Đổi đời nhờ "gác kèo ong" ở đất rừng U Minh hạ

VOV.VN - Gác kèo ong là nghề đặc trưng của người dân đất rừng U Minh hạ, đây là nghề giúp họ sống được với đất rừng. 

Chúng tôi tìm về đất rừng U Minh hạ những ngày đầu Xuân. Tiết trời se lạnh như báo hiệu Tết sắp đến và cũng là thời gian những người hành nghề gác kèo ong đất rừng nơi đây vào chính vụ thu hoạch (người địa phương quen gọi là “ăn ong”). Điểm chúng tôi tìm về là nơi còn giữ được nguyên hồn cốt của nghề gác kèo ong thuộc Hợp tác xã 19-5 (ấp 19, Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh).

Gia đình ông Trần Văn Nhì (Út Nhì) là một trong những nông hộ cố cựu có truyền thống hành nghề gác kèo ong trong Hợp tác xã 19-5. Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề “ăn ong” lão nông đã nếm đủ mọi ngọt bùi với nghề.

Gác kèo ong là nghề cha truyền con nối của người dân đất rừng U Minh.

Ông Út Nhì kể, hồi nhỏ thấy cha đi đặt kèo ong, ông mê lắm nhưng không được đi cùng. Nhiều lần, lão nông và đám bạn phải lén mò theo bước chân người lớn để học nghề. Rồi cũng tay cây, tay dao vào những đám sậy gần nhà gác kèo. Ong thời đó nhiều vô số kể, người dân gác 10 cây kèo ăn 9. Nhưng với tài học lỏm chưa tới, cả đám trẻ gác hơn chục cây mới có một ổ ong nhỏ đậu vào. Lần đầu “ăn ong” của lão nông và bạn bè thời ấy, mỗi người nhận đủ chục con ong đốt mà vẫn chưa tiếp cận được tổ.

Mãi đến năm 12 tuổi ông Út mới được ba cho theo học nghề. Ông từ từ được truyền dạy nhiều điều từ cách quan sát, chọn điểm làm kèo, cách làm kèo... Đam mê, chăm chút học nghề nhưng cũng mất khoảng mười năm khi đến tuổi trưởng thành ông mới được xem là thạo và trở thành người gác kèo ong chuyên nghiệp.

 Một lần “ăn ong”

Năm nay ông Út Nhì đã gần 60 tuổi, bao nhiêu kinh nghiệm của cha ông để lại và những kiến thức từ thực tế nghề gác kèo lão nông đã truyền hết lại cho con. Ấy vậy mà khi chúng tôi gợi đến “ăn ong” lão nông liền nhảy lên vỏ lãi (phương tiện lưu thông đường thủy) vào rừng hành nghề.

Trên đường đi, trưởng đoàn Út Nhì kịp nhắc nhở chúng tôi: “Ong mật ở đây rất hung dữ”.

 Ông Út Nhì đã có hơn 40 năm kinh nghiệm hành nghề gác kèo ong.

Ông Út Nhì còn cho biết đã gắn bó với “tụi nhỏ” (ý ông Út Nhì nói mấy con ong ông nuôi) lâu ngày thì không cần lưới để bảo vệ. Đối với các nhà báo thì phải trùm bảo vệ thật kỹ. Khi chụp ảnh tuyệt đối không được bật đèn nếu không muốn bị một trận te tua.

Vừa hỗ trợ ba mình lấy mật, anh Trần Văn Chơn (con trai ông Út) vừa chia sẻ: Đi “ăn ong” bị chúng đốt là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cần chú ý, khi bị ong đánh tuyệt đối không được giết chết con ong nào, nếu không cả tổ ong sẽ bu đến đánh. Đây là bài học vỡ lòng của những thợ nghề khi bắt đầu vào nghiệp “ăn ong”. Đặc biệt, đối với những người dân xem tán rừng là nhà, những con ong như đứa con cưng trong Hợp tác xã 19-5 thì không bao giờ họ làm hại chúng.

Trải lòng mình về nghề gác kèo ong, anh Chơn chia sẻ: "Niềm vui của mình gắn bó với rừng thời gian rất dài. Tới mùa gió chướng, không thể đi được là thấy nhớ rừng. Tới mùa là phải vào rừng".

Đủ đầy nhờ ong

Anh Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Hợp tác xã 19-5 cho biết: Hợp tác xã có 40 xã viên, là tiền thân của tập đoàn sản xuất nông nghiệp Phong Ngạn được hình thành từ thời kỳ trước đổi mới. Sau khi được chuyển thành Hợp tác xã vào năm 2012, 500 ha đất rừng tràm nơi đây vẫn được giữ nguyên để sản xuất. Trong khi chờ đợi tới chu kỳ thu hoạch thì mật ong chính là huê lợi trời cho người dân nơi đây để ổn định cuộc sống.

