VOV.VN - Thông tư 27/2017 của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân chính thức có hiệu lực từ ngày 6/10.
Thông tư không chỉ quy định rõ về ứng xử của cán bộ, chiến sĩ trong nội bộ và quan hệ xã hội mà còn là công cụ, bước tiến quan trọng trong việc giám sát toàn dân với riêng lực lượng công an.
Người dân đến làm việc tại Công an quận Hai Bà Trưng.
Thời gian qua, một số cơ quan báo chí phản ánh hình ảnh không đẹp của người chiến sĩ công an, cán bộ, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự có thái độ chưa đúng mực như: đá vật dụng của người dân tại tỉnh Đắc Lắc hay Trưởng Công an xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế đánh người dân phải nhập viện gây xôn xao dư luận. Những việc làm tương tự như vậy sẽ bị cấm theo Thông tư số 27 của Bộ Công an.
Thông tư quy định: Công an không được có hành vi hay lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ hay dọa nạt, gây căng thẳng, bức xúc cho người dân. Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân phải giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm, xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, khiêm tốn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp...
Là người trực tiếp tiếp xúc với dân và giải quyết hàng trăm hồ sơ đăng ký xe mỗi ngày, Đại úy Nguyễn Thị Lan Hương, Đội cảnh sát giao thông trật tự cơ động Công an quận Hai Bà Trưng cho rằng: “Thông tư đã cụ thể hóa và chi tiết quy tắc ứng xử chuẩn mực trong những tình huống cụ thể. Ví dụ trong giao tiếp, trước đây chúng tôi cũng niềm nở, tận tình nhưng chưa được cụ thể, chẳng hạn như quy định đối với người già ốm, khuyết tật, mang thai… hiện nay trong Thông tư 27 đã quy định rất rõ ràng. Với những trường hợp như thế chúng tôi có thể linh động làm trước vì thường là phải xếp theo thứ tự. Theo như công tác hàng ngày của chúng tôi thì những quy định trong ứng xử với nhân dân hoàn toàn phù hợp với thực tế của cán bộ chiến sĩ khi tiếp xúc với nhân dân. Lực lượng công an gắn liền với nhân dân, ứng xử phù hợp thì công tác mới được hiệu quả”.
Nhiều quy định trong Thông tư 27 chính là sự hệ thống, cụ thể hóa “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; “5 lời thề danh dự” và “10 điều kỷ luật của Công an nhân dân” mà bất kỳ chiến sĩ, lãnh đạo công an nào cũng thuộc nằm lòng và thực thi hằng ngày.
VOV.VN - Đó là quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BCA do Bộ Công an mới ban hành về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân.
Trên thực tế, các cán bộ, chiến sĩ công an có các hành vi không đúng mực khi giao tiếp, ứng xử đã, đang và sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành và quy định chung của pháp luật. Thông tư ban hành là dịp để mỗi cán bộ chiến sĩ soi lại mình và thực hiện tốt hơn nữa. Các đơn vị đã tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ chiến sĩ thông qua giao ban, sinh hoạt chính trị tư tưởng.
Trung tá Nguyễn Đức Duân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Hai Bà Trưng cho biết: “Việc chấp hành nghiêm túc quy trình công tác, quy tắc ứng xử đạo đức, nghề nghiệp luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo và đôn đốc cán bộ chiến sỹ hàng ngày thực hiện. Chúng tôi công khai số điện thoại để có việc phản ánh, kiến nghị của nhân dân tiếp thu. Làm tốt sẽ biểu dương, còn những việc liên quan đến ý thức chấp hành không đúng với nhân dân,chúng tôi sẽ có phản hồi trực tiếp và chấn chỉnh kịp thời. Thực hiện tốt nội dung trong Thông tư này, chúng tôi sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Thông tư 27 ra đời được nhiều người dân đồng tình ủng hộ. Theo chị Nguyễn Thị Loan ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, trước đây, khi không hài lòng về thái độ, ứng xử, giao tiếp... của cán bộ, chiến sĩ công an, người dân không biết chắc là thái độ của người thực thi công vụ có đúng mực, hay vi phạm gì hay không nên đã bỏ qua hoặc không kiến nghị với cơ quan chức năng. Chính vì thế, có thể hành vi sai của chiến sĩ sẽ không được chấn chỉnh kịp thời. Cụ thể hóa những nội quy, quy định riêng của ngành thành Thông tư sẽ thành nguyên tắc ứng xử chung để mọi người dân đều nắm bắt. Đây là cơ sở quan trọng để người dân thực hiện việc giám sát đối với lực lượng công an. Người dân có công cụ để đối chiếu, so sánh những hành vi không đúng của lực lượng này.
Chị Nguyễn Thị Loan bày tỏ: “Khi Thông tư này ra đời, chúng tôi kỳ vọng các chiến sĩ công an thực hiện đúng theo quy định Bộ Công an đã đề ra để người dân thoải mái và tin tưởng hơn. Nếu chúng ta có đường dây nóng hoặc cách nào đó để người dân có thể phản ánh những trường hợp gây khó dễ cho người dân đến các cơ quan chức năng sẽ mang lại hiệu quả hơn khi thực hiện Thông tư này”.
Nâng cao văn hóa ứng xử của Công an nhân dân là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm điều lệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa cho mỗi cán bộ, chiến sỹ. Qua đó, góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
VOV.VN - Chiều 30/12, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND.
VOV.VN - Chiều 30/12, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND.