Hát cho đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
VOV.VN - Âm hưởng của bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” trầm bổng. Câu hát vừa dứt, những cựu binh Trường Sơn nước mắt dâng trào...
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm tại khu đồi Bến Tắt, trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn trở thành nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên khắp nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, những người lính Bộ đội Trường Sơn năm xưa lại trở về bên đồng đội, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Giọng ca cất lên giữa hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ lung linh ánh nến trong đêm thắp nến tri ân. Âm hưởng của bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” trầm bổng, quyện vào làn khói hương lan tỏa khắp nghĩa trang. Câu hát vừa dứt, những cựu binh Trường Sơn nước mắt dâng trào.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 1 vạn anh hùng liệt sĩ. |
Bà Nguyễn Thị Đức Minh, cựu thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn kể, năm nào cũng vậy, bà cùng các đồng đội cũng về đây, dâng hương, thắp nến, rồi ở lại hát cho các anh nghe. Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà cùng các đồng đội đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Nhiều người an nghỉ vĩnh hằng khi mãi mãi ở tuổi thanh xuân. Năm xưa, những câu hát mộc mạc, không cần đến đàn sáo đã lan tỏa khắp núi rừng Trường Sơn, xua đi mệt mỏi, động viên tinh thần các cán bộ chiến sĩ ta trên con đường huyền thoại.
Tâm nguyện của bà Nguyễn Thị Đức Minh là làm sao lời ca tiếng hát của mình đến được với đồng đội đang yên nghỉ dưới tầng đất sâu, an ủi vỗ về linh hồn các anh.
“Rất xúc động khi lúc này đứng trước các chiến sĩ ta, dù người còn người mất. Như chúng tôi là những người còn sống thì hát cho những người đã mất nghe, để nghe những âm thanh, xoa dịu những gì mà cuộc chiến tranh đã đi qua để lại những vết thương. Chúng tôi bằng lời ca tiếng hát để hát lên cho các đồng đội ta nghe, dù không có người nhưng linh hồn các đồng chí sẽ nghe và cảm nhận tất cả những gì của những người từng chiến đấu trên Trường Sơn”, bà Nguyễn Thị Đức Minh chia sẻ.
Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. |
Những buổi chiều tháng 5 này, tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Trên các phần mộ, hoa tươi quyện cùng khói hương thật ấm áp. Thỉnh thoảng lại có vài người đi từng phần mộ nhặt những nhánh hoa đã khô, thay vào đó những cành hoa tươi, thắp hương, châm nến lên các mộ phần.
Lặng lẽ cuối góc nghĩa trang, bà Nguyễn Thị Đào, cựu chiến binh Trường Sơn đứng nhìn thật lâu tấm bia mộ đồng đội của mình. Rồi bà ngồi xuống cạnh mộ, thì thầm gì đó rồi ngân nga một đoạn bài hát.
Bà Đào kể, trong những năm tháng ác liệt trên tuyến lửa Trường Sơn, bà và đồng đội kề vai sát cánh, ngày đêm thông đường đảm bảo cho những chuyến hàng chi viện vào miền Nam được thông suốt. Ngày đó, đường Trường Sơn bom cày đạn xới, khói lửa triền miên. Đi vào Trường Sơn là trao cả tuổi thanh xuân ở đó để trở thành những người con quyết tử vì non sông. Lá thư nào gửi về nhà cũng có thể là lá thư cuối cùng. Nhưng chính nhờ những lời ca tiếng hát của đồng đội khi bên nhau đã lấn át đi tiếng bom, động viên nhau quên đi nỗi sợ hãi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rồi đồng đội bà bị trúng bom, ngã xuống khi mãi mãi tuổi xuân.
Bà Đào nói rằng, đêm nào bà cũng hát cho bạn mình nghe, giờ đồng đội nằm lại nơi đây chắc rất muốn được nghe hát. Vì thế mỗi lần đến đây, bà đều cất lên tiếng hát bên mộ phần của đồng đội: “Không khí trong lúc hát cho đồng đội tôi nghe thấy bình yên, sâu lắng và chứa đựng cảm xúc nghẹn ngào. Lần nào cũng vậy, mình không thể cất lên nổi những câu hát cuối cùng trước đồng đội, nước mắt tuôn trào, trong lòng thổn thức, rất thương xót những đồng chí, đồng đội đã mất mát, cống hiến trọn đời mình vì tuổi thanh xuân để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc... . Những bài hát, câu hát chứa đựng những tâm trạng không thể tả được. Một điều vinh dự nhất, tự hào nhất đó là mang lời ca tiếng hát để sưởi ấm cho đồng chí, đồng đội mình”.
Thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. |
Những ngày này, cả nước hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn và Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, nhiều chương trình tri ân về nguồn đã được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Trong đêm tổ chức chương trình “Viết tiếp bản hùng ca Trường Sơn”, những người lính năm xưa gọn gàng quân phục, trở về bên đồng đội đang yên nghỉ ở nghĩa trang. Những bài ca đi cùng năm tháng trên tuyến lửa Trường Sơn thêm lần nữa lại được cất lên, họ hát cho những người đã nằm xuống, hát cho những thế hệ đi sau tự hào về quá khứ hào hùng của cha anh ngày trước. Cựu chiến binh Trường Sơn Thái Xuân Cừ cho biết, anh em, đồng đội của ông phần lớn nằm lại ở nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Nhưng cũng còn rất nhiều anh em còn nằm lại đâu đó, thân xác họ đã hóa vào cành cây, ngọn cỏ, con suối của núi rừng Trường Sơn.
“Mỗi lần về thăm lại, đi qua những địa điểm quen thuộc trên đường Trường Sơn, thì thấy nhớ anh em, thương anh em, xúc động vì sự hy sinh của các anh em. Cầu nguyện cho các đồng đội dưới suối vàng được yên nghỉ, hứa với anh em rằng chúng tôi sẽ cố gắng tích cực để cho truyền thống bộ đội Trường Sơn mãi mãi tồn tại với lịch sử dân tộc”, ông Sơn Thái Xuân Cừ tâm sự.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hôm nay trở thành địa chỉ đỏ cách mạng, là biểu tượng sáng ngời của sự hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây nhưng dấu chân của các anh vẫn còn in đậm trên những con đường Trường Sơn huyền thoại./.
“Viết tiếp bản hùng ca Trường Sơn” tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn