CSGT xử phạt tài xế xe biển xanh có hơi men
Bị yêu cầu đo nồng độ cồn, người đàn ông lái xe biển xanh xuống nước năn nỉ “anh xem trong ngành” tuy nhiên CSGT vẫn lập biên bản và tạm giữ phương tiện.
Khoảng 20h, tối 19/8, Tổ tuần tra giao thông (PC67, Công an TP Cần Thơ) do Đại uý Nguyễn Hoà Hiệp, làm tổ trưởng phát hiện xe máy biển xanh do nam thanh niên điều khiển lưu thông trên đường Lê Lợi (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) có dấu hiệu say xỉn nên dừng xe kiểm tra.
Bị yêu cầu đo nồng độ cồn, nam thanh niên này xuống nước năn nỉ “anh xem trong ngành” – đang công tác tại cơ quan khối nội chính TP Cần Thơ. Đồng thời, người này bấm gọi điện thoại như có vẻ cầu cứu.
Qua kiểm tra, cảnh sát xác định thanh niên trên vi phạm, kết quả 0,743 miligam/lít khí thở nên lập biên bản và tạm giữ phương tiện.
CSGT Công an TP Cần Thơ kiểm tra nồng độ cồn một tài xế. |
“Với lỗi này, người vi phạm bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 4 tháng và mức phạt từ 3-4 triệu đồng”, đại uý Hiệp giải thích. Theo đại uý Hiệp, trung bình mỗi đêm, PC67 có 3-4 tổ công tác tuần tra trên đường, cùng với đó là lực lượng CSGT-Công an các quận, huyện.
“Mỗi ca trực đêm, CSGT phát hiện, lập biên bản từ 10 đến 15 trường hợp vi phạm. Trong đó, có nhiều trường hợp lái xe ôtô vi phạm nồng độ cồn, nhất là thời gian càng về khuya”, thượng tá Nguyễn Ngọc Hiệp, Phó trưởng phòng PC67, Công an TP Cần Thơ cho hay.
Xe biển xanh bị tạm giữ do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. |
Cũng theo Thượng tá Hiệp, trong quá trình xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, lực lượng gặp không ít khó khăn. Bởi phần lớn các trường hợp vi phạm, những người đã uống rượu, bia thường không kiểm soát được hành vi của mình.
“Nhiều người rất ngang bướng, dọa dẫm, bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ. Có nhiều trường hợp vi phạm gọi điện thoại gọi các mối quan hệ để can thiệp. Tuy nhiên, bất cứ phương tiện nào vi phạm, kể xe biển xanh hay chúng tôi đều xử phạt đúng theo quy định của pháp luật”, thượng tá Hiệp khẳng định.
Mức phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các lỗi vi phạm như: có nồng độ cồn vượt quá 0.25miligam/lit (0.25) khí thở đều bị tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước GPLX 2 tháng (từ 0.25 đến dưới 0.4), mức phạt 1-2 triệu. Còn từ 0.4 trở lên, bị tạm giữ GPLX 4 tháng, mức phạt từ 3-4 triệu đồng. Riêng đối với ôtô, có nồng độ cồn vượt quá 0.25 đến 0.4 thì mức phạt 7-8 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 4 tháng; còn vượt quá 0.4 thì mức phạt từ 16-17 triệu, tước GPLX 5 tháng.
Nhiều "dân nhậu" Cần Thơ than hết dám chạy xe vì mức phạt quá cao. |
Thượng úy Nguyễn Thành Luân, cán bộ PC67 Công an TP Cần Thơ cho biết, ngoài việc tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng còn tuyên truyền để người dân chấp hành luật giao thông, đảm bảo an toàn cho mình và cho những người tham gia giao thông khác.
“Có trường hợp đi ôtô vi phạm nồng độ cồn quậy tưng bừng nên lực lượng làm nhiệm vụ phải đưa cả người và phương tiện về trụ sở làm việc. Tại đây tài xế cũng không chịu hợp tác và tiếp tục quậy.
Lực lượng làm nhiệm vụ phải kiên trì thuyết phục, người điều khiển phương tiện mới nhận ra lỗi vi phạm và chấp hành theo quy định”, lãnh đạo PC67 cho hay./.