Thời gian gần đây, cây keo lai khẳng định được vị thế, người dân bỏ cây tràm truyền thống đổ xô trồng keo ngày càng nhiều. Tuy nhiên, 500 ha rừng của Hợp tác xã 19-5 vẫn giữ nguyên một màu xanh mơn mởn của cây tràm. Không phải người dân nơi đây không muốn làm giàu mà họ không muốn co hẹp không gian sống của ong mật trong lâm phần. Họ không muốn hồn cốt của nghề “ăn ong” cha ông để lại mất đi. Đặc biệt, bà con nơi đây muốn giữ lại đúng bản chất vị ngọt rừng tràm đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận cho miền quê mình với nhãn hiệu “Mật ong U Minh hạ”.

Đến nay, các hộ nông hành nghề gác kèo ong nơi đây đã không phải chịu thua thiệt khi giá trị mật đang ngày càng tăng cao. Mỗi năm bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề gác kèo ong. Nguồn thu này cộng lại không hề kém cây keo lai khi đến kỳ thu hoạch. Cũng chính con ong mật đất rừng tràm giúp nhà cửa người dân nơi đây được khang trang, cuộc sống đủ đầy và hằng năm đón cái Tết cổ truyền của dân tộc tươm tất hơn.

Như gia đình Giám đốc Vững, anh ăn lên làm ra cũng nhờ nghề “ăn ong” truyền thống của gia đình. Anh xây được nhà kiên cố, sắm được xe máy, tủ lạnh cũng từ nghề “ăn ong” mà ra. Đầu vụ đến nay, với gần 100 kèo ong, gia đình anh Vững đã kịp thu hoạch 4 đợt, được gần 80 lít mật. Với giá bán 400 ngàn đồng/lít thì dư dả để ông sơn sửa lại căn nhà và đón Tết sung túc hơn.

Ông Nguyễn Văn Vững cho biết "Đang là chính vụ, nếu một số thành viên trong hợp tác xã gác kèo ong, gác kèo ong mật giỏi một năm thu nhập khoảng 250 triệu, có số trên 250 triệu".

Nhãn hiệu “Mật ong U Minh hạ” đã nổi tiếng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đây là công lao bao đời nay của những người dân sống dưới tán rừng tràm U Minh hạ. Những thế hệ kế tục như anh Chơn, anh Vững vẫn đang tiếp bước phát huy nghề ăn ong của cha ông mình. Năm nay, tuy mùa khô đến trễ, vụ ong có phần không bằng năm rồi, nhưng nhờ giá cao bà con vẫn đảm bảo nguồn thu. Người dân đất rừng U Minh hạ lại hứa hẹn có một vụ mùa như ý, đón một cái Tết sung túc, rộn ràng tiếng cười./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nuôi ong ngoại ở rừng, dân lo lắng, DN nói sẽ nhận trách nhiệm
Nuôi ong ngoại ở rừng, dân lo lắng, DN nói sẽ nhận trách nhiệm

VOV.VN - Tại Cà Mau, chuyện nuôi ong ngoại ở rừng quốc gia U Minh Hạ khiến người dân địa phương lo lắng, doanh nghiệp nhận trách nhiệm.

Nuôi ong ngoại ở rừng, dân lo lắng, DN nói sẽ nhận trách nhiệm

Nuôi ong ngoại ở rừng, dân lo lắng, DN nói sẽ nhận trách nhiệm

VOV.VN - Tại Cà Mau, chuyện nuôi ong ngoại ở rừng quốc gia U Minh Hạ khiến người dân địa phương lo lắng, doanh nghiệp nhận trách nhiệm.

Khám phá nghề gác kèo ong nơi đất rừng U Minh hạ
Khám phá nghề gác kèo ong nơi đất rừng U Minh hạ

VOV.VN -Gác kèo ong là nghề đặc trưng của người dân sống dưới tán rừng tràm U Minh hạ (Cà Mau). Theo chân thợ "ăn ong" là một trải nghiệm thú vị. 

Khám phá nghề gác kèo ong nơi đất rừng U Minh hạ

Khám phá nghề gác kèo ong nơi đất rừng U Minh hạ

VOV.VN -Gác kèo ong là nghề đặc trưng của người dân sống dưới tán rừng tràm U Minh hạ (Cà Mau). Theo chân thợ "ăn ong" là một trải nghiệm thú vị. 

Hà Tĩnh: Không đóng phí nuôi ong sẽ bị đuổi khỏi địa phương
Hà Tĩnh: Không đóng phí nuôi ong sẽ bị đuổi khỏi địa phương

VOV.VN - Người nuôi ong tại huyện Hương Khê bức xúc khi chính quyền ép thu phí nuôi ong, ai không thực hiện trong vòng 5 ngày bị đuổi khỏi địa phương

Hà Tĩnh: Không đóng phí nuôi ong sẽ bị đuổi khỏi địa phương

Hà Tĩnh: Không đóng phí nuôi ong sẽ bị đuổi khỏi địa phương

VOV.VN - Người nuôi ong tại huyện Hương Khê bức xúc khi chính quyền ép thu phí nuôi ong, ai không thực hiện trong vòng 5 ngày bị đuổi khỏi địa phương