Chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ đoạn tuyến Quốc lộ 91

VOV.VN - Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh toàn diện vấn đề chỉnh trị dòng chảy trên sông Hậu bảo vệ đoạn tuyến Quốc lộ 91.

Chiều 25/6, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra cuộc họp về Chủ trương chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Tô Hoàng Môn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, tình trạng sạt lở tại bờ sông Hậu đã diễn ra từ lâu, và diễn ra ngày càng mạnh. Trong những năm gần đây nhiều khu vực bị sạt lở rất nghiêm trọng như khu vực Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới năm 2017 và gần đây nhất là sạt lở tuyến QL91 khu vực qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Sạt lở tại Quốc lộ 91 vẫn đang tiếp tục cho đến thời điểm hiện nay và vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nếu không có biện pháp xử lý.

Ông Tô Hoàng Môn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.

“Để khắc phục tình trạng sạt lở, tỉnh An Giang đã tiến hành xử lý cấp bách đoạn sạt lở bằng phương pháp dùng bao tải cát lập hố xói và hàn khẩu vết vỡ. Thả bao tải cát với định mức khoảng 34.000m3,  xây dựng 2 đoạn kè mái nghiên từ năm 2009 – 2019. Tuy nhiên, vào ngày 20/8/2019 khi thi công hệ thống kè bằng bao cát bảo vệ QL91 đã bị trôi ra sông đồng thời vết sạt lở lan rộng vào đường QL91 thêm 0,6-1m với chiều dài sạt khoảng 6-10m. Đến ngày 27/5/2020 tiếp tục xảy ra sạt thêm một đoạn khoảng 60m”, ông Môn thông tin.

UBND tỉnh An Giang đề xuất phương án chỉnh trị dòng chảy từ đó sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ QL91 (chi phí gia cố Bộ Giao thông vận tải đề xuất là khoảng 500 tỷ đồng, trong khi chi phí Trung ương dự toán hỗ trợ là 160 tỷ đồng)”.

Theo ông Môn, do ngân sách khó khăn nên UBND tỉnh An Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ, cho phép xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.


Khu vực được đề xuất nạo vét chỉnh trị.

 Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, sự xuất hiện dòng chảy xoắn với lưu lượng và lưu tốc lớn qua vị trí này là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng xói lở bờ phải (QL91) và gây bồi lắng bờ trái, qua đó thu hẹp mặt cắt lòng sông khu vực này.

Ông Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam 

Đánh giá mối liên quan giữa điểm sạt lở này với các điểm khác để chỉnh trị dòng chảy, ông Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, tình hình sạt lở ở An Giang những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, hiện nay việc hạ thấp dòng dẫn ở sông Tiền, sông Hậu đang diễn ra trung bình là 50cm/năm là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở đoạn co hẹp dòng chảy, đoạn sông cong, cho nên việc chỉnh trị không hề đơn giản.

Bà Phạm Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Thuỷ văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thuỷ lợi).

Bà Phạm Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Thuỷ văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thuỷ lợi) cho biết: “Có nhiều yếu tố dẫn đến sạt lở ở đoạn tuyến Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; trong đó có yếu tố ngoại sinh do vị trí sạt lở nằm ở đoạn co hẹp với chiều rộng khoảng 300m trong khi ở thượng lưu khoảng hơn 600m còn ở hạ lưu là hơn 500m dễ gây sạt lở. Chưa kể, đây là đoạn tuyến có nền đất yếu, vùng ảnh hưởng của thuỷ triều, hình thành các lạch sâu, chế độ dòng chảy và vận tốc dòng chảy (max lớn hơn 1,8m/s) làm gia tăng nguy cơ sạt lở”.

Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở đoạn Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang như đoạn sông cong, suy giảm dòng chảy, phù sa vùng cát… tôi cho rằng sạt lở xảy ra còn do chịu tác động từ việc xây dựng đập ở thượng nguồn. Việc thực hiện giải pháp chỉnh trị dòng chảy ở đoạn sông Hậu này là hết sức cần thiết”.

Đánh toàn diện vấn đề chỉnh trị dòng chảy trên toàn tuyến sông Hậu

Ông Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch lại khu dân cư ven sông, ven bờ cũng là việc cần làm. Việc thắt cổ chai của dòng chảy qua khu vực này từ 600m xuống còn 300m cũng là vấn đề, phải nghiên cứu cân bằng lưu tốc giữa thượng lưu và hạ lưu ở đoạn sạt lở, xử lý các đoạn sông cong và nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng chống sạt lở.

Bà Nguyễn Thị Thu Linh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT).

Chia sẻ tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Linh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho rằng: “Để giải quyết vấn đề này, cần nghiên cứu rõ nguyên nhân gây ra sạt lở, trong đó có các vấn đề về suy giảm dòng chảy, phù sa vùng cát trên sông Tiền, sông Hậu… nguyên nhân từ giao thông thuỷ, hoạt động tàu bè cũng cần được xem xét.

Bà Phạm Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Thuỷ văn môi trường và BĐKH (Trường Đại học Thuỷ lợi) đề xuất 2 nhóm giải pháp, thứ nhất là xử lý sạt lở khẩn cấp và xử lý tổng thể lâu dài. “Với giải pháp nạo vét và mở rộng lòng dẫn sông tại khu vực sông thắt cổ chai hiện đang sạt lở mạnh là giải pháp cần được ưu tiên nghiên cứu và xem xét triển khai. Tuy nhiên, về lâu dài phải đánh giá tác động từ vùng thượng lưu và hạ lưu. Về mặt tài chính, với các công trình phục vụ dân sinh, phòng chống thiên tai, công tác xã hội hoá là cần thiết. Cần có nhà đầu tư chung tay với nhà nước giải quyết bài toán này”.

Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT).

Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Tôi đề nghị, trong quá trình lập dự án đề xuất nhiều kịch bản; trong đó nạo vét bên bờ trái chỉ là một kịch bản. Và với mức độ nạo vét khoảng 3km, việc đầu tư để nạo vét cần tính đến trường hợp phải xây dựng một công trình ở phía thượng lưu để điều chỉnh dòng chảy”.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT).

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để triển khai chỉnh trị cần có những nghiên cứu bài bản, đầy đủ để làm sao khi triển khai sẽ mang lại hiệu quả tại vị trí chỉnh trị, hạn chế ảnh hưởng thấp nhất tác động vùng thượng, hạ lưu; đồng thời, có nghiên cứu sâu sắc, toàn diện để hạn chế những yếu tố tác động làm giảm hiệu quả chỉnh trị. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng phương án chỉnh trị toàn bộ hệ thống sông của đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta có thể nghiên cứu tách ra và cung cấp một phần cho nghiên cứu cục bộ khi chỉnh trị tại vị trí này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên