Cuộc sống của dân nghèo tại Hà Nội giữa đại dịch Covid-19

VOV.VN - Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" càng đè nặng lên vai những người nghèo sống tại đô thị vì dịch Covid-19.
Thành phố Hà Nội thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có Nguy cơ cao và tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Cùng với đó, cuộc sống của những lao động tự do, người nghèo ở Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Căn nhà của chị Hiền (48 tuổi) nằm khuất sâu trong ngõ 165 Cầu Giấy. Gọi là "nhà" nhưng thực chất là khu đất giải tỏa nhưng chủ thầu chưa sử dụng tới, nên cho phép gia đình chị Hiền được ở tạm.
"Thu nhập chính của 3 thành viên (vợ chồng chị Hiền và người anh trai) là nhặt, thu gom rác thải quanh thành phố. Trước khi dịch bùng phát, họ có thể kiếm được 100.000đ/người/ngày, nhưng giờ các hàng quán đều tạm nghỉ, có bới rác cả ngày cũng chỉ có thể kiếm khoảng 100.000 đồng/3 người", chị Hiền than thở.
Những món ăn trong bữa cơm hàng ngày của gia đình chị Hiền trong mùa dịch chủ yếu là rau, củ, quả thừa mà chị đi xin được từ các tiểu thương không bán hết.
vov_22.jpg
Căn phòng tạm bợ này vừa là nơi sinh hoạt chung, vừa là phòng ngủ của 3 thành viên trong gia đình chị Hiền.
vov_11.jpg
Khó khăn, vất vả nhưng theo anh Hùng (chồng chị Hiền), vợ chồng anh chị rất tự hào khi 3 đứa con đều chịu khó học hành. "Con cả giờ học năm cuối Đại học Bách khoa, đứa thứ 2 cũng đang học năm thứ 3 trường Trung cấp Dược. Còn cậu út thì mới học đến lớp 10 nên chi phí học tập khá lớn. Gia đình tuy vất vả nhưng chấp nhận hy sinh cho con cái được nên người", anh Hùng tâm sự.
Để phục vụ công việc, gia đình chị Hiền phải vay tiền của bà con hàng xóm mua một chiếc máy ép vỏ lon, chai cũ nhằm giảm bớt gánh nặng trong công việc.
Chiếc xe đạp thồ hàng của gia đình chị Hiền đã bám bụi được gần 20 ngày qua do dịch Covid-19, Hà Nội thực hiện cách ly xã hội.
Ngoài xóm trọ nghèo ở khu vực Cầu Giấy, xóm trọ dưới chân cầu Long Biên cũng là nơi tập trung nhiều người thu nhập thấp, hộ nghèo.
Căn nhà trọ của vợ chồng chị Tâm (36 tuổi) nằm ở cuối ngõ 195 Hồng Hà chỉ khoảng 10 mét vuông. Chị cùng chồng làm nghề khuân vác hàng thuê.
Chị Tâm đang "mày mò, tìm hiểu" chiếc điện thoại mới mà con gái biếu mẹ để tiện liên lạc khi chị và chồng không thể về quê trong đợt dịch này.
Món cá om dưa ngày hôm nay của chị chính là là khúc cá còn thừa từ ngày hôm qua. Chị Tâm vừa cười, vừa nói: "Phải đến gần 1 tháng nay chưa được biết mùi vị của miếng thịt lợn".
"Phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã tặng cho những hộ quanh đây mỗi nhà 5kg gạo. Một lần khác, cũng được các nhà hảo tâm trao quà hỗ trợ như mì tôm, trứng và sữa", chị Tâm chia sẻ.
Cùng xóm với chị Tâm, cô Loan (63 tuổi) cũng là lao động tự do tại khu chợ Long Biên. Cô sống trong căn nhà trọ cùng với 2 người nhưng họ đã về quê từ đầu tháng 3 để phòng tránh dịch.
"Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Vì công việc không còn thuận lợi như trước nên chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cũng phải bớt đi nhiều", cô Loan cho biết.
Từ khi có dịch Covid-19, cô Loan cố gắng tằn tiện trong chi tiêu, một ít gạo và trứng tích trữ được đủ để người phụ nữ 63 tuổi này sống qua ngày, chờ thời điểm hết dịch.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Những lao động nghèo có lẽ là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và họ rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của chính quyền cũng như những tấm lòng hảo tâm trong xã hội.