Hệ lụy từ “thi đua” nâng cấp trường trung cấp, cao đẳng lên đại học

VOV.VN -Tình trạng các trường trung cấp, cao đẳng ồ ạt nâng cấp lên đại học đã khiến việc đào tạo mất cân đối, chất lượng không đáp ứng yêu cầu xã hội.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 6/2016, tổng số các trường ĐH, CĐ trong cả nước là 433, trong đó, số trường công lập là 347 trường, số trường ngoài công lập là 86 trường. Từ năm 2007 đến nay, số trường trung cấp được nâng cấp lên cao đẳng là 59 trường, số trường CĐ được nâng cấp lên ĐH là 49 trường.

Nâng cấp để rồi “thoi thóp”

Do tâm lý chuộng bằng cấp nên khoảng 10 năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam đã xảy ra hiện tượng nhiều trường TC, CĐ sau vài năm thành lập đã đua nhau lập đề án xin nâng cấp thành trường CĐ, ĐH. Tuy nhiên, nhiều trường khi được nâng cấp có những ngành nghề không đúng với năng lực đào tạo, các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... không đảm bảo chất lượng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến.

Theo GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu các trường CĐ phát triển dựa trên nhu cầu cụ thể và đủ điều kiện lên ĐH thì rất tốt, nhưng chỉ được vài trường như vậy. Việc nâng cấp đã trở thành phong trào, có hàng chục trường chỉ trong vài năm bằng mọi cách để nâng cấp từ CĐ lên ĐH.

Nhiều trường trung cấp “nhoi” lên CĐ, rồi lên ĐH chỉ trong vài năm. Như vậy, chúng ta bị mất một trường cao đẳng tốt để nhận lại một trường ĐH tồi là rất dở.

GS Đào Trọng Thi lấy ví dụ, các trường CĐ Sư phạm thuộc tỉnh trước đây là nòng cốt trong đào tạo giáo viên THCS trở xuống, nhưng giờ nâng cấp thành ĐH chuyên đào tạo giáo viên THPT thì chất lượng kém.

Một vị lãnh đạo Hiệp hội trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, trong một nền kinh tế nào cũng cần nhân lực ở tất cả các trình độ khác nhau. Sự đóng góp của các trường chính là ở chất lượng nguồn nhân lực mà họ đào tạo ra.

Ví dụ ở Bang Cali (Mỹ), trong quy định kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục khẳng định các trường CĐ, ĐH công lập được chia làm 3 loại trường và mỗi trường đều có sứ mệnh riêng (ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng và trường đào tạo đa ngành, dạy nghề).

Cả trăm năm nay các trường vẫn giữ nguyên sứ mệnh của mình và số lượng các trường không thay đổi đáng kể. Ngược lại, ở nước ta chỉ trong vòng chục năm có cả trăm trường TC, CĐ đua nhau chạy lên xin cơ quan quản lý để nâng cấp lên ĐH.

Có thể thấy, tình trạng các trường ồ ạt nâng cấp trước hết là do tâm lý của lãnh đạo các trường muốn có vị thế cao hơn, “oai hơn”; mặt khác có thể đào tạo đa cấp, tuyển sinh được nhiều đối tượng người học hơn. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng muốn địa phương mình có nhiều trường ĐH, CĐ để không thua kém các tỉnh khác.

Ở một khía cạnh khác cũng cần thấy rằng, với tâm lý chuộng bằng cấp, phụ huynh và học sinh đều muốn có một tấm bằng cao hơn mà ít quan tâm đến năng lực của mình cũng như khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Dễ thấy, nhiều trường ĐH địa phương được nâng cấp từ các trường CĐ, CĐ Sư phạm, có tuổi đời cả chục năm nhưng vẫn đang trong tình trạng “thoi thóp” vì tuyển sinh, dù đã lấy điểm chạm đáy.

Mất cân đối cơ cấu nguồn lực, thất nghiệp nhiều

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) thẳng thắn chỉ ra: Việc hàng loạt trường trung cấp nâng cấp lên CĐ, ĐH trong khi chất lượng đào tạo không đảm bảo đã khiến hàng trăm nghìn cử nhân không có việc làm.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học. (Ảnh: Lao động)

Hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang rối việc phân tầng sứ mệnh cho các trường và các trường cũng không rõ sứ mệnh của mình.

Ví dụ, Trường ĐH nghiên cứu khoa học thì hoạt động nghiên cứu phải mạnh hơn đào tạo và chủ yếu chỉ đào tạo sau đại học. Trong hệ thống ĐH không có ĐH nghiên cứu, bởi các trường ĐH này vẫn chủ yếu là hoạt động đào tạo, còn nghiên cứu khoa học chỉ để “trang sức”.

Nếu đã là ĐHQG làm sao có thể gọi là ĐH nghiên cứu khi mà họ đào tạo kiểu thượng vàng hạ cám. Ví dụ, ĐHQG TP HCM không chỉ đào tạo ĐH mà còn hạ xuống cả CĐ.  Hay các trường CĐ chỉ nên  đào tạo trình độ trung thôi chứ không phải cứ “nhăm nhăm” nhảy lên trình độ ĐH, đào tạo cả tiến sĩ, lấn sang cả chức năng của ĐH nghiên cứu. Hậu quả là hệ thống nhân lực đào tạo ra không có chất lượng và rối loạn. Với nguồn nhân lực lộn xộn, tạp nham sao có thể đưa kinh tế - xã hội đất nước phát triển được và sinh viên ra trường sẽ càng thất nghiệp nhiều. 

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta chạy đua nâng cấp, thành lập trường một cách ồ ạt và đã bỏ qua các điều kiện đảm bảo chất lượng, như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Và rồi, những trường thiếu thốn những điều kiện đảm bảo chất lượng được cấp chỉ tiêu, tuyển sinh ồ ạt nên việc đào tạo không có chất lượng là điều tất yếu. Không chỉ vậy, việc tuyển sinh, đào tạo lại không gắn với nhu cầu thực tế nên mới có tình trạng chỉ tiêu nhiều nhưng không có người học, hoặc sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.

Vì thế, các trường phải công khai minh bạch về điều kiện đảm bảo chất lượng, về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và Nhà nước cần huy động lực lượng xã hội tham gia giám sát. TS. Khuyến đề xuất: “Nhiệm vụ phân tầng là của cơ quan quản lý Nhà nước, phải làm sao để có cơ cấu nhân lực cân đối, hài hòa có chất lượng trên bức tranh tổng thể. Phân tầng chính là giúp các trường xác định sứ mệnh mục tiêu đào tạo, chứ không nên hiểu là phân tầng cao thấp, cố lên ĐH để cho oai. Điều đầu tiên là cơ quan quản lý Nhà nước phải quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để các trường dựa vào đó xác định đúng sứ mệnh phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

VOV.VN - Dự thảo Thông tư Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế

Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

VOV.VN - Dự thảo Thông tư Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế

Ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học
Ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học

VOV.VN - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học

Ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học

VOV.VN - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học
Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học

VOV.VN - Sáng nay (18/10), tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. 

Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học

Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học

VOV.VN - Sáng nay (18/10), tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.