Hệ lụy từ di cư tự do và hôn nhân ngoài giá thú khu vực biên giới
VOV.VN - Tại 18 xã thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang xảy ra tình trạng di cư tự do và hôn nhân ngoài giá thú.
Nhiều cặp vợ chồng mới được làm giấy đăng ký kết hôn khi con cái đã lớn.
Tại bản A Dơi Đớ, rất nhiều trường hợp lâm vào tình cảnh không giấy tờ tùy thân, di cư tự do và hôn nhân ngoài giá thú. Đa số người dân ở đây đều mong được nhập quốc tịch Việt Nam.
Theo thống kê, bản A Dơi Đớ có 81 cặp vợ chồng kết hôn có yếu tố nước ngoài, 34 hộ với 173 nhân khẩu là người di cư tự do.
Ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị cho biết, không chỉ riêng xã A Dơi, mà trên địa bàn xã A Vao, tình trạng hôn nhân ngoài giá thú và di cư tự do xảy ra rất phổ biến.
Bà Ly Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Đắk Rông cho biết, hiện nay, việc xử lý tình trạng kết hôn ngoài giá thú và di cư tự do tại các khu vực biên giới đang gặp nhiều khó khăn.
"Trước hết, chúng tôi cho rà soát để tổng hợp lại các hộ mà hiện nay đang di cư, cũng như một số hộ đã kết hôn ngoài giá thú đang sinh sống trên địa bàn huyện Đắk Rông. Nắm bắt thêm tâm tư nguyện vọng của các đối tượng này xem thử họ có nhu cầu, nguyện vọng gì. Việc thực hiện hỗ trợ các chính sách của chính phủ Việt Nam đối với các đối tượng này cũng rất khó để thực hiện", bà Vân cho hay.
Hiện nay, tại 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đắk Rông của tỉnh Quảng Trị còn 314 trường hợp kết hôn không giá thú, 108 hộ với 520 nhân khẩu di cư tự do.
Ông Hoàng Kỳ, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho biết, tình trạng kết hôn không giá thú, di cư tự do xảy ra phổ biến ở xã A Dơi, huyện Hướng Hoá và ở xã A Vao, huyện Đakrông, gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu của địa phương.
"Hiện nay Sở Tư pháp đang làm các trình tự thủ tục, cố gắng để cho họ kết hôn trên cơ sở các thỏa thuận mà Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký kết. Căn cứ vào pháp luật Việt Nam thì chúng tôi đã khai sinh cho một số trẻ có thời gian định cư theo quy định của pháp luật. Hiện nay, một số còn lại di cư sau năm 2000 thì chúng tôi đang cố gắng thống kê để có cơ sở báo cáo với Bộ Tư pháp trình Chính phủ giải quyết vấn đề về quốc tịch dọc biên giới của 18 xã thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông", ông Kỳ cho biết./.
Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai
Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”