Dân Mường Tè cần sớm được di chuyển khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét
VOV.VN - Trận lũ quét lịch sử vừa qua đã làm nhiều hộ dân tại huyện Mường Tè bị cuốn trôi, đến nay nhiều hộ còn lại vẫn chưa được bố trí di chuyển.
Dấu vết trận lũ lịch sử để lại cách đây hơn 2 tháng vẫn còn ngổn ngang, khi toàn bộ hơn 10ha đất lúa của bà con tại hai bản Nà Hừ 1, Nà Hừ 2 giờ chỉ là bãi đá.
Hơn hai tháng trôi qua, nhưng gia đình anh Lù Văn Thin ở bản Nà Hừ 2 vẫn phải sống tạm trong chiếc lều quây tôn. |
Cuộc sống vốn khó khăn, thì nay lại thêm bội phần khi nơi ở của các hộ đã di chuyển vẫn chỉ là túp lều tạm, hoặc ở nhờ dưới gần sàn nhà lân cậnm người thân.
Chưa được bố trí đất tái định cư, nên đến nay vẫn còn gần chục hộ dân tại 2 bản liều mình sinh sống ở nhà cũ, mặc dù đã được chính quyền vận động di dời.
Hơn 10ha đất sản xuất của các hộ dân bản Nà Hừ 1, Nà Hừ 2 ngổn ngang đất, đá sau lũ và không thể khôi phục. |
Trong túp lều dựng tạm bằng tôn trên phần đất của bố vợ, anh Lù Văn Thin, một trong những hộ gia đình chịu thiệt hại trong trận lũ lịch sử ở bản Nà Hừ 2 cho biết, hôm đó lũ ập về khi trời đã sáng, anh chỉ biết kéo vợ, cõng con chạy lên núi cao. Nhìn toàn bộ tài sản, thóc lúa, lợn gà của gia đình bị lũ cuốn mà ứa nước mắt. Giờ chưa được nhà nước hỗ trợ mặt bằng để làm nhà, tài sản, tiền bạc cũng chẳng còn nên giờ chỉ biết sống nhờ sự giúp đỡ của người thân và bà con trong bản.
"Cái gì cũng mất, từ ao cá, vịt gà, tài sản trôi hết! chúng tôi dựng lán ở đây để ở, cuộc sống khó khăn vì cái gì cũng mất hết, giờ chỉ kiếm các thứ từ rừng về ăn qua ngày. Hiện tại ruộng cũng không còn, mong muốn Đảng và Nhà nước sớm làm mặt bằng cho chuyển đi nơi khác, chứ ở đây khó khăn lắm", anh Thin nói.
Hiện nay huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vẫn còn gần 200 hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ thiên tai cần được di chuyển đến nơi an toàn. |
Gia đình chị Bạc Thị Hặc ở bản Nà Hừ 2 thì may mắn hơn nhà anh Thin khi trận lũ vừa qua cũng chỉ cuốn trôi hết ao nuôi cá và ruộng lúa. Tuy nhiên, ngôi nhà của chị lại thuộc diện phải di dời khẩn cấp.
"Chỗ này nhà tôi cũng không thích ở nữa đâu vì năm nào cũng xảy ra lũ lụt, ban đêm không ngủ được đâu. Cán bộ xã, bản cũng bảo chuyển đi chỗ mới, chỗ này không ở được. Được chuyển thì gia đình nhất trí chuyển thôi", chị Hặc cho hay.
Trong trận lũ lịch sử vừa qua, bản Nà Hừ 1, Nà Hừ 2, xã Bum Nưa tuy không bị thiệt hại về người, nhưng lại thiệt hại nặng nề về tài sản. Ngoài hơn chục héc ta lúa bị đất đá vùi lấp không thể khắc phục, tuyến đường vào bản cũng bị sạt lở chia cắt.
Đến nay ngoài các hộ dân bị lũ cuốn trôi buộc phải đã di chuyển đang sống tạm trong các lều bạt, ở nhờ nhà người thân, thì tại đây vẫn còn gần chục hộ đang bám trụ trong vùng nguy hiểm dù đã được chính quyền cảnh báo.
Dù một số hộ dân đã chuẩn bị gỗ để làm nhà, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa bố trí được đất tái định cư cho bà con do thiếu vốn và mặt bằng. |
Ông Lù Văn Sương, trưởng bản Nà Hừ 2 cho biết: "Nơi ở mới thì ở xa ruộng và cách chỗ làm ăn. Nhà một nơi, ruộng làm một nơi rất khó khăn cho dân đi lại".
Theo thống kê của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu sau rà soát, đến nay địa phương còn gần 200 hộ dân sinh sống tại 6 điểm dân cư thuộc vùng nguy cơ xảy ra thiên tai, trong đó có gần 100 hộ cần phải được di dời khẩn cấp. Nếu chỉ tính riêng làm mặt bằng tái định cư và bố trí công trình nước sinh hoạt, điện thắp sáng thì mỗi điểm tái định cư cũng cần từ 7 đến 10 tỷ đồng mới giải quyết được.
Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân trong đợt mưa lũ cuối tháng 6 vừa qua là hơn 50 tỷ đồng. Đến nay huyện mới chỉ khắc phục được 10/44ha đất sản xuất để bà con trồng ngô, lạc vụ thu đông. Ngoài việc thiếu vốn đầu tư khi nguồn kinh phí dự phòng năm nay đã sử dụng hết, thì khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tìm và tạo mặt bằng để bà con có thể sinh sống ổn định lâu dài:
"Điểm bản hiện nay thì không thể mở rộng được nữa và buộc phải di chuyển sang một địa điểm khác. Huyện cũng đã giao cho xã và cơ quan chuyên môn, về căn bản phải thống nhất được với bà con về các điểm dân cư để di chuyển dân và dự kiến là trong tháng 9 này, khi vào mùa khô là huyện sẽ tập trung để cải tạo mặt bằng để bố trí di chuyển. Nguồn vốn tuy có khó khăn nhưng mà đối với dân thì không thể dừng lại được, vì hiện nay là có những hộ gia đình người ta cũng đã phải ở nhờ khá lâu rồi, tương đối vất vả", ông Thạch cho biết thêm.
Hiện đang là cuối mùa mưa đối với miền núi Tây Bắc, nhưng trên địa bàn tỉnh Lai Châu những ngày qua vẫn xuất hiện mưa to cục bộ tại một số địa phương. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, các hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở cao tại huyện Mường Tè cần được hỗ trợ mặt bằng tái định cư, sớm ổn định đời sống, sản xuất./.