“Đỏ mắt” tìm người giúp việc sau Tết
VOV.VN -Sau dịp Tết, nhiều gia đình rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở vì không có người trông con, lo việc bếp núc khi người giúp việc đột nhiên xin nghỉ.
Gia đình chị Trần Thị Nga, (Hà Đông, Hà Nội) những ngày này “bấn loạn” vì đến 29 Tết, người giúp việc gọi điện chúc mừng năm mới và xin nghỉ việc vì lý do phải ở nhà trông cháu. “Mấy ngày Tết, vợ chồng tôi lo ngay ngáy, đi chúc Tết chỗ nào cũng kể lể đang cần tìm người giúp việc, mong được mọi người giới thiệu, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được ai. Công việc nhà không có gì nhiều, chủ yếu là đưa đón bé nhà tôi đi học, dọn dẹp nhà cửa cũng đã có các thiết bị máy móc hỗ trợ, còn bữa tối, tôi đi làm về sớm có thể cùng nấu. Thế nhưng nếu không có người giúp việc, vợ chồng tôi cũng rất lúng túng”.
Nhiều gia đình loay hoay tìm giúp việc gia đình sau Tết. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Thời điểm kết thúc đợt nghỉ Tết, vợ chồng chị Nga lại càng lo lắng hơn nữa. Dù đã nhờ người quen giới thiệu, cũng như tìm kiếm trên các trang mạng nhưng hiện chị vẫn chưa tìm được người giúp việc ưng ý. Mấy ngày nay, chị Nga đều phải xin nghỉ việc về sớm để đưa đón con tại nhà trẻ.
Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Phương Thảo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng “toát mồ hôi” để sắp xếp lại mọi việc khi vắng người giúp việc.
Chị Thảo kể: “Sau khi về quê ăn Tết, tôi gọi cả chục cuộc điện thoại, cũng không thấy cô giúp việc nghe máy. Trước đó, cô ấy có nói rằng muốn nghỉ việc để về làm gần nhà. Sau khi tôi nói khó, cô ấy đã đồng ý làm thêm cho tới khi nào tôi tìm được người mới. Thế nhưng, đột nhiên cô ấy lại đổi ý, thông báo không trở lại nữa. Khi nghe điện thoại, thì cô giúp việc đưa ra một loạt lý do như ốm đau, bận việc gia đình, nói gia đình tôi hãy tìm người khác”.
Có con nhỏ hơn 1 năm tuổi, ông bà nội ngoại đều ở xa, nên dù đã đến ngày đi làm, chị Thảo vẫn phải xin nghỉ ở nhà ôm con, ngồi lướt mạng tìm người giúp việc.
Gia đình chị Nguyễn Minh Phượng, Đội Cấn, Hà Nội lại chấp nhận việc tự đưa đón con đi học và thuê người giúp việc theo giờ trong khi đợi người giúp việc ăn rằm xong rồi mới ở quê lên.
Chị Phượng tâm sự: “Bác giúp việc quê Thanh Hóa, hôm trước gọi điện, bác ấy bảo xin ở nhà qua rằm vì còn bận chút việc đồng áng và muốn ở nhà đến hết tháng Giêng do có người nhà ở Sài Gòn ra chơi. Dù gia đình tôi rất bí người, nhưng tôi vẫn đồng ý. Để tìm được một người đã quen việc, quen nếp sống, sinh hoạt và biết việc không phải là dễ. Hơn nữa, chúng tôi cũng rất ngại việc tìm người mới, nên chấp nhận thuê người làm theo giờ để đợi bác ấy trở lại”.
Thực tế, hiện nay khá nhiều gia đình đang loay hoay tìm người giúp việc. Dạo qua các trang mạng, có trang một ngày có đến hàng chục người đăng tin tìm người giúp việc.
Theo chị Nguyễn Thảo My, chuyên viên đào tạo tại công ty Giupviec.vn, trung bình, những ngày này, công ty chị có trên dưới 600 khách hàng gọi đến tìm người giúp việc gia đình. “Kinh doanh đến nay là năm thứ 5, năm nào sau Tết, lượng người tìm đến công ty để thuê người giúp việc cũng tăng đột biến so với những thời điểm khác trong năm. Lao động giúp việc gia đình chủ yếu từ các miền quê lên thành phố, đầu năm cũng là mùa lễ hội, mùa cấy hái, nên đa số đều muốn ở lại qua rằm để làm xong việc nhà nông, gặp gỡ gia đình, họ hàng, đi hội hè rồi mới lên làm”, chị My cho biết.
Cũng theo chị My, hiện nay mức lương dành cho giúp việc ở lại gia đình trung bình từ khoảng 4,5 – 6 triệu đồng/ tháng, tùy theo tính chất công việc. Với những giúp việc chăm sóc người già, mức lương có thể cao hơn nữa. Nhưng nhiều năm nay, tình trạng khan hiến lao động giúp việc sau dịp Tết vẫn thường xuyên lặp lại. Cũng bởi vậy, mà nhu cầu tìm giúp việc theo giờ với giá cao tăng mạnh dịp đầu năm.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, cho biết: “Nhu cầu sử dụng lao động giúp việc tại nhà của các gia đình tại thành phố lớn, các khu công nghiệp, thậm chí là nông thôn đang rất lớn, tạo ra một thị trường khá sôi động. Tuy nhiên, điều đáng nói là đa số người lao động chưa ý thức được đây là một nghề, họ mới chỉ nghĩ rằng đây là công việc thời vụ lúc nông nhàn, không có tính chất bền vững. Chỉ có từ 3-5% những người này coi đây là công việc một cách nghiêm túc”.
Cũng theo bà Ngọc Anh, hiện nay lao động giúp việc nước ta chủ yếu vẫn làm việc dựa trên thói quen, kinh nghiệm, đào tạo chớp nhoáng, dẫn đến chưa đáp ứng tốt yêu cầu của các chủ gia đình. Trong khi đó, chất lượng lao động là yếu tố quyết định trực tiếp đến mức lương của người lao động.
Theo Luật Lao động, giúp việc gia đình được coi là một nghề, người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng lao động. Song bà Ngọc Anh cho hay, hiện nay hầu hết các gia đình và người giúp việc mới chỉ dừng lại ở “hợp đồng miệng”, dẫn đến thiếu tính ràng buộc, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho cả 2 bên khi xảy ra sự cố./.
Việc làm thêm ngày Tết và những “bẫy” cần tránh