Giải pháp hữu hiệu cứu lúa khỏi hạn, mặn ở ĐBSCL
VOV.VN - So với các địa phương vùng ĐBSCL, thì diện tích lúa Đông xuân ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại do hạn, mặn thấp hơn nhiều nhờ các giải pháp hiệu quả.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang chỉ có hơn 1.000 ha lúa Đông Xuân ở vùng ngọt hóa Gò Công (phía Đông của tỉnh) bị thiệt hại do thiếu nước ngọt. Còn lại gần 29.000 ha lúa ở vùng này có khả năng sẽ cho thu hoạch với năng suất khá.
Để giảm được diện tích lúa bị thiệt hại, trước hết phải kể đến hiệu quả từ Dự án “ngọt hóa Gò Công” do Trung ương đầu tư trước đây đã khá hoàn chỉnh để ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất cho các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai kế hoạch để đối phó; trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng Sở, ngành, địa phương; tháo gỡ kịp thời những khó khăn tồn động. Mỗi tuần, lãnh đạo UBND tỉnh đều chủ trì từ 1-2 cuộc họp bàn về kế hoạch khắc phục hạn mặn. Giải pháp hữu hiệu nhất để “cứu” lúa vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang là tăng cường công tác thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy; tổ chức vận hành cống đập Xuân Hòa theo hướng tích cực.
Người dân vùng "ngọt hóa" Gò Công (Tiền Giang) đấp kênh ngăn nước mặn
Tại cống Xuân Hòa tỉnh Tiền Giang còn đầu tư 4,5 tỷ đồng để lắp đặt 16 thuyền bơm lưu động với 32 máy bơm công suất thiết kế 32.000m3/giờ để bơm cạn, lấy nước ngọt khi đỉnh triều thấp. Nhờ vậy mà nhiều diện tích lúa đang “khát” nước ở vùng Gò Công được đáp ứng kịp thời.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ khẩn cấp 1,6 tỷ đồng giúp các huyện thị trong vùng mua máy bơm phục vụ chống hạn, đầu tư khoảng 12 tỷ đồng tổ chức gần 700 điểm bơm chuyền 2-3 cấp bơm ứng cứu chống hạn phục vụ gần 14.000ha lúa Đông Xuân ở những địa bàn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đàng, Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nay, địa phương chúng tôi làm quyết liệt, ra quân chống hạn mặn để đưa nước về phần ruộng đang khô. Tùy theo địa bàn và tùy theo từng con kênh để ngăn chặn mặn, bơm ngọt về xử lý.”
Theo ông Đàng, để đối phó với thủy triều, cần phải tạo những trạm bơm đầu nguồn. Ngoài ra, cần phải vớt lục bình ở những kênh chính, kênh trục để đảm bảo cho sản xuất.
Đến nay, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công chỉ còn khoảng hơn 6.000 ha lúa còn sử dụng nước ngọt. Trong khi đó, hiện nay, kênh mương nội đồng ở vùng này vẫn còn nước và cống Xuân Hòa sẽ lấy nước lại khi độ mặn nước sông Tiền ở mức cho phép.
Đề cập đến giải pháp đối phó với hạn mặn cứu lúa, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang nói: “Giải pháp cấp bách trước mắt là cứu diện tích lúa trên 60 ngày tuổi. Các địa phương tập trung bơm trữ nước, bơm chuyền kể cả các giải pháp công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nhận thức được vấn đề hạn, mặn để tiết kiệm nguồn nước”.
Để đối phó với hạn, mặn vào mùa khô, hạn chế thiệt hai cho sản xuất lúa, ngoài giải pháp công trình như: kiện toàn hệ thống kênh mương thủy lợi, cống đập thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được thực hiện. Đến nay, vùng dự án “ngọt hóa” Gò Công của tỉnh Tiền Giang đã chuyển trên 1.600 ha đất lúa sang trồng các loại rau màu; hàng trăm ha đất lúa đã được đầu tư trồng cỏ nuôi gia súc, trồng cây ăn quả.
Nhiều diện tích lúa ở tỉnh Tiền Giang trúng mùa do có đủ nguồn nước ngọt |
Ông Cao Xuân Nguyện, chủ trang trại trồng cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao ở xã Bình Đông, Thị xã Gò Công là nông dân đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu chia sẻ: “Mình phải chuyển đổi cơ cấu trồng từ cây lúa sang cây khác có hiệu quả kinh tế cao. Tôi nhận thấy vùng đất Gò Công này cò thể trồng cây thanh long được nên tôi trồng thử nghiệm, 1,6 ha đất, năng suất rất cao, cho ra trái quanh năm.”
Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng phức tạp nên việc chủ động “sống chung” với hạn mặn là điều mà tỉnh Tiền Giang rất quan tâm.Trong đó, ngành nông nghiệp địa phương giữ vai trò làm “nhạc trưởng”, để giúp cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hợp lý, đảm bảo có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Sắp tới sẽ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, ví dụ như: vùng khó khăn quá là làm 2 vụ lúa 1 vụ màu hay chuyển đổi qua làm 2 vụ màu, chuyên màu. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh thi công dự án kéo nước ngọt qua kênh Chợ Gạo để lấy được nước từ hệ thống kênh Bảo Định để tiếp nước cho hệ ngọt hóa thì khả năng sẽ chủ động hơn.Hiện nay, nguồn nước trên kênh Bảo Định rất dư thừa.”
Những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được trong công tác ứng phó với hạn mặn bảo vệ sản xuất của chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang rất đáng được biểu dương. Đây là là những bài học quý giá, đút kết được những kinh nghiệm và cách làm hay để giúp địa phương đối phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới./. Hạn mặn ảnh hưởng nặng đến sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL