Chỉ 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao
VOV.VN -Khi tiến bộ khoa học đang thay đổi, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng nâng cao, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn trong tìm kiếm nhân tài.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hội nhập quốc tế và nguồn nhân lực trong tương lai – trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công”, do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp với Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội tổ chức chiều nay (3/12).
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot, người lao động đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi máy móc, tự động hóa ở quy mô toàn cầu. Tuy chưa rõ nét, song Việt Nam đã và đang trong lộ trình hội nhập quốc tế, hòa mình vào dòng chảy cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực nâng cao như yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội thảo. |
Với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Báo cáo thị trường Quý II/2018 của ManpowerGroup, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Khi tiến bộ công nghệ thay đổi các tổ chức, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân tài.
Sự thay đổi này khác nhau theo từng vị trí: nhân sự vị trí Công nghệ thông tin (IT) sẽ có tỉ lệ tăng lớn nhất khi các tổ chức tích cực đầu tư vào số hóa, theo sau đó là nhân viên tuyến trên (lễ tân và chăm sóc khách hàng). Ngược lại, số lượng nhân sự hành chính văn phòng được dự đoán sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của tự động hóa. Việc phối hợp kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm chính là giải pháp tốt nhất giúp các cá nhân và doanh nghiệp vươn tới thành công trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Kỹ năng.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông nhận định rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong việc nâng cao kỹ năng cho lao động ở các lĩnh vực tăng trưởng mạnh. Chính phủ, doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết.
Cũng tại sự kiện, ManpowerGroup đã công bố Chương trình học bổng thường niên nhằm hỗ trợ các sinh viên có thành tích học tập tốt nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong hành trình vươn đến một tương lai tươi sáng. Thông qua phối hợp với các trường nghề, trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, ManpowerGroup thực hiện các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên năm 1-2, Chương trình hướng nghiệp cho sinh viên năm 3-4 và tạo điều kiện thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp./.
Tinh giản biên chế cần đảm bảo quyền lợi người lao động
Người lao động được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệp định CPTPP?
Giải pháp nào cho tình trạng “Vượt biên đi lao động trái phép” ở Tây Bắc?