NSƯT Phú Đôn: “Bà xã luôn tạo điều kiện tối đa để tôi thảnh thơi làm nghề”
VOV.VN - NSƯT Phú Đôn đã có chia sẻ với phóng viên VOV về vai diễn trong phim “Tết ở làng Địa Ngục” do K+ đầu tư sản xuất. Đây cũng là phim kinh dị đầu tiên mà ông tham gia trong hơn 40 năm diễn xuất đang nhận được sự yêu thích của khán giả.
Trời ban cho gương mặt lam lũ cùng dáng người nhỏ nhắn nên NSƯT Phú Đôn thường xuyên được giao dạng vai bần hàn, khổ sở. Cũng vì thế, biệt danh “Người đàn ông khổ nhất màn ảnh Việt” đã gắn liền với người nghệ sĩ này từ bao giờ. Ở tuổi 63, dù đã nghỉ hưu nhưng lửa nhiệt huyết vẫn cháy bỏng trong người của nam nghệ sĩ Phú Đôn.
NSƯT Phú Đôn đã có chia sẻ với phóng viên VOV về vai diễn trong phim “Tết ở làng Địa Ngục” do K+ đầu tư sản xuất. Đây cũng là phim kinh dị đầu tiên mà ông tham gia trong hơn 40 năm diễn xuất đang nhận được sự yêu thích của khán giả.
Danh xưng “khổ nhất màn ảnh Việt” sẽ còn gắn với tôi lâu dài
PV: Lần đầu tiên hóa thân vào nhân vật trong phim kinh dị, ông có những trải nghiệm gì thú vị và có nhiều khó khăn khi thủ vai không?
NSƯT Phú Đôn: Quả thật, khi bắt tay thực hiện bộ phim, những khó khăn mới bắt đầu hiện hình và tôi cũng cảm thấy bất ngờ.
Thứ nhất là việc quay bối cảnh trên vùng cao Hà Giang, chắc chắn điều kiện sinh hoạt vất vả, khó khăn hơn. Đi hết đường ô tô, tôi được các bạn người Mông chở lên bối cảnh bằng xe máy. Lúc đó, không cẩn thận là rơi ra ngoài ngay. Cảm giác hơi đáng sợ và nguy hiểm khi bản thân đang cheo leo ở nơi hoang sơ, có độ cao quá lớn, tầm nhìn bị sương mù giới hạn còn vài mét.
Thứ hai, thời tiết chỉ trên 1 độ hoặc 2-3 độ. Cũng rất may khi đoàn làm phim đã tổ chức cho các nghệ sĩ chính lên bối cảnh trước ba ngày để làm quen, chứ lên mà bắt tay vào công việc ngay, không biết tâm lý tôi sẽ ra sao.
Nhưng được ba ngày làm quen bối cảnh, thời tiết và làm quen nhau, cuối cùng mọi thứ cũng suôn sẻ.
PV: Ngoài thời tiết khắc nghiệt của Hà Giang, việc hóa trang và làm chân què cũng khiến ông gặp nhiều khó khăn?
NSƯT Phú Đôn: Khi chính thức nhận vai, đạo diễn có dặn tôi, tất cả râu tóc và móng tay dài được bao nhiêu, cứ để nó tự do, đừng chỉnh sửa. Ngoài ra, bản thân tôi dù gầy sẵn rồi nhưng tôi nghĩ rằng, khi đã hóa thân thành ăn mày, khuôn mặt càng gầy gò càng tốt. Tôi cố gắng thức khuya, ngủ ít đi để gương mặt trở nên hốc hác hơn.
Khi nhập vai lão què, trong quá trình quay, nguyên ngày tôi không được rửa mặt, không được rửa tay, ăn uống xong chỉ dùng khăn ướt lau đúng môi thôi, còn đâu phải giữ nguyên.
Việc di chuyển rất khó khăn vì phải giấu đôi chân, chỉ để lộ hai đầu gối nên chân lúc nào cũng phải gập sát người, khi ngồi phải ngồi lên chân, lúc đi phải quắp sát chân lên. Tuy nhiên toàn bộ ê kíp hóa trang, phục trang, các bạn trợ lý, đạo diễn và các bạn diễn đều hỗ trợ tôi rất nhiều.
PV: NSƯT Chiều Xuân chia sẻ khi nhận lời tham gia bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục”, chị đã bắt xe lên đoàn phim ngay trong đêm. Còn bản thân NSƯT Phú Đôn quyết “bán linh hồn” cho đạo diễn Trần Hữu Tấn. Những ngày quay phim ở Hà Giang, có kỷ niệm nào khiến ông nhớ mãi?
