Khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm, các hội chợ việc làm cuối năm 2020, một thực tế dễ nhận thấy rằng, nhiều lao động loay hoay tìm việc, trong khi nhiều doanh nghiệp lại gồng mình tuyển dụng trong cơn khát nhân sự.

Theo nhiều chuyên gia, nghịch lý này bắt nguồn từ việc thị trường lao động thiếu sự liên thông, chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao, thiếu kết nối, hoặc đứt gãy. Kết quả dự báo cung cầu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của người dùng cả về thông tin, chưa chỉ ra cụ thể nhu cầu tuyển lao động theo nghề, theo kỹ năng, trình độ, chưa kịp thời dự báo những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới cung – cầu lao động Việt Nam.

Trước thực trạng này, nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực, phát triển thị trường lao động Việt Nam, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) đang xây dựng 2 đề án gồm “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và “Nâng cao năng lực dự báo cung – cầu lao động”.

Thông tin về 2 đề án này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá, việc xây dựng 2 đề án này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới xây dựng một thị trường lao động định hướng XHCN.

Ngoài việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về kinh tế thị trường, 2 đề án này còn góp phần tạo ra hành lang pháp lý nhằm phát triển các thể chế của thị trường lao động.

Cũng theo Cục trưởng Cục Việc làm, câu hỏi đặt ra là đề án phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn. 10 năm qua, thị trường lao động Việt Nam không những phát triển rất mạnh trong nước, thể hiện ở chỗ có những vùng thị trường lao động biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế, mà còn có những thị trường lao động chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản như thị trường ĐBSCL, Tây Nguyên. Đối với miền núi, cũng cần có thị trường riêng vừa đảm bảo phát triển hài hòa với trình độ phát triển của miền núi nhưng cũng đúng với việc phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước với chính sách miền núi và chính sách dân tộc.

Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho rằng, đề án phải giải quyết được những điểm căn bản này, phủ sóng các thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Đề án phải mang tính chất đa tầng, phù hợp với thực tiễn. Nếu như Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, thì vai trò của Nhà nước có tính chất kiến tạo nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn. Với vùng núi, Nhà nước có tính chất thu hút, thậm chí có những nơi Nhà nước phải tạo ra những cơ chế để đưa người lao động tham gia vào thị trường.

Bên cạnh đó, các đề án này cũng đảm bảo đa lĩnh vực, nhiều ngành, thị trường lao động chuyên nghiệp, tuân theo luật chơi quốc tế hết sức chặt chẽ. Khi người lao động và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đều phải tuân theo những chuẩn mực quốc tế.

Đặc biệt, đề án cũng phải đảm bảo có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Trọng Bình cũng cho rằng, việc dự báo cung cầu lao động là rất khó khăn, phức tạp. Quan điểm của Cục Việc làm cũng như Bộ LĐ-TB-XH khi thực hiện đề án này là xác định rõ dự báo cho ai, dự báo để làm gì, có hiệu quả không.

Theo đó, việc dự báo đầu tiên được dùng cho Nhà nước để dự báo cung cầu lao động, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế , xã hội, quy hoạch địa bàn.

Đây cũng là những dự báo ngắn hạn, thậm chí là hàng tháng.

Bên cạnh đó, cũng cần dự báo cho  doanh nghiệp xu thế dịch chuyển việc làm từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia, xu thế chuyển dịch việc làm trong 1 chuỗi giá trị từ việc làm này lên vị trí việc làm cao hơn. Ví dụ, nếu chiến lược từ phát triển công nghiệp phụ trợ, có nghĩa là chuyển từ giản đơn sang phụ trợ, rồi từ phụ trợ đi thêm 1 bước lên nắm bắt công nghệ.

Quá trình này đòi hỏi phải dự báo sự chuyển dịch của các khâu, các công đoạn thiết kế, phụ trợ của các chuỗi giá trị thế giới dịch chuyển vào Việt Nam và dịch chuyển của các vị trí lao động trong các chuỗi giá trị đó như thế nào.

