"Hai tiếng Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ cùng sự thành công chống dịch Covid-19"

VOV.VN - Thành công của cuộc chiến chống Covid-19 đưa hai tiếng Việt Nam lan tỏa ra toàn thế giới. Việt Nam được bạn bè năm châu nể phục, coi là tấm gương sáng.

Tối 23/6, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp Giao lưu - Chính luận nghệ thuật đặc biệt “Tự hào Việt Nam”.

Các tiết mục nghệ thuật trong chương trình Giao lưu - Chính luận nghệ thuật đặc biệt “Tự hào Việt Nam”.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Trung tướng Phùng Sỹ Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn - Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; TS. KIDONG PARK, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VOV và nhiều khách mời, chuyên gia y tế, đại diện đơn vị công an, quân đội…

Chương trình có thước phim ghi lại những ngày căng thẳng cả nước cách ly chống dịch, cùng những câu chuyện đến từ các vị khách mời - những người đương đầu với khó khăn nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Họ là những “chiến sĩ” dã đối mặt với cam go, thách thức, hy sinh hạnh phúc riêng, chấp nhận sự nguy cơ lây nghiễm bệnh dịch… để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng.

Thành công của chiến chống Covid-19 đã khẳng định sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự sáng suốt, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, từ đó cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ các y bác sỹ, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ chia sẻ tại chương trình.

Khi báo chí là “những chiến sĩ thầm lặng” xả thân trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Chia sẻ tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV cho rằng, sau 45 năm kể từ khi thống nhất đất nước, lần đầu tiên hai tiếng Việt Nam được lan toả mạnh mẽ đến toàn thế giới vì thành tích chống dịch Covid 19.

“Với tinh thần quyết tâm và những thông điệp mạnh mẽ, ngay từ những ngày đầu Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc”, “Đoàn kết, đồng lòng, không ai bị bỏ lại phía sau”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn hệ thống chính trị, Ban chỉ đạo quốc gia, đã huy động được các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương, nỗ lực khắc phục khó khăn, dốc sức đồng lòng, chung tay chống dịch”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV chia sẻ tại chương trình.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, không chỉ lực lượng y tế, quân đội, công an…mà còn có sự góp sức của các cơ quan báo chí ở tuyến đầu phòng dịch. Ngay từ đầu, hệ thống báo chí, truyền thông đã giúp người dân nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh và hiểu được việc nếu để Covid-19 lây lan ra cộng đồng sẽ nguy hiểm thế nào, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn đến cả nền kinh tế của đất nước.

“Bạn bè thế giới đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch của chúng ta. Ngoài công tác Y tế còn có công tác tuyên truyền. Ngay từ đầu báo chí đã tham gia tuyên truyền phòng chống dịch, góp phần rất lớn vào thắng lợi chung này. Ngay từ đầu có dịch Covid-19, lực lượng truyền thông, báo chí đã nhanh chóng vào cuộc, với tinh thần sẵn sàng xả thân. Các ekip phóng viên, nhà báo của VOV, VTC đã vào trong các khu vực tâm dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi...để nhanh chóng đưa tin chính xác tới người dân. 13 cơ quan thường trú ở nước ngoài của VOV luôn sẵn sàng, nhanh chóng mang thông tin chính xác nhất. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao và tạo điều kiện để báo chí, truyền thông phát huy vai trò của mình, “đóng góp phần nhỏ vào sự nghiệp lớn”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc VOV cũng cho rằng: “Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có trường hợp tử vong vì Covid-19, bệnh nhân 91 đã hồi phục tốt. Đó là những ví dụ thể hiện ý chí, niềm tin và trình độ y tế của chúng ta, ngang tầm khu vực, có mặt ngang tầm thế giới”.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

Cho đến hiện tại, Việt Nam đã điều trị Covid-19 rất thành công và để lại nhiều ấn tượng với thế giới. Điều này được TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã kích hoạt hệ thống ứng phó, đầu tư rất nhiều cho hệ thống này. Sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, huy động rất tốt nguồn lực ngay lập tức của toàn xã hội. Công tác truyền thông của báo chí được thực hiện rất tốt, rất đầy đủ, đúng đắn đặc biệt là dấu ấn của VOV, VTC”.

Việt Nam cần chuẩn bị cho làn sóng dịch Covid-19 thứ 2

Chia sẻ tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đại dịch Covid-19 được các chuyên gia đánh giá là chưa có tiền lệ, nhất là sự lây lan rất nhanh. Do đó, Việt Nam đã chuẩn bị tâm thế vững vàng ngay từ đầu, đi trước 1 bước trước khi WHO công bố tình trạng dịch bệnh. Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 rất thành công. Có những giai đoạn căng thẳng nhưng từ lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, người dân Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn chia sẻ tại chương trình "Tự hào Việt Nam".

“Tại Việt Nam, ngay từ đầu, Chính phủ, ngành y tế đã xác định đây là một loại dịch bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, từ đó đề ra và triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ, cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Cho đến bây giờ, Việt Nam đã 68 ngày không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, chúng ta bước đầu đã thành công trong xử lý các trường hợp bị mắc. Giờ đây, chúng ta đã thành công và sẽ tiếp tục quan tâm đến các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Chưa bao giờ trong công tác phòng, chống dịch được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ như lần này, coi “chống dịch như chống giặc” với một tinh thần quyết tâm mạnh mẽ”, ông Sơn nhắc lại cả chặng đường đồng lòng chống dịch của Đảng, Nhà nước và dân nhân Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam là đất nước nhiệt đới sẽ thường xuyên có dịch, do vậy ngành y tế luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra dịch bệnh: “Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống máy móc hiện đại đã được trang bị và không thua kém các nước. Nguồn nhân lực được học, tập huấn kịp thời, từ đó áp dụng thành thạo các máy móc tiên tiến. Trường hợp bệnh nhân số 91 được điều trị dần trở lại bình thường như hiện nay rất đáng mừng, thể hiện rất rõ điều đó. Chúng tôi đang nghiêm túc thực hiện các bước kiểm soát dịch, trong đó có việc thắt chặt kiểm tra những trường hợp từ nước ngoài về và chuẩn bị mọi phương án ứng phó với các làn sóng tiếp theo”.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng: “Tình hình Covid-19 trên thế giới không được tốt như Việt Nam, đã gần 70 ngày nay Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng thứ 2 bất cứ lúc nào. Hệ thống y tế nên tận dụng thời gian quý báo này chuẩn bị các điều kiện ứng phó với làn sóng thứ 2. Tăng cường năng lực phát hiện ca bệnh và điều tra truy vết và điều trị, song song với đó cần có những phương án mới. Chỉ hệ thống y tế không thì chưa thể hoàn thành được nhiệm vụ mà cần sự lãnh đạo, quyết liệt từ Chính phủ, phối hợp từ các cơ quan truyền thông và tất cả người dân”.

Tự hào là người Việt Nam

Thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19 ghi dấu sự đóng góp, những nỗ lực không mệt mỏi của các “chiến sĩ áo trắng”. Theo TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư: “Từ khi phát hiện dịch cho đến khi tiếp nhận bệnh nhân, tất cả cán bộ công nhân viên trong bệnh viện đã xác định phải cách ly ngay tại bệnh viện. Căn bệnh này rất đặc thủ, chỉ có nhân viên bệnh viện phục vụ bệnh nhân, không thể có người nhà vào chăm sóc. Vì vậy công việc của chúng tôi rất vất vả, làm việc cả ngày đêm, chăm sóc từ ăn uống cho đến sinh hoạt của các bệnh nhân. Được sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời từ các cấp lãnh đạo, chúng tôi tổ chức thực hiện rất nghiêm túc”.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho rằng: “Nhiều y bác sĩ sẵn sàng xả thân, giành giật lại sự sống cho người bệnh và đôi khi không biết có trở về được không".

Dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng thành đại dịch toàn cầu và đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khiến ai cũng sợ hãi. Chính những bác sĩ đã bị lây nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc và cứu chữa cho các bệnh nhân. Nhưng với truyền thống dân tộc và lòng yêu nghề các bác sĩ đã dũng cảm, sẵn sàng hy sinh những công việc riêng tư của gia đình, gửi con cái lại cho ông bà... để xả thân, giành giật lại sự sống cho người bệnh và “đôi khi không biết có trở về được không”.

“Dịch Covid-19 tạo ra những điều chưa từng có tiền lệ. Để cứu được người bệnh Covid-19 là nỗ lực hết sức, tập trung sức lực, trí tuệ của tất cả các lực lượng, trong đó các bác sĩ chúng tôi đã nhiều ăn cách ly cùng người bệnh để giành giật sự sống cho họ”, TS. BS Vũ Đình Phú – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chia sẻ.

TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP HCM cho rằng: “Dịch Covid-19 là lần đầu tiên trong lịch sử, trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành y Việt Nam tập trung lại hội chẩn để cùng điều trị cho các bệnh nhân. BN 91 - phi công người Anh hiện đã tự ngồi dậy và ăn uống được, các chức năng trong cơ thể dần trở lại bình thường”.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát khẳng định sự tự hào là người Việt Nam trong chương trình.

Tại chương trình, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát là thành viên tích cực đóng góp vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 chia sẻ: “Để có được ngày hôm nay, là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các lực lượng, đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn đến các lực lượng tuyến đầu như bác sĩ, lực lượng vũ trang, nhà báo...đã chấp nhận đương đầu những hiểm nguy, chiến đấu mạnh mẽ góp phần vào thành công chung của đất nước. Rất nhiều bạn bè của chúng tôi trên thế giới đã gọi điện, đánh giá rất cao và nói Việt Nam là hình mẫu tuyệt vời trong chống dịch. Điều này thể hiện tinh thần dân tộc Việt, đồng tâm hợp lực của cả dân tộc, đã làm được những điều mà các nước trên thế giới phải nể phục và tôi vô cùng tự hào là người Việt Nam”.

Ca sỹ Tùng Dương trình diễn trong chương trình “Tự hào Việt Nam“.

Cũng trong chương trình, các ca sỹ Tùng Dương, Việt Tú, NSƯT Diệu Hương....và các nghệ sỹ Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã thể hiện một số ca khúc ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam mới ra đời trong thời gian qua..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên