Một trong số những người lính đó có những chiến sỹ thuộc Hải đội 101, Vùng 1 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Sự hi sinh thầm lặng đó dành cho biển, đảo Việt Nam, là điểm tựa vững chắc của ngư dân Việt Nam.
Con tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 9004 rời bến cảng Đông Hải, Hải Phòng vào lúc 5h sáng, chưa đến 10 phút chuẩn bị, tàu đã tăng tốc, thoát khỏi cửa sông Cấm, hướng ra biển. Theo lịch trình, tàu 9004 sẽ cập đảo trong 9h chạy liên tục. Nhiệm vụ của tàu 9004 lần này đi theo chương trình dự kiến từ 40 đến 45 ngày làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển.
|
Tàu CSB 9004 có nhiệm vụ tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trên biển. |
Trong chuyến công tác này, hơn 20 chiến sỹ trên tàu 9004 sẽ ăn Tết trên biển. Chính vì vậy, trên tàu đã chuẩn bị gồm gà, lợn, gạo nếp, lá dong, cành đào và các nhu yếu phẩm của ngày thường cũng như ngày Tết.
Vừa chỉnh lại cành đào, mâm ngũ quả trong phòng khách, Đại úy Đào Hồng Quảng, Chính trị viên tàu 9004 chia sẻ: “Tết trên tàu cũng đầy đủ như trên đất liền, chỉ thiếu tình cảm. Đêm 30 Tết, Lãnh đạo Bộ tư lệnh chúc Tết anh em qua hệ thống thông tin vệ tinh. Anh em đi trên biển cũng rất thiệt thòi.
Trước khi đi thì anh em đã chuẩn bị đầy đủ các vật tư để chuẩn bị đón Tết. Có nghĩa là cũng sẽ có thịt lợn, lá dong. Tàu sẽ tổ chức giết lợn và gói bánh chưng. Còn bánh kẹo và anh có thể quan sát thấy ở đây là đào, mai cũng đã chuẩn bị và trang trí phòng đón xuân này như một không gian đón xuân ở nhà cho cán bộ chiến sỹ tổ chức vui xuân ở đây. Tôi đi xa nhà cũng nhiều rồi nhưng được đón Tết cùng tàu trên biển thì cái Tết này là lần đầu tiên”
Quản lý một vùng biển dài từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, hơn 3 năm qua, lực lượng cảnh sát biển thuộc Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã thực hiện 26 lượt cứu hộ, cứu kéo được 12 tàu thuyền các loại, cứu vớt trên 100 lượt ngư dân, thuyền viên bị nạn trên biển. Trong những ngày Tết, bà con ngư dân vẫn hoạt động trên biển, có tàu theo luồng cá, tận 30, mùng một Tết vẫn chưa về đất liền.
|
Tập kết hàng chuẩn bị lên đảo Bạch Long Vỹ của chiến sỹ tàu 9004. |
Nhớ lại chuyến đi biển đầu tiên làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, thiếu úy Đỗ Tùng Lâm chiến sỹ trên tàu CSB 9004 nói: “Tìm kiếm cứu nạn trên biển thì công tác chuẩn bị rất gấp, không như đi trực mà có thời gian chuẩn bị dài. Lúc chưa ra biển thì thích biển, lúc ra mới biết là sóng nó dữ dội thế nào. Nhưng sau một vài ngày, vì nhiệm vụ, dần dần mình cũng quen dần với sóng, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”.
Tầm chiều, thủy triều rút, tàu CSB 9004 dừng cách bờ đảo Bạch Long Vỹ chừng 2 km, tất cả người và hàng hóa đều phải truyền tải qua một chiếc tàu gỗ có mớn nước thấp hơn. Những chiến sỹ trẻ tàu 9004 vừa lo nấu ăn, vừa chăm sóc người say sóng, giờ lại tất bật mặc áo phao để chuyển hàng lên đảo. Từng cơn sóng tràn đến, đẩy chiếc thuyền gỗ lúc tụt xuống, lúc trồi lên cao hàng mét. Trời yên, biển lặng còn khó vậy, chứ khi sóng to, gió lớn giữa trùng khơi thì còn khó khăn biết nhường nào.
Đảo Bạch Long Vỹ là huyện đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ. Âu cảng Bạch Long Vỹ có sức chứa khoảng 20.000 lượt tàu đánh cá.
Chị Lý Thị Mến, ngư dân ở Cát Bà, thường dừng tàu ở âu cảng Bạch Long Vỹ, vừa nhận món quà nhỏ là chiếc bánh chưng vừa được luộc trên tàu 9004, cho biết: “Em cảm thấy bộ đội biên phòng, cảnh sát biển ở đây rất quan tâm đến dân và dân rất hài lòng, rất vui. Chỉ mong muốn cơ quan nhà nước, công an, cảnh sát biển quan tâm đến dân nhiều hơn để phát triển ngành nghề biển của dân”.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Nhuận, ở Tiên Lãng, Hải Phòng, cho biết: Với chúng tôi, lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển là những người thân thiết. Lênh đênh trên biển, khi gặp sự cố, người giúp chúng tôi nhanh nhất là những lực lượng này.
Kéo căng lá cờ Tổ quốc vừa được Cảnh sát biển trao tặng, anh Nhuận nói: “Cờ tổ quốc cắm trên nóc tàu tôi thấy vinh dự, tự hào. Tôi thấy sự hiện diện của Tổ Quốc trên biển Đông”.
Nhiệm vụ “cứng” là tuần tra, kiểm soát trên biển nhưng nhiệm vụ “mềm” là bạn của ngư dân. Đại tá Nguyễn Văn Tư, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 1 khẳng định như vậy. Nhiệm vụ giúp ngư dân trên biển, ngoài việc tuyên truyền luật pháp, tìm kiếm cứu nạn thì những chương trình “Đồng hành cùng ngư dân” ở các tỉnh ven biển và hải đảo đã nhận được kết quả tốt đẹp.
|
Chuyển hàng tết lên tàu. |
Đại tá Nguyễn Văn Tư nói: “Tâm tư tình cảm của bà con ngư dân cũng như nhân dân vùng đảo xa rất phấn khởi. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực và tới đây, theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển sẽ mở rộng mô hình này ra phạm vi toàn quốc. Những tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến miền Tây Nam Bộ. Làm sao chúng ta có thể động viên nhân dân bám biển, để bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” .
Nghe tiếng còi của con tàu hú lên chào nhau mà lòng trào dâng niềm vui. Vui vì ngư dân Việt Nam có thêm người bạn đồng hành trên biển, hơn nữa cuộc sống của những người dân trên đảo Bạch Long Vỹ nói riêng cũng từ đó được cải thiện. Và giữa “mênh mông biển khơi”, đem lại sự bình yên đó là những hi sinh thầm lặng của những chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.