Cứu sống cháu bé bị tai nạn giao thông chảy máu mũi ồ ạt
VOV.VN - Khi nhập viện, cháu bé bị tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não, dập não trán.
Sáng nay (24/2), Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về một bệnh hiếm gặp ở một cháu bé 13 tuổi ở tỉnh Bình Dương. Cháu bé này liên tục chảy máu mũi và nôn ói ra máu liên tục mà không rõ nguyên nhân.
Cháu bé N.T.P đã không còn chảy máu ồ ạt. |
Cháu bé N. T. P, 13 tuổi ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nôn và chảy máu mũi với lượng lớn và đỏ tươi. Lượng máu chảy từ mũi phải rất nhiều đọng ở thành sau họng. Trước khi nhập viện, cháu bé bị tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não, dập não trán. Sau khi bị tai nạn, hầu như ngày nào cháu bé cũng bị nôn, ói ra máu với lượng máu đỏ tươi từ 0,5 đến 1 lít máu.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định chụp mạch máu DSA đến 2 lần và hội chẩn liên chuyên khoa tìm mới tìm ra nguyên nhân đó là do một nhánh của động mạch não trước bị phình to. Đây là một dị dạng rất hiếm gặp với xác suất 0,11%. Thông thường sau khi sinh ra, nhánh của động mạch não trước sẽ teo đi nhưng ở cháu bé này thì vẫn còn. Đồng thời, tai nạn làm tổn thương ngay tại mạch máu dị dạng này đã khiến mạch máu này phình to dẫn đến cháu bé chảy máu mũi ồ ạt.
Các bác sĩ tiên liệu việc can thiệp cho cháu bé sẽ hết sức khó khăn vì tác động vào động mạch não trước, có thể khiến cháu bé tử vong ngay trên bàn mổ hoặc liệt nửa người hoặc mù mắt. Các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp can thiệp nội mạch đặt sợi chỉ kim loại Coils để làm tắc nhánh động mạch dị dạng này. Sau hơn 1 tuần, đến nay, cháu bé không còn chảy máu và sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Khi chụp DSA lần 2, chúng tôi thấy một rò động mạch không như dự đoán. Dự đoán là rò động mạch cảnh trong, động mạch sàn trước, động mạch sàn sau, động mạch hàm. Trường hợp này lại rò động mạch nhánh của động mạch não trước. Đây là động mạch hiếm gặp. Sau khi được tắc mạch, bệnh nhân khỏe lên và không còn chảy máu mũi nữa. Đây là một ca rất đặc biệt, hay và khó buộc phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa”./.