Ông Vũ Trọng Bình cho rằng, đây là việc rất khó, phải xác định cần dự báo gì cho người lao động, phải cụ thể vị trí việc làm đó nằm ở đâu, lương thế nào, vùng miền ra sao và phải đánh giá hiệu quả.

“Tôi cho rằng cần có nhiều hệ thống đa tầng để thu thập dữ liệu và dự báo. Thí dụ để dự báo cho Trung ương và cấp tỉnh, thành phố thì chúng tôi đang xây dựng một hệ thống quan trắc thông tin 63 tỉnh, thành phố để nắm bắt nhanh tình hình. Dự báo chiến lược dài hạn thì chúng ta phải có bộ dữ liệu, Big Data kết nối các dữ liệu khác nhau để phục vụ quá trình phân tích. Thời gian qua chúng ta thu thập dữ liệu một cách thủ công và rất khó khăn khi sự kết nối giữa các bộ, ngành còn hạn chế, còn rất nhiều vấn đề về thu thập, xử lý, kinh phí...

Việc thu thập xử lý dữ liệu cần hướng tới xã hội hóa, cần hình thành những doanh nghiệp chuyên nghiệp trong việc thu thập, xử lý dữ liệu, chứ không hẳn chỉ dựa vào các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học. Để bảo đảm được việc này cần sự quan tâm ủng hộ của Quốc hội, hoàn thiện thể chế, chính sách về vấn đề này”, ông Bình nói.

Cục Việc làm cho rằng, nếu thu thập và xử lý dữ liệu tốt để đảm bảo cung cầu lao động sẽ giúp giao dịch trên thị trường được minh bạch hơn, giảm chi phí. Khi thị trường càng liên thông, minh bạch, càng giảm chi phí, tính hiệu quả của thị trường đánh giá bằng chi phí giao dịch, chi phí giao dịch càng thấp thì thị trường càng hiệu quả.

Với tư cách là cơ quan giám sát, theo dõi và nghiên cứu sâu lĩnh vực về lao động việc làm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao  Cục Việc làm đã nghiên cứu các đề án. Ông Lợi cho rằng, đây là định hướng đúng, thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa đảm bảo cho người lao động có thu nhập, giải quyết đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý rằng, khi nghiên cứu đề án này phải xử lý được 2 vấn đề: Một là khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay đang đặt ra về giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

“Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của chúng ta còn thấp, quan hệ cung – cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu sử dụng và dịch chuyển quá trình lao động  chưa phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường lao động là một thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết, đáp ứng được hiện tại”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Đặc biệt, theo ông Lợi, đề án phải giải quyết được 2 nhiệm vụ, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là cần xây dựng được một thị trường lao động ổn định, hài hòa, hiện đại.

Tính hiện đại ở đây phải đảm bảo thể hiện thể chế về cơ chế chính sách thị trường lao động. Đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên, đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Nhiệm vụ thứ 2 là cần giải quyết được chất lượng thị trường lao động, bởi chất lượng thị trường lao động sẽ giải quyết được vấn đề việc làm bền vững. Theo đó, để giải quyết việc làm bền vững cần đáp ứng việc làm theo quyền của Hiến pháp như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc, đảm bảo có thu nhập hợp lý, có chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo sau này khi người lao động rời khỏi thị trường lao động vẫn có thể tồn tại, an toàn lao động, an toàn sinh mạng, vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc.

Đề án cũng phải tránh được việc người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho lao động khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động có cơ hội tìm việc làm khác.

Còn theo TS Ngô Quỳnh Anh, ĐH Kinh tế Quốc dân, thị trường lao động ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường phân đoạn, không đồng nhất.

Các chính sách và đề án phát triển cần phải đề cập sự phân đoạn này. Bản chất của việc làm trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay mang tính chất mưu sinh là chủ yếu, không phải việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững hay tăng trưởng xanh. Vì vậy khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế xã hội bền vững là khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, bà Ngô Quỳnh Anh quan ngại về việc ngoài thị trường lao động chính thức, còn tồn tại khu vực phi chính thức. Khu vực phi chính thức cung cấp công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động và gia đình họ. Khu vực này dễ tham gia và không có rào cản, quy định về vốn và kỹ năng nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, người lao động cũng được tham gia thị trường.

Bà Quỳnh Anh cho rằng, cần từng bước nâng cao chất lượng thị trường phi chính thức, giúp lao động có động lực để chuyển sang thị trường chính thức.

Khu vực thị trường lao động có thể phân theo ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hiện có xu hướng chuyển dịch lao động ra khỏi thị trường nông nghiệp, nhưng cần lưu ý, việc chuyển đổi ra khỏi nông nghiệp nhưng không được ra khỏi nông thôn để tránh gia tăng áp lực cho thành thị và các vấn đề an sinh xã hội.

Đồng tình với quan điểm của bà Ngô Quỳnh Anh, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, trong thị trường lao động hiện nay, vấn đề cần quan tâm là dịch chuyển của khu vực phi chính thức sang chính thức. Hiện nay có  56 triệu lao động, mới có 20 triệu lao động trong quan hệ lao động. Đây là số lao động có việc làm ổn định hơn và thu nhập tốt hơn, có sự bảo vệ tốt hơn, có BHXH và BHYT. Như vậy còn 46 triệu lao động hoàn toàn không có ai bảo hộ.

Việc chuyển được lao động ở thị trường phi chính thức sang khu vực chính thức là nguyên lý của thị trường lao động. Mục tiêu là hướng đến điều này nhưng là quá trình dài. Cần phải có biện pháp để phát triển.

Ông Nguyễn Trọng Hưng, Công ty MediaMart Việt Nam cho rằng, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp và của cá nhân, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay phát triển khá nhanh và khá năng động. Qua đó, hỗ trợ cho nhà tuyển dụng và người lao động rất nhiều.

Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ một số nhược điểm mà các cơ quan hoạch định cần lưu ý như các kênh tuyển dụng tư vấn lao động truyền thống như hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm thậm chí các trang tuyển dụng có uy tín đang giảm dần sức hút với người lao động. Các mạng xã hội như Zalo, Facebook phát triển khá mạnh mẽ.

Ông Hưng cho biết, với MediaMart, trong giai đoạn 2011-2015 sàn giao dịch việc làm và hội chợ việc làm luôn chiếm hơn 50% số lượng tuyển dụng, các kênh tuyển dụng chiếm 20-30%. Nhưng hiện tại, qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook... công ty này tuyển dụng được khoảng 80% nhu cầu nhân lực của hệ thống. Tuy nhiên, kênh tuyển dụng này cũng bộc lộ rất nhiều nhược điểm như tự phát, thiếu định hướng.... trong việc nhìn nhận, đánh giá các lĩnh vực sử dụng lao động, gây tâm lý không tốt, mất phương hướng cho những người sắp bước vào thị trường lao động.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cũng nhấn mạnh giao dịch trực tuyến hiện nay đang là xu thế chuyển dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng hệ thống quản trị của Nhà nước để quản lý, chứng nhận chất lượng về những sàn tuyển dụng lao động trực tuyến. Có thể dùng quản trị Nhà nước hiện đại trên nền tảng môi trường 4.0, kết hợp với dùng quản trị của thị trường thông qua thương hiệu, thông qua sự minh bạch.

Để làm được việc này, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết đã đề xuất lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc hội để đưa ra những thể chế, bảo đảm cho phép giao dịch việc làm trực tuyến.

“Quan điểm của chúng tôi là Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng trên không gian mạng khi muốn giao dịch việc làm”, ông Vũ Trọng Bình nói./.


Thứ Sáu, 06:00, 18/12/2020