Cảnh báo nguy hiểm vì cạn nguồn máu dự trữ giữa mùa dịch corona
VOV.VN - Dịch corona xảy ra đúng dịp thiếu nguồn máu dự trữ sau Tết, đồng thời khiến số người đi hiến máu giảm, sẽ tạo ra cuộc “khủng hoảng” nguồn máu.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang cung cấp nguồn máu dự trữ cho khoảng 170 bệnh viện trên 26 tỉnh thành phố, để đảm bảo cấp cứu điều trị. Nên khi nguồn dự trữ và cung cấp máu bị ảnh hưởng sẽ là mối nguy cơ lớn cho hoạt động cấp cứu điều trị tại các bệnh viện này.
Cảnh báo nguy hiểm vì cạn nguồn máu dự trữ giữa mùa dịch corona. |
“Khủng hoảng” nguồn máu dự trữ vì dịch corona
Theo BS Phạm Tuấn Dương, Viện Phó Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, sau Tết Nguyên đán thường là thời gian lượng máu dự trữ tại tất cả các kho, các bệnh trên cả nước còn thấp. Bởi vì nguồn dự trữ đã sử dụng cấp cứu điều trị trong dịp Tết và dịp này lại có rất ít người đi hiến máu. Do đó, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV) xảy ra đã dẫn đến việc không thể hồi phục đủ lượng máu dự trữ để cấp cứu cho người bệnh.
“Dịch bệnh do nCoV xảy ra bất ngờ và xảy ra đúng vào thời điểm lượng máu dự trữ đang ở giới hạn rất thấp. Đứng trước tình hình này, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quyết tâm đảm bảo tối đa việc cung cấp máu cho cấp cứu. Tuy nhiên, chúng tôi phải có một số điều chỉnh trong việc tiếp nhận cũng như cung cấp để đảm bảo an toàn theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế về phòng chống dịch, đảm bảo phòng ngừa tránh lây nhiễm trong cộng đồng”, BS Dương nói.
Theo đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang lên kế hoạch chia nhỏ lịch hiến máu để tránh tập trung đông người và điều tiết lượng người hiến máu nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm ngay trong chính những người đi hiến máu. Thông thường hằng năm, khoảng 1-2 tuần sau Tết, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Lễ hội Xuân hồng để kêu gọi người dân hiến máu, bù lại lượng thiếu hụt trong Tết. Nhưng năm nay, kế hoạch tổ chức còn chưa được chắc chắn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Chúng tôi muốn thông qua truyền thông để chia sẻ rằng, phòng dịch bệnh do virus corona là rất quan trọng, song tại thời điểm thiếu nguồn máu hiện nay cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi mong muốn người dân vẫn sẽ tham gia hiến máu trong điều kiện đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Các cơ sở tiếp nhận phải bổ sung trang thiết bị để hỗ trợ người dân khi đến hiến máu, như nước rửa tay, khẩu trang… để người đến hiến máu được an toàn và các đơn vị máu tiếp nhận an toàn”, BS Phạm Tuấn Dương khẳng định.
Các y bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiên phong hiến máu mùa dịch corona. |
Dự báo nguồn máu dự trữ sẽ căng thẳng cả năm 2020
Với lượng máu đã được tiếp nhận sẽ phải lên kế hoạch sử dụng trước đây đã hợp lý nay phải hợp lý hơn. Ngày 6/2, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ còn hơn 5.000 đơn vị và chủ yếu ưu tiên cho cấp cứu. Vào thời điểm này vẫn cần những người khỏe mạnh tình nguyện đến hiến máu. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đồng thời kêu gọi người thân và người nhà bệnh nhân cần nhận máu sẵn sàng hiến máu.
BS Phạm Tuấn Dương dự báo: “Tháng 3, 4 không dôi dư lượng máu dự trữ như mọi năm thì đến tháng 5, tháng 6 sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn máu lớn và tình hình trong năm 2020, vấn đề nguồn máu dự trữ sẽ rất căng thẳng”.
BS Dương khẳng định, sự hợp tác của người hiến máu không chỉ là đến hiến máu, bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ các đơn vị máu an toàn: “Hiện rất cần người dân tham gia hiến máu, nhưng cũng cần sàng lọc những người hiến máu an toàn vì trong số người hiến máu có thể có người đã ở vùng có dịch, đi qua vùng có dịch hay đã tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh. Những người có nguy cơ này cần phải được cảnh báo để tự cách ly hoặc tìm đến sự hỗ trợ của bệnh viện nếu cần thiết”.
Theo đó, trước và sau khi hiến máu trong vòng 14 ngày mà người hiến có các biểu hiện ho, sốt, khó thở… thì cần báo ngay cho các cơ sở tiếp nhận máu để cách ly các đơn vị máu đó.
Tại các khu vực có dịch như Khánh Hòa, Vĩnh Phúc hay Thanh Hóa, phải sử dụng các đơn vị máu được tiếp nhận trong vòng 14 ngày trước. Với các đơn vị máy mới lấy phải kiểm tra theo dõi và sau 14 ngày không có thông tin phản hồi mới được sử dụng./.
Dịch corona: Hàng loạt trường ĐH cho sinh viên nghỉ tiếp thêm 1 tuần
Infographics: Những trường hợp nào người dân nên mang khẩu trang y tế?