷ tới.
Ông Kieran Hagan, Giám đốc Khối Trí tuệ Nhân tạo và Tự động hóa của IBM tại khu vực Đông Nam Á, Úc, New Zealand và Hàn Quốc (ASEANZK) cho hay, nếu chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có chính sách đầu tư mạnh mẽ cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ AI, các quốc gia này sẽ thu về những món lợi hàng tỷ USD từ lợi ích của AI./.