Có hay không sự buông lỏng quản lý khiến rừng Suối Bàng bị băm nát?

VOV.VN - Khu vực mỏ than Suối Bàng được cấp phép khai thác rộng 300ha. Thực tế cho thấy cả 1 vùng rừng tự nhiên rộng lớn đã bị đục khoét hoang tàn.

Mỏ than Suối Bàng tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ được UBND tỉnh Sơn La cấp giấy phép khai thác vào năm 2010 và 2011, cho Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản KTB và Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La. Phương pháp khai thác cho phép khai thác theo kỹ thuật hầm lò. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, hai Công ty này đã khai thác than theo phương pháp lộ thiên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tàn phá nhiều héc ta rừng tự nhiên và nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân các bản: Pưa Ta, Bản Bó, Nà Lồi và Suối Khẩu, xã Suối Bàng.

Hoạt động khai thác than rầm rộ trong thời gian dài.

Điều đáng nói, trong suốt nhiều năm khai thác, với nhiều sai phạm như nợ thuế kéo dài, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… và cơ quan chức năng đã nhiều lần “ tuýt cói” xử phạt mà vẫn tái phạm, song mỏ than của hai Công ty này vẫn không bị đóng cửa, thu hồi giấy phép... Vậy có hay không việc buông lỏng quản lý cho khai thác than lộ thiên làm hơn 300ha rừng tự nhiên Suối Bàng bị băm nát?

Cấp phép một đằng, khai thác một nẻo

Khu vực đầu nguồn con suối chảy vào các bản: Bản Bó, Pưa Ta, Suối Khẩu và Nà Lồi giờ đây người dân không thể nhận ra dòng suối trong xanh, cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất cho bà con 4 bản, với hàng nghìn nhân khẩu. Tất cả đã bị núi đất đá của bãi thải khai thác than Suối Bàng đổ xuống chặn lấp dòng chảy.

Anh Mùi Văn Thảo, Phó bản Bó, xã Suối Bàng cho biết, những con suối, khe nước trước đây trong xanh mát lành có nhiều tôm cá, giờ nước ngả màu vàng không ai dám sử dụng nguồn nước để sinh hoạt nữa.

Từ khi con suối bản Bó bị bức tử, bà con phải tự tìm nguồn nước từ các khe núi cách xa vài km, tiền mua ống nước cũng hết 3 đến 5 triệu đồng 1 hộ.  Đây là 1 khoản tiền không nhỏ so với thu nhập của các hộ dân trong bản khi hầu hết đều là hộ nghèo.

Cấp phép khai thác hầm lò nhưng chủ yếu khai thác lộ thiên khiến nhiều diện tích rừng bị tàn phá.

Ông Mùi Văn Thiên, Trưởng bản Bó bức xúc: "Như này thì phá hết rừng đầu nguồn của chúng tôi rồi, bà con biết làm thế nào, kêu ai".

Khu vực mỏ than Suối Bàng được cấp phép khai thác rộng 300ha. Thực tế cho thấy cả một vùng rừng tự nhiên rộng lớn đã bị đục khoét tan hoang. Bãi đổ thải to như quả núi vui lấp cả rừng tự nhiên.

Ông Mùi Văn Mếu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng cho biết: "Xã đã có ý kiến, bà con cũng nêu những khó khăn và mong muốn công ty và cấp trên tháo gỡ khó khăn nhưng không thấy ai hồi âm lại, bà con rất bức xúc vì điều ấy".

Qua các cuộc kiểm tra của các ngành chức năng tỉnh Sơn La, hoạt động khai thác than của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản KTB và Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La còn nhiều vấn đề tồn tại trong thời gian dài vẫn chưa khắc phục được như: Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn thiếu; chưa hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi thải tại 4 bản; chưa tổ chức thực hiện thi công phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi được UBND tỉnh phê duyệt; chưa lập dự án đầu tư theo phương pháp khai thác lộ thiên kết hợp với hầm lò ( đã điều chỉnh); chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường của dự án…

Những vi phạm này theo quy định là phải đóng cửa mỏ và thu hồi giấy phép hoạt động từ lâu, nhưng không hiểu vì lý do gì hoạt động khai thác than vẫn được triển khai rầm rộ? Sẽ còn bao nhiều héc ta rừng tiếp tục bị băm nát và cuộc sống người dân quanh khu vực sẽ còn bị ảnh hưởng đến bao giờ?

Sở đề nghị thu hồi giấy phép, tỉnh tiếp tục cho điều chỉnh phương án khai thác than?

Mới đây Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản KTB và Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La đã bị xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với số tiền lên đến 450 triệu đồng.

