Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kiểm tra chốt kiểm dịch ở tận rừng sâu
VOV.VN - Ăn ở trong rừng sâu với hiểm nguy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề là những gì mà cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Quảng Nam đang đối mặt.
Để kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 nơi vùng cao biên giới, những người lính mang quân hàm xanh đã vượt qua mọi thử thách nơi rừng thiêng nước độc, cắm chốt trong rừng sâu ngăn chặn người qua lại trái phép, chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Con đường như sợi chỉ vắt ngang qua những mỏm núi cao chót vót là lối vào chốt kiểm soát bảo vệ biên giới số 723 phòng, chống dịch Covid- 19, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Sương sớm che mờ lối đi, vắt rừng và ruồi vàng là những con vật đáng sợ với những ai mới lần đầu đi núi. Chỉ một vài con vắt cắn là máu chảy không dừng, ngứa cả ngày. Nơi cắm chốt nằm dưới tán lồ ô, bên thác nước.
Chỉ huy Đồn đã cử 8 cán bộ, chiến sỹ thường trực tại đây. Chốt trưởng là Trung tá - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ. Chốt này được lập ra để bảo vệ khu vực cột mốc 723 khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào. Những ngày đầu thành lập chốt, cán bộ, chiến sĩ biên phòng gùi cõng vật dụng vào rừng phát hoang, chặt cây làm lán trại, căng bạt che mưa nắng.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn, cán bộ chốt này cho biết đây là chốt phòng, chống dịch Covid- 19 lâu dài và phức tạp nên anh em bắt tay ngay vào việc trồng rau, nuôi vịt đảm bảo lương thực tại chỗ:
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam quản lý hơn 31 km đường biên giới với nước bạn Lào, trải dài qua 11 cột mốc (từ mốc 716 đến mốc 726). Để thực hiện tốt công tác kiểm soát biên giới, tăng cường phòng, chống dịch Covid- 19, đơn vị đã thành lập 4 chốt tại những khu vực đường mòn, lối mở.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cho biết, chốt gần nhất hiện nay đi bộ khoảng 1 tiếng đồng hồ đường rừng, chốt ở xa thì đi từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng đối với những người chuyên đi núi. Đường đi gian nan, vất vả, phải vượt qua thác ghềnh trong rừng sâu.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh tâm sự, mỗi lần về Đồn nhận lương thực, cán bộ chiến sỹ phải đi thành nhóm để hỗ trợ nhau: "Trong thời gian vừa qua, chúng tôi thực hiện theo hướng luân chuyển. Tức là đồng chí nào cũng phải đến nơi gian nan. Hiện nay bố trí 1 chốt từ 7- 9 đồng chí. Căn cứ vào nhiệm vụ có thể sẽ bố trí tăng, cũng có thể giảm, nhưng giảm gì thì chăng nữa thì chúng tôi xác định tối thiểu phải được 5 người. Đồng chí nọ hỗ trợ cho đồng chí kia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".
Tại nước bạn Lào, trên địa bàn tỉnh Sê Kông hiện có gần 1.400 người Việt Nam đang sống, làm việc. Khi xảy ra dịch, số người nhập cảnh về Việt Nam qua các cửa khẩu ngày càng nhiều. Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam có đường biên giới dài, nằm trong nhóm có nguy cơ cao nên công tác phối hợp giữa các lực lượng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam hết sức quan tâm.
Hôm qua, sau khi băng rừng đến thăm các chốt kiểm soát biên phòng, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác triển khai phòng, chống dịch của lực lượng biên phòng là rất chủ động và kịp thời; việc khảo sát chọn vị trí cắm chốt cũng rất phù hợp, quản lý được các đường mòn, lối mở xung yếu từ phía Lào qua các huyện Nam Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam: "Trước hết lực lượng biên phòng xem “chống dịch như chống giặc”. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có kế hoạch hỗ trợ cho các lực lượng quân sự nói chung, trong đó có biên phòng các cơ số về nhu yếu phẩm, vật phẩm, vật dụng cần thiết phục vụ cho công tác chốt chặn. Chúng tôi cũng đã đề nghị công tác xã hội hóa của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể và quần chúng nhân dân để ủng hộ về vật chất và tinh thần cho các chiến sỹ khu vực biên giới"./.