Chính thức ra mắt Hội Kết nối và hỗ trợ người lao động hồi hương
VOV.VN -Đây tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho lao động khi về nước để nhanh chóng tiếp cận những doanh nghiệp, như doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam
Chiều tối 8/5, tại Hà Nội, Hội Kết nối và hỗ trợ người lao động hồi hương (ACSL) – hội thành viên của Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) chính thức ra mắt. Ông Bùi Xuân Quảng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Dương được VKBIA bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội. Đây là tổ chức hỗ trợ phi lợi nhuận cho người lao động hồi hương.
Tham dự chương trình có đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam và Phó Đại sứ - Tổng lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam Jeong Wu Jin; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) Hong Sun.
Trao quyết định thành lập Hội Kết nối và hỗ trợ người lao động hồi hương |
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch VKBIA nhấn mạnh: “ACSL là tổ chức phi lợi nhuận, thuộc VKBIA, sẽ hỗ trợ cho lao động khi về nước để nhanh chóng tiếp cận những doanh nghiệp, như là doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, là những doanh nghiệp thành viên của VKBIA, có quan hệ với VKBIA. Chúng tôi sẽ có mạng lưới kết nối. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ đào tạo tiếng, đào tạo tay nghề, văn hoá doanh nghiệp làm sao cho lao động đáp ứng đủ tiêu chuẩn khi về Việt Nam có thể gia nhập vào các doanh nghiệp ngay”.
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, chỉ riêng năm 2019 có khoảng 148.000 người Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và số lượng người hết hạn hợp đồng trở về nước trong giai đoạn 2015 - 2018 ước tính khoảng 110.468 người, trong đó số người lao động về nước từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… được đánh giá là có trình độ, kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Dù vậy, nhiều người sau khi về nước vẫn còn loay hoay tìm kiếm công việc phù hợp dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao. Không ít người sau khi không tìm kiếm được việc làm đã quay trở lại nghề nông hoặc lao động tự do như trước khi đi làm việc tại nước ngoài, những kiến thức, kinh nghiệm học được trong thời gian làm việc, thực tập kỹ năng ở nước ngoài bị bỏ phí không có cơ hội phát huy.
ACSL ra đời sẽ trở thành cầu nối giữa bên có nhu cầu việc làm và bên có nhu cầu tuyển dụng. Về phía du học sinh, người lao động hồi hương có thể giúp họ sớm hòa nhập với cuộc sống và công việc tại quê hương, về phía các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có được nguồn nhân lực phù hợp, tận dụng, phát huy được các kiến thức, kinh nghiệm mà du học sinh, người lao động tích lũy được trong quá trình học tập, làm việc ở nước ngoài mang về xây dựng đất nước. Đối với những người có tay nghề, chuyên môn cao và có khả năng thì có thể được hỗ trợ để phát triển trở thành các doanh nghiệp Việt có tiềm năng, là cầu nối phát triển kinh tế với các nước.
Ông Bùi Xuân Quảng, Chủ tịch ACSL chia sẻ, mục tiêu của Hội là làm công tác xã hội, thực hiện đúng chủ trương mà Đảng, Nhà nước đang triển khai là đưa người lao động ra nước ngoài 3-5 năm để lao động, phát triển kinh tế của quê hương khi quay về sẽ được bố trí việc làm và làm giàu tại chính quê hương mình. Trước mắt, ACSL sẽ kiện toàn bộ máy, kết nối với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam để lấy nhu cầu sử dụng của họ. ACSL sẽ kết nối với những lao động sắp hoàn thành về nước để có thể phỏng vấn, chia sẻ về quyền lợi, trách nhiệm của từng bên để tiến hành hợp tác thực chất./.