Nhằm chuẩn hóa và chấn chỉnh tình trạng lộn xộn các loại biển báo trên các tuyến đường, từ tháng 11/2016 Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ( gọi tắt là QCVN 41). Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai, người đi đường vẫn bắt gặp những biển báo không đúng theo quy chuẩn.
Tại Hà Nội đang tồn tại tình trạng lộn xộn, bát nháo các loại biển báo, nhiều biển hướng dẫn giao thông không theo một quy chuẩn nào.
 |
Biển báo trên đường Đê La Thành giao cắt Giảng Võ. |
Ngay đầu cầu Chương Dương, quận Long Biên có biển báo cấm ô tô, nhưng bên dưới lại có biển hướng dẫn cấm taxi từ 7- 9 giờ. Hay như biển báo cấm rẽ phải, rẽ trái tại đường Đê La Thành giao cắt với đường Giảng Võ, quận Đống Đa nhưng bên dưới lại có biển hướng dẫn là chỉ cấm xe taxi. Nhiều người về thủ đô thường rất lúng túng trước những loại biển báo như thế này.
Anh Nguyễn Tuấn ở Gia Lâm, Hà Nội phàn nàn về biển hướng dẫn giao thông trên tuyến đường từ cầu Đông Trù đi sân bay Nội Bài: “Có biển báo rẽ ra sân bay nhưng biển báo lại quá nhỏ và đặt sát ngay đầu lối rẽ nên nhiều người đi quá đã phải lùi lại để vào lối rẽ rất nguy hiểm, rất dễ gây tai nạn. Như trường hợp trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xe ô tô Inova đi quá chỗ rẽ lùi lại đã bị xe Công ten nơ đâm gây tai nạn làm nhiều người chết”.
Thực tế hiện nay tại nhiều nút giao thông xuất hiện cả “rừng” biển báo và cái này che khuất cái kia, như đánh đố người tham gia giao thông. Anh Lê Văn Hậu ở Thái Bình, cho biết: Lưu thông ở Hà Nội sợ nhất là đi nhầm đường vì các loại biển báo, hướng dẫn giao thông lộn xộn, không theo một quy chuẩn nào.
“Trên đường Khuất Duy Tiến giao cắt đường Lê Văn Lương có biển báo cấm rẽ trái và quay đầu. Người ta lấy sơn xịt lên hướng cấm quay đầu, các phương tiện quay đầu rất dễ gây tai nạn”. anh Lê Văn Hậu phản ánh.
Theo quy định trước đây, biển báo cấm rẽ trái có kèm việc cấm các phương tiện giao thông quay đầu xe. Còn theo Quy chuẩn 41, biển báo này sẽ chỉ cấm các phương tiện rẽ trái và không cấm các phương tiện quay đầu. Tuy nhiên, biển báo trên đường Khuất Duy Tiến, ngành giao thông chưa kịp điều chỉnh, mà dùng sơn phủ tạm thời là sai quy định. Còn tại quận Đống Đa, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị cho biết: Trên địa bàn quận, vỉa hè rất hẹp, nhiều tuyến ngõ nhỏ và ngắn cũng gây khó khăn cho việc đặt biển báo.
Ông Hà Anh Tuấn cho hay: “Để có sự đồng bộ kiến nghị cấp thành phố chủ quản là Sở GTVT cần có khảo sát chung và có quy hoạch để khoảng cách cũng như quy cách để đồng bộ biển báo để có không gian, khoảng cách biển phù hợp để cho người tham gia giao thông thuận tiện”.
 |
Một biển báo gây khó hiểu ở Ô Chợ Dừa. |
Trên thực tế, biển hướng dẫn giao thông, biển quảng cáo được giao cho nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau thực hiện. Theo quy định, đường chính do ngành giao thông quản lý, vỉa hè, đường nhỏ do quận, huyện cắm biển hướng dẫn, băng rôn quảng cáo do ngành văn hóa chịu trách nhiệm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến câu chuyện xuất hiện “rừng” biển báo như hiện nay.Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết: Trước thực trạng lộn xộn các loại biển báo, biển hướng dẫn, Sở GTVT sẽ rà soát chấn chỉnh.
Ông Nguyễn Đức Toàn nói: “Bộ Quy chuẩn 41 mới áp dụng cho tất cả các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến cấp xã, cũng như tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam tham gia, các đơn vị phải thực hiện đúng quy định cắm biển báo đều phải tuân thủ quy chuẩn. Vừa rồi Sở GTVT cũng rà soát phối hợp với các ngành để triển khai thực hiện”.
Vậy là sau nửa năm việc áp dụng lắp đặt biển báo giao thông ở Hà Nội theo Quy chuẩn 41 vẫn chậm được triển khai. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để triển khai thực hiện theo quy chuẩn còn hạn chế.
Việc chậm triển khai quy chuẩn này không chỉ khiến người tham gia giao thông khó nhận biết các quy định pháp luật được chỉ dẫn trên một số loại biển báo mà còn gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý các vi phạm./