Gói hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Vì sao tài xế chưa với tới?
VOV.VN - Gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được cho là rất kịp thời và hết sức cần thiết để giúp doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được cho là rất kịp thời và hết sức cần thiết để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, duy trì vực dậy đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, chính sách đã sẵn sàng mà người cần hỗ trợ vẫn chưa thể hoặc rất khó tiếp cận...
Một trong những yêu cầu để được hưởng gói hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là doanh nghiệp phải chứng minh được rằng không có doanh thu. Tuy nhiên, đỉnh điểm của dịch tại Việt Nam cũng chỉ áp dụng giãn cách 22 ngày đầu tháng 4.
Hồ sơ của các tài xế xin giải quyết chế độ từ chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được chấp thuận. |
Do vậy, dù nhiều tài xế chỉ đạt khoảng 10% doanh thu so với mọi năm, nhưng vẫn đang gặp khó khi làm thủ tục xin hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Doanh nghiệp và người lao động có ý kiến như thế nào? Các chuyên gia kiến nghị giải pháp nào để tháo gỡ?
Gần 3 năm theo nghề, chưa khi nào thu nhập của tài xế Vũ Thanh Long, hãng G7 lại bấp bênh như những tháng đầu năm nay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc chỉ cầm chừng trong tháng 2 và tháng 3.
Đến tháng 4, ngoài 22 ngày nghỉ giãn cách xã hội, các ngày khác đi làm cũng không có khách, hoặc rất ít. Tính trung bình, thu nhập của anh Long chỉ bằng khoảng 10% so với các năm trước, trong khi vẫn phải trang trải tiền sinh hoạt, nhà trọ của cả bố mẹ nên cuộc sống rất bấp bênh:
"Bọn em lái công ty thì 1 ngày làm 1 ngày nghỉ, thậm chí 1 ngày làm 2 ngày nghỉ. Làm thì cũng ngồi trên xe, có ai đâu, đi loanh quanh mấy vòng cũng chả có ai, vì thứ nhất sau đợt đấy ra ngoài cũng làm gì có ai đâu".
Với tài xế Bùi Mạnh Tùng (quê Nam Định), tình cảnh còn… bết bát hơn. Chồng lái xe không khách, vợ bán bảo hiểm nhân thọ cũng đi làm buổi được buổi không. Không đủ kinh phí cáng đáng gia đình và nuôi con nhỏ, nên những ngày nghỉ lái taxi anh phải chuyển sang ship hàng, và thợ “đụng”, (tức ai gọi gì cũng làm): "Thực ra đúng là ảnh hưởng thực sự, tại vì mình là kinh doanh vận tải nên là ảnh hưởng lớn nhất, kể cả có đi làm người ta cũng không sử dụng dịch vụ taxi, thì không làm taxi thì cũng phải xoay sang các hướng khác, ví dụ đi ship bằng xe máy, ai có việc gì gọi làm thì làm thêm".
Mặc dù công việc, thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19, song đến nay, hồ sơ của các tài xế này xin giải quyết chế độ từ chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được chấp thuận.
Ông Dương Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc hãng taxi G7 cho biết, đến thời điểm này, có khoảng 700 lái xe đã hoàn tất thủ tục xin hỗ trợ bởi dịch Covid-1919 theo quết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, song chưa có trường hợp nào được giải quyết.
Ông Thanh cho rằng, cái khó ở chỗ, quy định hỗ trợ chỉ áp dụng với lao động bị hoãn hợp đồng, nghỉ việc liên tục từ 1/4 đến 30/6, trong khi các tài xế chỉ nghỉ liên tục 22 ngày, sau đó luân phiên đi làm trở lại: "Đối với ngành vận tải thì cũng chỉ là nghỉ từ ngày 1 đến hết ngày 22 thôi, chưa đủ 30 ngày, đó cũng là một cái khó. Thế và doanh nghiệp không có doanh thu, nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động, mặc dù là doanh thu sụt giảm nhưng vẫn có thể gọi là có doanh thu".
Không chỉ taxi, các doanh nghiệp vận tải khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Đoàn Anh Ngọc, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, hơn 7.000 lao động phải nghỉ việc luân phiên, khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy vậy, do thời gian nghỉ không đủ một tháng liên tục nên những lao động này cũng không đủ điều kiện để được hỗ trợ: "Điều kiện để người lao động được áp dụng là ngừng việc 1 tháng và doanh nghiệp phải chứng minh được một số yêu cầu bắt buộc, không còn năng lực tài chính. Qua theo dõi đến nay thì tổng công ty cũng như người lao động chưa thuộc đối tượng áp dụng gói hỗ trợ này".
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cũng thừa nhận, qua trao đổi, các doanh nghiệp vận tải đều cho biết không thực hiện các thủ tục để xin hỗ trợ cho tài xế, bởi không thể đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra: "Phải có 2 điều kiện, một là doanh nghiệp không có doanh thu phát sinh, 2 là sử dụng hết các nguồn quỹ của doanh nghiệp rồi. Chính vì 2 điều kiện này nên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô không đủ điều kiện, tiêu chí để tiếp cận gói hỗ trợ này".
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, những quy định để tài xế trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô có thể tiếp cận gói hỗ trợ là không phù hợp, gây khó cho doanh nghiệp và người lao động: "Quy trình, thủ tục của nó là không phù hợp với thực tế, nên là doanh nghiệp cân đối giữa cái được và không được thì thà họ không còn hơn. Còn bản thân người lao động, tất cả những cái đó phải có chứng nhận từ doanh nghiệp, trong khi ở Việt Nam mình có một đặc điểm là khu vực phi chính thức rất lớn, người ta chả có chứng nhận nào cả".
Điều kiện đặt ra để các doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ, đang giống như bảo họ chứng minh rằng đã phá sản trước khi nộp hồ sơ xin cứu trợ. |
Gói hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được cho là rất kịp thời và hết sức cần thiết để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, duy trì vực dậy đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, chính sách đã sẵn sàng mà người cần hỗ trợ vẫn chưa thể hoặc rất khó tiếp cận. Thực tế này cho thấy sự thiếu phù hợp của các điều kiện đặt ra.
Dưới góc nhìn của VOVGT, để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả, rất cần đến sự linh hoạt trong quá trình triển khai, để không vô tình làm khó những người vốn đang…. rất khó!
Sự linh hoạt của tư duy
Khi rất nhiều ngành nghề chới với, lao đao trong dịch bệnh, không một doanh nghiệp nào nằm im để đợi “phao cứu sinh”. Họ sẽ phải vùng vẫy bằng mọi cách để khỏi “chết đuối”, dù hoạt động chỉ một vài ngày trong cả tháng. Và tài xế cũng như vậy.
Nhưng, chính các nỗ lực “vùng vẫy” để vớt vát phần nào đó doanh thu, để cầm cự qua đại dịch đang khiến cho doanh nghiệp vận tải và lái xe “với” mãi chưa tới gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, bởi những điều kiện ngặt nghèo và có phần xa thực tế.
Khi một doanh nghiệp phải sử dụng đến các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đem ra chi thường xuyên, thì tình cảnh cũng không khác nào người nông dân phải “đổ thóc giống” ra ăn. Ăn đến hạt thóc giống cuối cùng, người nông dân chỉ còn 2 lựa chọn, hoặc “tay gậy tay bị”, hoặc bỏ ruộng chuyển nghề.
Do vậy, điều kiện đặt ra để các doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ, đang giống như bảo họ chứng minh rằng đã phá sản trước khi nộp hồ sơ xin cứu trợ. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu của gói hỗ trợ, là giúp doanh nghiệp vượt khó để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Còn với lái xe, cái nghề “ráo mồ hôi là đói”, thì nếu không có doanh thu suốt chừng ấy thời gian dịch bệnh, họ cũng chẳng còn tồn tại để mà bận tâm đến chuyện được hỗ trợ hay không.
1% doanh thu cũng là có doanh thu. Tồn tại vật vờ trong dịch bệnh, doanh nghiệp và người lao động có thể không còn đủ lực để gượng dậy ngay cả khi dịch bệnh đã ổn hơn nếu không được “hà hơi” tiếp sức kịp thời. Mà với những điều kiện như trong quy định để được tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ, chỉ đối chiếu sơ bộ, doanh nghiệp và tài xế đã thấy mình bị loại từ vòng “gửi xe”.
Nguy cơ dễ thấy là nếu áp đặt cứng nhắc các điều kiện này, thì gói hỗ trợ tìm không ra người, còn người cần thì với mãi không tới.
Một gói hỗ trợ quy mô lớn so với khả năng của nền kinh tế, và chưa từng có trong tiền lệ được giới chuyên gia tài chính đánh giá cao, được người dân và doanh nghiệp dạt dào kỳ vọng. Sẽ rất đáng tiếc nếu chỉ vì những quy định cứng nhắc hoặc chưa khảo sát tính toán kỹ mà khiến gói hỗ trợ không đến được với những người, những nơi cần kíp.
Vì thế, thay vì chỉ phổ biến thông tin và răm rắp làm đúng quy trình, giờ là lúc, các cơ quan có trách nhiệm triển khai gói hỗ trợ này cần khẩn trương thu thập, tập hợp đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp và người lao động nói chung – và trong lĩnh vực vận tải nói riêng, để trình các bộ ngành liên quan, tham mưu với Chính phủ linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp.
Cứu đói như cứu hỏa. Khẩn trương, kịp thời, đúng đối tượng. Người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh tinh thần này khi chỉ đạo các bộ ban ngành xúc tiến triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định số 15.
Chính phủ sốt sắng và quan tâm đặc biệt tới công tác này, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân được giao trách nhiệm trong việc triển khai càng phải làm hết mình, bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động.
Đối với các khu vực kinh tế, các khối ngành nghề có sức tác động lớn đến nền kinh tế - như ngành vận tải, điều đó càng cần phải khẩn trương hơn, linh hoạt hơn trong cách giải quyết.
Mà muốn quy định có thể linh hoạt, thì trước hết, cần sự linh hoạt trong tư duy, sự sẵn sàng trong tâm thế của những người triển khai, trên cơ sở “thấm” tinh thần nhân văn của quy định đó./.