Theo ông Mùi Văn Mếu, Phó bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của tỉnh và huyện, mặc dù xã đã nhiều lần kiến nghị xử lý dứt điểm những sai phạm trên của 2 Công ty song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm: "Chúng tôi đã trao đổi với 2 công ty phải có trách nhiệm tái tạo lại môi trường, vùi lấp lại các điểm đã khai thác. Thứ hai là trồng cây để phủ xanh lại toàn bộ đồi núi mà công ty đã khai thác", ông Mùi Văn Mếu nói.

Ngoài kiến nghị của bà con trong xã, các đoàn kiểm tra của tỉnh cũng đã nhiều lần xuống làm việc nhưng không hiểu vì sao hai Công ty này vẫn ngang nhiên khai thác than lộ thiên nhiều năm, hàng trăm héc ta núi đồi bị băm nát, một số diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá.

Theo ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La: "Các chủ doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước ra các quyết định xử phạt hành chính chưa nghiêm túc trong vấn đề tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương cũng phải nhận thức trách nhiệm từng cấp. Đối với Sở cũng đã kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm và cũng cương quyết trong vấn đề và cũng đã đề xuất nếu quá thời hạn mà hai công ty không thực hiện nghiêm túc sẽ thu hồi giấy phép về khai thác".

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng cho biết: Tồn tại lớn nhất tại đây là hai công ty này hiện vẫn nợ thuế kéo dài; sau khi đánh giá lại trữ lượng thì chủ trương đầu tư chưa hoàn thiện. Hiện hai doanh nghiệp đang phải hoàn tất lại thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng tỉnh Sơn La.

"Các hoạt động mà cả hai dự án này phải chấn chỉnh đó là phải khẩn trương điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cái thứ hai là phải lập thiết kế cơ sở để trình thẩm định phê duyệt theo quy định đặc biệt là khi mà chuyển đổi hình thức khai thác từ hầm lò sang lộ thiên và kết hợp với hầm lò. Thứ ba là phải hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai như là đối với diện tích Nhà nước giao, nhà nước cho thuê thì phải hoàn thiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thứ 4 nữa là liên quan đến nghĩa vụ với ngân sách nhà nước thì hiện hai công ty đang còn nợ thì phải tiếp tục hoàn thiện", ông Lò Minh Hùng nói.

Sau hàng loạt sai phạm mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thông báo bằng văn bản mà hai công ty này chưa khắc phục đầy đủ theo yêu cầu. Ngày 1/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La có tờ trình số 444 gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La xem xét thu hồi giấy phép khai thác đã cấp. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chưa có động thái thu hồi giấy phép mà vẫn tiếp tục cho điều chỉnh sang khai thác lộ thiên kết hợp hầm lò!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công an Quảng Ninh phá hủy lò khai thác than trái phép
Công an Quảng Ninh phá hủy lò khai thác than trái phép

VOV.VN - Ngày 3/3, Cơ quan điều tra công an Quảng Ninh vừa phá hủy một lò than trái phép trên địa bàn.

Công an Quảng Ninh phá hủy lò khai thác than trái phép

Công an Quảng Ninh phá hủy lò khai thác than trái phép

VOV.VN - Ngày 3/3, Cơ quan điều tra công an Quảng Ninh vừa phá hủy một lò than trái phép trên địa bàn.

Sập hầm khai thác than Mông Dương, 2 công nhân bị vùi lấp
Sập hầm khai thác than Mông Dương, 2 công nhân bị vùi lấp

VOV.VN -Vụ tai nạn xảy ra vào 3h ngày 8/8 khiến 2 công nhân bị vùi lấp. Một công nhân được xác định tử vong, người còn lại bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Sập hầm khai thác than Mông Dương, 2 công nhân bị vùi lấp

Sập hầm khai thác than Mông Dương, 2 công nhân bị vùi lấp

VOV.VN -Vụ tai nạn xảy ra vào 3h ngày 8/8 khiến 2 công nhân bị vùi lấp. Một công nhân được xác định tử vong, người còn lại bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Khai thác than lộ thiên, tan hoang rừng Suối Bàng
Khai thác than lộ thiên, tan hoang rừng Suối Bàng

VOV.VN - Phương pháp khai thác cho phép là khai thác hầm lò, tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua, hai Công ty này đã khai thác than theo phương pháp lộ thiên.

Khai thác than lộ thiên, tan hoang rừng Suối Bàng

Khai thác than lộ thiên, tan hoang rừng Suối Bàng

VOV.VN - Phương pháp khai thác cho phép là khai thác hầm lò, tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua, hai Công ty này đã khai thác than theo phương pháp lộ thiên.