NSƯT Phú Đôn: Khi thực hiện dự án phim này, có rất nhiều kỷ niệm để lại trong tôi. Nói hơi văn vẻ một chút, qua dự án này, tôi tự nhiên thấy yêu phong cảnh, yêu quê hương, đất nước mình.
Tôi yêu quý con người ở bối cảnh ấy. Những con người ở đó đáng yêu vô cùng, hiền lành, chất phác. Trong quá trình sinh hoạt, họ chào hỏi, mời nhau chén rượu, ăn uống, tự nhiên tôi thấy thân thương và yêu quý quá.
Tôi làm biết bao nhiêu phim rồi nhưng có lẽ đây là phim đầu tiên mà kỷ niệm đáng nhớ của tôi là tình cảm của những người làm nghề với nhau. Suốt hai tháng trời gắn bó, ăn một chỗ, ở một chỗ, làm việc cùng một chỗ nên tất cả các diễn viên đều coi nhau là người thân ruột thịt.
PV: Sau rất nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ đã được khán giả nhớ tới và ưu ái đặt cho biệt danh “Người đàn ông khổ nhất màn ảnh Việt”. Ông suy nghĩ như thế nào về danh xưng này?
NSƯT Phú Đôn: Đó là một cách đặt tên hóm hỉnh mà tôi cũng thấy rất thú vị vì nhờ đó nhiều người biết đến tôi hơn. Nó dường như là một thương hiệu, tôi thấy tự hào chứ.
Hầu hết các phim tôi được mời, theo một cách vô tình hay hữu ý, nhân vật của tôi đều nằm trong thể trạng đó, từ người vất vả khổ sở như nông dân, xe ôm, người lao động, người có hoàn cảnh về tâm lý, về tinh thần chứ không hẳn là chỉ khổ về vật chất.
Nói về chuyện làm xấu, làm già đúng thật đó là truyền thống của tôi. Khi nhận lời làm phim, thường các bạn hỏi tôi có già hơn được một tí không, có xấu hơn được một tí không mà trong khi đó bản thân tôi đã vừa già vừa xấu rồi.
Đối với những nghề khác, họ có phương tiện riêng nhưng đối với người nghệ sĩ chỉ có bản thân là phương tiện biểu hiện thôi. Vì vậy làm xấu, làm già chính bản thân cũng chính là tôi đang làm đẹp cho nhân vật, để phù hợp với hoàn cảnh, với câu chuyện phim.
Về thương hiệu đấy, có lẽ sẽ phải gắn với tôi còn lâu dài. Tôi cũng phải cố gắng gìn giữ để khi lên phim hay sân khấu có những vai diễn đó là họ nhớ ngay đến tôi.
Đương nhiên trong cuộc sống bình thường không ai muốn những chuyện đó cả, còn đây là chuyện nghề nghiệp, thôi mặc kệ nó.
PV: Là diễn viên, ai cũng muốn hóa thân thành nhiều dạng vai. Vậy việc đóng đinh vào một dạng nhân vật khắc khổ, ông có sợ mình bị nhàm chán không?
NSƯT Phú Đôn: Diễn viên mà đóng đinh vào một loại vai, đấy là một hạn hẹp. Nhưng ngược lại, chẳng vai nào giống vai nào cả, đấy chỉ là hình thức thôi. Còn bản chất của từng nhân vật gắn vào câu chuyện phim lại không hề giống nhau. Mỗi bộ phim phải khai thác một kiểu, chứ không phải cứ bê nguyên từ phim này sang phim kia. Vấn đề ở đây là tâm lý nhân vật. Còn mỗi phim lại tạo hình một kiểu, chứ không phải phim nào cũng giống nhau.
Bà xã luôn tạo điều kiện tối đa để tôi thảnh thơi làm nghề
PV: Quay trở lại đóng phim sau 1 khoảng thời gian vắng bóng trên màn ảnh, cảm xúc của ông như thế nào?
NSƯT Phú Đôn: Tôi nghỉ ngơi cũng khá lâu đấy, vì thời gian đó cũng chỉ nhận một vài vai không mấy ấn tượng, những vai phụ, vai ngắn thôi. Còn đối với vai chính dài hơi chắc cũng phải 4 năm rồi.
Khi về hưu, tôi thấy rất thoải mái vì tôi vất vả, lăn lộn cả đời rồi.
Người nghệ sĩ lâu lâu làm một chút cũng vui, lâu quá không làm lại thấy buồn thật. Nhưng làm nhiều quá một lúc hoặc trong thời gian ngắn làm quá nhiều công việc mà điều kiện sức khỏe của nghệ sĩ không đơn thuần một chiều đâu, là sức khỏe về thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần nữa. Cho nên, vừa chơi, vừa làm nghề, gọi là chơi nghề thích nhất.
PV: Trong phim, nghệ sĩ thường đóng những vai diễn khắc khổ. Vậy ngoài đời, cuộc sống của ông như thế nào?
NSƯT Phú Đôn: Thực ra giữa cuộc đời với hình tượng trong phim chẳng giống nhau đâu. Ở ngoài, tôi không đến nỗi vất vả như ở trong phim, chỉ là hình hài của tôi nó khắc khổ vậy. Trong phim tôi phải tuân theo kịch bản, theo trình tự bị áp đặt phải như thế.
Tôi cứ quan niệm là thiên 50 và nhân 50. Lẽ ra mình khổ 7, mình khắc phục còn 5 thôi. Tôi nghĩ nó cũng là sự cân bằng.
PV: Công việc trong gia đình ông sắp xếp như thế nào khi lâu rồi mới quay trở lại đóng phim mà phải xa nhà trong khoảng thời gian 2 tháng?
NSƯT Phú Đôn: Khi đã xa gia đình để đi làm phim, tôi phải tạm dừng hết công việc và bà xã ở nhà chăm lo hết. Bà xã nói công việc của anh, anh cứ đi, còn việc ở nhà đều có thể thu xếp được. Cô ấy luôn tạo điều kiện tối đa để tôi thảnh thơi làm nghề.
Ở trên bối cảnh vùng cao, có muốn gọi điện thoại làm phiền tôi cũng không được vì đâu có sóng đâu.
PV: Gia đình ông phản ứng ra sao khi thấy tạo hình đáng sợ của ông trong phim?
NSƯT Phú Đôn: Gia đình tôi rất háo hức xem phim. Mặc dù, lúc bình thường ở nhà trẻ con ở nhà cũng không xem phim nhưng khi tôi khoe ảnh chụp ở bối cảnh, hóa trang, kể cả hình ảnh khi hóa sói đã khiến vợ và các con thấy khác lạ so với các phim khác.
Trước đấy, khi phim bắt đầu tung poster, trailer mọi người cũng xem và ấn tượng về phim nên đều dành thời gian xem. Rất may là thời gian phát sóng cũng vào lúc ăn tối nên mọi người đều có thể cùng nhau xem.
Phản ứng mọi người trong nhà cũng rất đáng yêu. Bọn trẻ con bảo “Bố tởm thế”, vợ bảo “Ui dồi ôi, trông kinh chết đi được, làm gì tử tế hơn sao không làm, mà làm như này phát khiếp”. Tôi thấy rất đáng yêu và là sự ủng hộ đối với tôi, chứ nếu hắt hủi sẽ thái độ khác ngay.
PV: Khoảng cách tuổi của ông và các con cũng khá lớn. Vậy có ảnh hưởng gì trong việc dạy dỗ và chơi cùng các con không ạ?
NSƯT Phú Đôn: Tôi đều có cách hết. Khi có con ở độ tuổi già sẽ chiều và nhịn con hơn. Trải qua bao nhiêu năm cuộc đời, chữ nhẫn của tôi cũng lớn lắm rồi nên phản ứng của tôi đối với con cái khi ương tính, tôi nhịn khá tốt.
Thường thì khoảng cách tuổi tác dài sẽ không hợp nhưng tôi cố gắng khắc phục vì tôi nghĩ một điều rất đơn giản - tuổi trẻ nó phải thế. Mỗi độ tuổi đều có một phong cách khác, một lối sống khác. Vậy làm sao tôi lại phải làm khác đi, cứ kệ nó. Nhưng trên hết, chúng là con tôi, cháu tôi thì tôi yêu quý và dễ dàng khắc phục rào cản đó.
Người già bao giờ cũng khó tính, kỹ tính hơn nhưng tôi phải có phương pháp giải tỏa tâm lý vì nghề nghệ sĩ là nghề chuyên nghiên cứu tâm lý. Vì thế, khi hiểu được vấn đề, tôi sẽ bước qua được. Còn nếu tôi không bước qua được thì tôi sẽ trở thành người cổ hủ mất.
PV: Xin cảm ơn NSƯT Phú Đôn!