Canh cánh nỗi lo của các trường học ven suối ở Sơn La trong mùa lũ

VOV.VN -Nhiều ngôi trường ven suối, nước lũ làm sập kè bê tông, tường chắn đất khiến các trường không kịp trở tay

Chiều muộn 28/8, mưa lớn từ thượng nguồn con suối Nặm Nẹ đổ về ầm ầm ào vào Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nà Ớt, huyện Mai Sơn.

Chỉ trong tích tắc nước lũ đã dâng cao gần hết tầng 1. Hơn 200 học sinh nội trú vừa ngồi vào bàn chuẩn bị ăn tối nhanh chóng được sơ tán lên tầng 2. Nước vẫn cuồn cuộn đổ về đe dọa tính mạng cho thầy và trò.

Bờ kè Trường Tiểu học Tà Hộc sát cạnh suối Hộc

Theo thầy giáo Nguyễn Trung Huấn, Hiệu trưởng Nhà trường: Vì nước đổ về nhanh và quá lớn thoát lũ không kịp làm sập 20m kè bê tông, 15m kè chắn đất phía cuối trường đổ ra suối.

Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do lòng suối Nặm Nẹ đã bồi lắng quá cao so với mặt sân, trong khi đó những hộ dân phía trên và dưới con suối đã lấn và xây cao hơn khiến trường nằm ở giữa lại đúng khúc eo trũng thấp nên hứng trọn nước lũ.

Mặt bằng trường Tiểu học và trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tà Hộc nằm cách lòng con suối Hộc chưa đầy chục mét.

Hai trường này đã được đầu tư xây dựng bờ kè nhưng cũng chỉ cao 2m so với mặt suối.

Trận lũ vừa qua, lũ bùn ào về phủ lớp đất dày như cánh đồng trên sân trường.

Các thầy cô giáo ở đây cho biết, vì điều kiện địa hình dốc, không có mặt bằng nên trường học nằm ven khe suối rất nguy hiểm. Muốn di dời đến chỗ khác thì không có mặt bằng để xây trường.

Cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tà Hộc cho biết: “8 điểm trường của xã Tà Hộc nằm bên bờ suối, hoặc dưới chân đồi thế nên các điểm bị sạt hết, có điểm bây giờ nhà trường còn chưa tiếp cận được”.

 

Trận mưa lũ vừa qua đã làm 11 trường, điểm trường của tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng, trong đó huyện Mai Sơn 3 trường; Vân Hồ 3 trường; Mường La 1 trường; Quỳnh Nhai 1 trường; Sông Mã 1 trường; Sốp Cộp 2 trường. Theo đánh giá, đây chủ yếu là các trường học có vị trí ven suối. Trên các con suối này đã bị lấn chiếm dòng chảy, trong khi đó bờ kè cách mặt suối thấp nên khi có mưa lớn bị lũ nhấn chìm.

Ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mai Sơn cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho Ủy ban huyện có những giải pháp cụ thể. Hệ thống kè mặc dù đã được đầu tư xây dựng nhưng trong thời gian tới chúng tôi đề nghị với Ủy ban huyện có sự đầu tư bổ sung làm sao đảm bảo cho công tác chắn lũ với các trường học ở giáp suối”.

>> Thầy giáo Nguyễn Trung Huấn: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cải tạo bờ kè để nước lũ không tràn từ trên thượng nguồn xuống nữa. Việc nữa là mở rộng dòng suối ra để thoát lũ nhanh hơn tránh tràn vào trường”.

Sau lũ, hàng nghìn học sinh các cấp ở Sơn La chưa thể tiếp tục việc học tập, một phần con đường từ nhà đến trường còn chia cắt, phần nữa do chưa thể dọn dẹp hết bùn đất, khôi phục lại lớp và nhà ở bán trú, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn thiếu. 

Sau trận mưa lũ này, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các trường học nằm ở vị trí xung yếu như sát ta luy dương, hay nằm ven suối.

Theo đó để đánh giá thực tế hiện trạng, vị trí nào nguy hiểm cần di dời đến nơi an toàn, cho dù khó đến đâu cũng phải làm, vì tính mạng an toàn của hàng nghìn học sinh, giáo viên là trên hết./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh trường, lớp học ở Tà Hộc (Sơn La) ngập bùn đất
Hình ảnh trường, lớp học ở Tà Hộc (Sơn La) ngập bùn đất

VOV.VN -Tà Hộc – xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sau 6 ngày bị cô lập do mưa lũ.

Hình ảnh trường, lớp học ở Tà Hộc (Sơn La) ngập bùn đất

Hình ảnh trường, lớp học ở Tà Hộc (Sơn La) ngập bùn đất

VOV.VN -Tà Hộc – xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sau 6 ngày bị cô lập do mưa lũ.