Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP HCM nguy cơ chậm tiến độ

VOV.VN - Dự án chống ngập ở TP HCM có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam vẫn đang gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). 

Nhà đầu tư dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng là Tập đoàn Trung Nam đã nhiều lần khẳng định, nếu thành phố hoàn thành việc bàn giao mặt bằng trước 30/6/2019 thì phía Trung Nam có thể đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình và hoạt động thử nghiệm vào quý 1/2019. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng đến thời điểm này vẫn rất nan giải.

Khu vực cống Mương Chuối còn vướng GPMB.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, dự án có tổng diện tích GPMB là 180 ha, số tiền đền bù là hơn 500 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 229 hộ dân và 26 tập thể. Hiện nhà đầu tư vẫn đang cố gắng phối hợp với các quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng với nhiều khó khăn dù đã sát thời hạn 30/6/2019.

Ông Nguyễn Tâm Tiến nói: “Phần còn lại tuy ít nhưng lại nằm ở ranh bàn giao mặt bằng. Quận huyện và nhà đầu tư đã vận động rất nhiều nhưng vẫn còn một số hộ nhỏ lẻ vẫn chờ làm đúng thủ tục. Nếu quận huyện giao mặt bằng đúng 30/6 thì nhà đầu tư cũng cam kết đưa dự án vào hoạt động nhanh nhất”.

Cống Mương Chuối.

Theo thống kê mới nhất của Trung Nam, đến nay vẫn còn hơn 60 hộ dân và 2 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. Những trường hợp vướng mắc này chủ yếu nằm ở Cống Mương Chuối và các đoạn đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Trong các quận, huyện bị ảnh hưởng thì đã có Quận 1, 4, 7 và quận 8 vẫn đang vướng, gần như chắc chắn không thể bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.

Trong buổi giám sát về các công trình chống ngập trên địa bàn TP của HĐND TP HCM với UBND TP HCM, đại diện Ban chỉ đạo bồi thường hỗ trợ, tái định cư TP cho biết, liên quan đến giải phóng mặt bằng thì đang có một số khó khăn quỹ nền nhà tái định cư chưa đủ, một số trường hợp không đủ điều kiện để bồi thường nhà ở, đất ở mà chỉ được hỗ trợ chưa đồng ý di dời.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận vấn đề giải phóng mặt bằng là vấn đề khó của TP HCM. Vấn đề bồi thường thì người dân thường không chịu bởi cho rằng bồi thường không phù hợp. Thực tế, giá bồi thường mà TP áp dụng đã vượt khung, muốn tăng thì phải chờ Chính phủ ra khung mới và có tăng cũng không theo kịp thị trường.

Người dân mong công trình chống ngập sớm đưa vào hoạt động để bớt khổ.

“Dân thường không chịu với mức giá T1, T2 bởi vì bồi thường của mình không phù hợp. Trong thực tế khung của chúng ta vượt rồi. Chính phủ ban hành khung, TP ban hành bảng giá thì bảng giá mình xài hết giá rồi, phải chờ Chính phủ ra khung mới cao hơn thì mới lên được mà thị trường biến động xa đơn giá của mình”, ông Hoan nói.

Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng Ban đô thị, HĐND TPHCM đề xuất: “Dự án còn vướng chủ yếu là giải phóng mặt bằng thì đề nghị sự phối hợp giữa chủ đầu tư và UBND các quận huyện bởi theo phân cấp thì công tác giải phóng mặt bằng do các quận, huyện triển khai”.

Hiện nay dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã thi công khoảng 80% khối lượng công việc. Theo cam kết của nhà đầu tư, nếu đến 30/6 được bàn giao mặt bằng thì 30/7/2020 sẽ hoàn thành. Còn nếu không thì vướng mắc khâu này sẽ kéo theo chậm trễ khâu khác và cả công trình không thể đúng tiến độ. 

Hiệu quả chống ngập của dự án này theo quy hoạch là rất lớn vì thuộc Quy hoạch 1547 để kết nối với các dự án thuộc Quy hoạch 752- kênh thoát nước đô thị của thành phố. Nếu dự án do Trung Nam thực hiện không xong thì các kênh thoát nước trong quy hoạch 752 không tác dụng. 

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM nói: “Chúng ta phải làm nhanh công trình Trung Nam 1547 để đảm bảo đưa vào phát huy chống ngập khi triều lên, đồng thời sẽ giải quyết mưa xuống. Như vậy kết nối 1547 và 752 sao? Chúng ta làm sao các kênh thoát nước ở đô thị của 752 phát huy hiệu quả tốt nếu chúng ta thoát nước toàn bộ ra kênh rạch. Trung Nam có nhiệm vụ triều lên thì bơm ra và mưa xuống thì có chỗ chứa nước”.

Với một công trình nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân như Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 và tính hiệu quả được dự báo là rất lớn trong chống ngập, thì việc tập trung giải quyết khó khăn, đẩy mạnh tiến độ GPMB là rất cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đầu tư cho chống ngập ở TP.HCM còn thiếu và dàn trải
Đầu tư cho chống ngập ở TP.HCM còn thiếu và dàn trải

VOV.VN -TP.HCM đang thiếu một quy hoạch tổng thể về công tác chống ngập. Xây dựng các hồ điều hòa, làm lại hệ thống thoát nước... là những giải pháp đặt ra.

Đầu tư cho chống ngập ở TP.HCM còn thiếu và dàn trải

Đầu tư cho chống ngập ở TP.HCM còn thiếu và dàn trải

VOV.VN -TP.HCM đang thiếu một quy hoạch tổng thể về công tác chống ngập. Xây dựng các hồ điều hòa, làm lại hệ thống thoát nước... là những giải pháp đặt ra.

Giải pháp chống ngập ở TP HCM: Các doanh nghiệp lên tiếng
Giải pháp chống ngập ở TP HCM: Các doanh nghiệp lên tiếng

VOV.VN - TP HCM đang tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chống ngập. Đề xuất của các doanh nghiệp đang được chính quyền thành phố xem xét.

Giải pháp chống ngập ở TP HCM: Các doanh nghiệp lên tiếng

Giải pháp chống ngập ở TP HCM: Các doanh nghiệp lên tiếng

VOV.VN - TP HCM đang tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chống ngập. Đề xuất của các doanh nghiệp đang được chính quyền thành phố xem xét.

Chống ngập ở TP HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước!
Chống ngập ở TP HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước!

VOV.VN -Mưa gây ngập sâu ở TP HCM có thể còn lặp lại cho nên dự phòng, thay đổi sinh hoạt, thích nghi luôn là cần thiết với người dân.

Chống ngập ở TP HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước!

Chống ngập ở TP HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước!

VOV.VN -Mưa gây ngập sâu ở TP HCM có thể còn lặp lại cho nên dự phòng, thay đổi sinh hoạt, thích nghi luôn là cần thiết với người dân.