Đường ngang dân sinh bất hợp pháp: Những cái bẫy giết người
VOV.VN - Các vụ tai nạn ở đường ngang dân sinh đã được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn liên tiếp xảy ra.
Với gần 6.000 đường ngang dân sinh trên toàn bộ hệ thống đường sắt nước ta, trong đó 3/4 là đường ngang tự mở, nguy cơ tai nạn giao thông trên đường sắt luôn rình rập.
Trong 3 ngày từ ngày 24 đến ngày 26/10, đã có 2 tai nạn đường sắt xảy ra tại huyện Thường Tín (Hà Nội) làm 7 người chết. Trong đó, vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng ngày 24 giữa tàu SE2 và một ô tô đã làm 6 người chết. Cả 2 vụ tai nạn này đều xuất phát việc người tham gia giao thông trên đường bộ vượt qua đường sắt khi tàu hỏa đến, bất chấp đèn tín hiệu dừng đỗ.
Hàng chục đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt trên địa bàn huyện Thanh Trì tiềm ẩn những vụ tai nạn chết người.
Ông Dương Văn Đông, một người dân ở huyện Thường Tín cho biết: “Một số đường ngang không có người gác ý thức chấp hành kém. Khi có chuông kêu, đèn đỏ cảnh báo người dân đi qua phải để ý cả hai bên. Thế nên, cứ cố tình đi mới xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc nghiêm trọng đến mức độ thế”.
Bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông, một yếu tố nữa cũng khiến tai nạn giao thông đường sắt gia tăng đó là việc vi phạm hành lang bảo vệ đường sắt như: xây nhà lấn vào hành lang bảo vệ, mở đường ngang qua đường sắt bất hợp pháp…
Khảo sát của Cảnh sát giao thông Hà Nội tại hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên, hai địa phương có mật độ đường ngang dân sinh dày đặc. 27 km đường sắt đi qua hai huyện này thì có 197 đường ngang giao cắt với đường sắt, trong đó hơn 150 đường ngang dân sinh mở trái phép, 15 điểm không có rào chắn, hộ lan chạy song song giữa đường bộ và đường sắt rất dễ xảy ra tai nạn giao thông ở các đường ngang dân sinh.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 8 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cho biết: “Đơn vị đã chủ động kiến nghị với chính quyền địa phương, thành phố về các đường ngang dân sinh mở trái phép để bổ sung rào chắn, gác chắn, thêm người và tăng giờ gác. Tại các điểm gác đó đều phải có hệ thống cảnh báo để không xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc và cảnh báo kịp thời cho người và phương tiện được đi qua an toàn”.
Toàn bộ tuyến đường sắt Việt Nam có gần 3 nghìn km đường chính tuyến thì có đến 6 nghìn đường ngang dân sinh trong đó có gần 1.500 đường ngang hợp pháp, còn lại hơn 4 nghìn đường ngang bất hợp pháp. Ngay cả những đường ngang dân sinh hợp pháp, rất nhiều đường cũng vi phạm những quy định như: góc giao cắt đường bộ đường sắt, tầm nhìn, độ dốc lên đường ngang…
Hình ảnh hiện trường vụ tàu hỏa đâm ô tô ở Thường Tín, Hà Nội
Nguyên nhân xuất hiện các đường ngang bất hợp pháp là do các địa phương vẫn tiếp tục cấp đất cho người dân làm nhà bên cạnh đường sắt. Chưa kể nhiều khu dân cư phát triển có mật độ đi lại cao. Việc giải tỏa lấn chiếm rất tích cực nhưng do thói quen sinh hoạt của người dân dọc theo đường sắt nên không giải quyết triệt để được.
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 9 tháng năm 2016, có khoảng 300 vụ tai nạn đường sắt thì có 97% số vụ tai nạn do người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra cho đường sắt trong đó tỷ lệ lớn là từ đường ngang dân sinh. Tại đường ngang hoặc đường dân sinh tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Muốn hạn chế đường dân sinh cần có nguồn kinh phí lớn để làm đường gom. Quyết định 994 của Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 -2020 phải tạm dừng vì chưa có nguồn kinh phí thực hiện.
Ông Đoàn Duy Hoạch nói: “Hạn chế đường ngang dân sinh là một quá trình lâu dài, có sự đầu tư. Các địa phương hiện rất muốn cùng phối hợp với đường sắt để làm đường gom, tuy nhiên cần có nguồn kinh phí rất lớn. Theo Quyết định 994 của Thủ tướng thì đến năm 2020 nếu có đủ kinh phí mới thực hiện. Vì vậy, trước mắt biện pháp tuyên truyền người tham gia giao thông là số 1, có phối hợp địa phương và ngành đường sắt là cảnh giới ở những điểm đen sẽ hạn chế được tai nạn giao thông”.
Hà Nội: Ẩn họa đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt
Để giải quyết tình trạng mất an toàn ở các điểm giao cắt giữa đường sắt và các tuyến đường ngang dân sinh, giải pháp trước mắt là sự là phối hợp của ngành đường sắt với chính quyền địa phương, huy động lực lượng cảnh giới tại các khu vực đường ngang. Tuy nhiên, về lâu dài hệ thống đường ngang dân sinh bất hợp pháp cần phải phá bỏ thay bằng đường gom về các đường ngang hợp pháp có cảnh giới, đèn tín hiệu và người gác, như thế những nguy cơ về tai nạn giao thông ở đường ngang dân sinh mới giảm được./.