Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính, số tiền 370 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tinh bột Hồng Diệp - viết tắt Công ty Hồng Điệp (có trụ sở chính tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), vì có hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng.
|
Bể chứa nước thải chưa qua xử lý của Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp bị vỡ ngày 15/1/2018 khiến hơn 1.500 m3 nước thải chảy tràn ra suối Nậm Núa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Theo quyết định này, Công ty Hồng Diệp đã vi phạm các quy định hành chính khi chưa hoàn thiện khu vực xử lý nước thải sản xuất theo quy định, nhưng vẫn thực hiện vận hành thử nghiệm, dẫn đến sự cố vỡ ao chứa nước thải tạm thời chưa qua xử lý; nước thải trong ao tràn ra suối gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa; và đưa hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 34, Nghị định 155/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 17, Nghị định số 139/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã áp hình thức xử phạt bằng tiền, số tiền 370 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động nhà máy cho đến khi dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt và hoàn chỉnh xong toàn bộ hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật.
Như VOV đã đưa tin, vào rạng sáng 15/1/2018, bể chứa chất thải tạm của nhà máy chế biến tinh bột sắn, Công ty Hồng Diệp bị vỡ, khiến toàn bộ thể tích hơn 1.500 mét khối nước thải chảy tràn ra suối Nậm Núa, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thủy sinh chết hàng loạt.
Kết quả mẫu nước thải tại ao chứa tạm bị vỡ được cơ quan chức năng công bố cho thấy, các hàm lượng đều vượt quy chuẩn hàng chục lần, như: chất rắn lơ lửng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải hơn 58 lần; nhu cầu ô-xi hóa học COD vượt 22 lần; Xyanua vượt từ 2,14 đến 2,67 lần; Cadimin vượt 27,4 lần...
Dù trước đó vào ngày 11/1/2018, qua kiểm tra, phát hiện nhà máy đang sản xuất, xả thải trực tiếp ra môi trường, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty dừng các hoạt động sản xuất và xả thải, thực hiện đầy đủ các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, Công ty Hồng Diệp không chấp hành, vẫn tiếp tục thu mua sắn tươi của người dân, dừng sản xuất vào ban ngày, chuyển sản xuất vào ban đêm, dẫn đến sự cố vỡ ao chứa chất thải, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng./.