Học sinh cả nước nô nức khai giảng năm học mới 2019 - 2020
VOV.VN - Sáng 5/9, đồng loạt các trường trên cả nước tổ chức khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
ĐBSCL chọn điểm bứt phá, tạo bước chuyển biến trong năm học mới
Sáng 5/9, cùng với cả nước, các địa phương vùng ĐBSCL đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020, trong thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa trang thiết bị, trường lớp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh trống khai giảng năm học mới. |
Trong không khí náo nức, phấn khởi bước vào năm học mới, sáng nay 5/9, thầy và trò Trường THPT Tháp Mười, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vui mừng được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội đến chúc mừng và chung vui trong buổi lễ khai giảng.
Chủ tịch Quốc hội đã gửi lời chúc mừng tới các em học sinh: Các cháu hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê. Được học dưới một ngôi trường có bề dày thành tích trong đấu tranh, rèn luyện và học tập, các cháu hãy thắp tiếp ngọn lửa truyền thống học tập say mê, rèn luyện đạo đức và lối sống tốt để phục vụ nhu cầu của chính bản thân mình, giúp đỡ cho gia đình, trang bị cho mình hành trang đầu đời để trở thành những công dân có ích cho quê hương, cho đất nước…
Trường THPT Tháp Mười, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) nằm trên địa bàn vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp. Từ khi trở thành trường THPT chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp vào năm 2004, trường được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhiều giáo viên được bồi dưỡng đạt và vượt chuẩn. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được giữ vững, không những duy trì thành tích dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp về tỷ lệ tốt nghiệp mà còn tiến một bước dài trong việc nâng tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh vào đại học, cao đẳng.
Trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Tháp, năm học mới này, hơn 320.000 học sinh các cấp bậc học chính thức khai giảng năm học mới. Trong lễ khai giảng năm nay, Sở GDDT tỉnh Đồng Tháp cũng đã kêu gọi các trường nói không với việc thả bóng bay trong lễ khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo mong muốn toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý, các bậc cha mẹ học sinh và học sinh cùng nhau chuyển đổi nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường.
Tại tỉnh Tiền Giang năm học này có 565 cơ sở giáo dục Mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh, với trên 347 ngàn học sinh sẽ đồng loạt bước vào khai giảng năm học mới. Trong đó hơn 55.200 trẻ em mẫu giáo, hơn 137.100 học sinh tiểu học, trên 102.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo Sở GD&ĐT, năm nay Tiền Giang đã huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%, từ 80-90 % học sinh trung học cơ sở THCS THPT. Năm học mới này tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả ở các cấp học thông qua việc bồi dưỡng nâng chất đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các cơ sở giáo dục.
Gần 245.000 học sinh Cần Thơ dự khai giảng. |
Tại thành phố Cần Thơ, sáng nay, 462 trường học với gần 245.000 học sinh từ bậc mầm non đến Trung học Phổ thông vui mừng dự lễ Khai giảng trong không khí vui tươi, phấn khởi. Đến dự khai giảng tại Trường Trung học phổ thông Phan Ngọc Hiển, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, năm học 2019 - 2020 địa phương sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, làm việc theo nhóm, đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
"Những điều kiện đã được chuẩn bị đầy đủ nhất cho khai giảng năm học mới. Chúng tôi đã huy động các lực lượng cùng tham gia trong phát triển giáo dục của thành phố trong năm học này; có những kế hoạch cụ thể để làm sao sự hỗ trợ đó của các lực lượng trong xã hội cùng tham gia với các hoạt động giáo dục, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho thành phố trong đầu tư phát triển giáo dục trong năm học 2019 – 2020, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện cho đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông", bà Trần Hồng Thắm cho biết.
Chuẩn bị cho năm học mới tỉnh Hậu Giang đã đầu tư xây mới và sữa chữa nâng cấp nhiều trường. |
Tại tỉnh Hậu Giang, trong năm học mới này, toàn tỉnh có 332 trường từ mầm non đến THPT với tổng số học sinh dự kiến huy động hơn 158.700 em. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, nề nếp, giáo dục học sinh sự trung thực, thầy giáo, cô giáo phải trung thực trong thực hiện các quy định của ngành, kiên định quá trình đổi mới, làm cho xã hội có niềm tin đối với giáo dục. Đồng thời, chọn điểm bứt phá, tạo bước chuyển biến trong năm học mới, tập trung vào chủ đề năm học 2019-2020 là “Dạy người”.
Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tiến hành rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất để nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các điểm trường, các phòng học... bị hư hỏng. Để đáp ứng đủ số lượng giáo viên tại các trường cho năm học mới này, ngành đã tiến hành rà soát biên chế tất cả các trường, sắp xếp, luân chuyển giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, đồng thời vận động hỗ trợ quà, tập cho học sinh nghèo đầu năm học.
Trong những ngày qua, ngành giáo dục tỉnh đã vận động được hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ tập, sách cho học sinh nghèo trong tỉnh. Hiện công tác vận động từ các ngành, các cấp, mạnh thường quân để chung tay xây dựng, sửa chữa trường lớp, chăm lo học sinh nghèo đang được toàn ngành phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện.
Ông Trần Không Dận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết: "Hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục vận động từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp cho huyện. Các nguồn vận động được chúng tôi tiếp cận chủ yếu đối với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo từng công tác tại huyện Phụng Hiệp có những mối tài trợ từ công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ về điều kiện cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cũng phát huy hiệu quả của Ban vận động cũng như hội phụ huynh học sinh tại các điểm trường để vận động tại trường và địa phương của mình”.
Hầu hết các trường học ở Vĩnh Long đều được đầu tư xây mới và nâng cấp trường học. |
Ngoài ngân sách của tỉnh hơn 100 tỷ đồng, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nâng cấp và mua sắm trang thiết bị dạy và học. Với số tiền này, các địa phương đã mua sắm thêm trang thiết bị học tập, xây mới hàng chục trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia năm nay của tỉnh lên hơn 240 trường, chiếm khoảng 60% tổng số trường trên địa bàn.
Nhằm tạo điều kiện tốt để các em học sinh nghèo đến trường, mấy ngày qua, các cấp các ngành đoàn thể trong tỉnh Vĩnh Long đã vận động được hàng chục ngàn suất học bổng để tặng cho các em nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Học bổng gồm có tiền mặt sách vở, quần áo. Nhiều suất học bổng còn có cả xe đạp để tặng cho các em học sinh nghèo.
Ông Phạm Văn Hồng, Phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Long cho biết sau ngày khai giảng các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức các đợt phát học bổng cho các em nghèo. "Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho hội khuyến học và ngành giáo dục và đào tạo để tiếp tục cấp học bổng cho các em nghèo trong năm học mới. Hệ thống hội khuyến học trong tỉnh đã thực hiện rất tốt công việc này, không để học sinh bỏ học vì khó khăn trong năm học này". (Nhóm phóng viên/VOV/ĐBSCL)
Học sinh vùng rốn lũ Đắk Lắk nô nức khai giảng năm học mới
Ngay từ sáng sớm, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh nhiều học sinh trong trang phục mới tinh tươm với cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu nô nức đến các trường dự khai giảng.
Học sinh vùng lũ ở huyện biên giới Ea Súp nô nức dự khai giảng năm học mới 2019-2020. |
Em Vũ Thị Hồng Nhung học sinh lớp 7A1, Trường THCS Lê Quý Đôn xã Ya Tờ Mốt cho biết, trước đó, lũ đã cuốn trôi gần như toàn bộ tài sản của gia đình. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình đã được giúp đỡ dựng lại nhà cửa, hỗ trợ lương thực thực phẩm để vượt qua thiên tai. Vào dịp đầu năm học mới vừa qua, đại diện nhà trường đã đến hỗ trợ kinh phí để em tiếp tục có điều kiện đến trường.
"Năm học mới đến thầy cô đã mua sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục để em có điều kiện tiếp tục việc học. Hôm nay đến dự lễ khai giảng em rất vui vì được gặp lại bạn bè, thầy cô. Tại đây em còn được nhận học bổng bằng tiền mặt, em thấy rất vui và vinh dự. Em hứa sẽ học tập thật giỏi để không phụ lòng mọi người", em Nhung nói.
Thầy Nguyễn Văn Sơn, Phó hiệu Trưởng trường THCS Lê Quý Đôn, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp cho biết, mưa lụt đã cuốn trôi nhiều tài sản có giá trị của nhiều gia đình phụ huynh học sinh trên địa bàn. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục tới trường, ngay sau trận lụt, đại diện của trường đã tổ chức rà soát lại danh sách học sinh để có phương án hỗ trợ kịp thời. Đồng thời tổ chức triển khai công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, vất chất đầy đủ để phục vụ công tác dạy và học năm học 2019-2020.
"Trận lũ vừa qua có 48 hộ gia đình cha mẹ phụ huynh bị ngập lụt thiệt hại tài sản, chúng tôi đã lập danh sách và tới hỗ trợ các cháu sách vở, dụng cụ đồ dùng học tập và đồng phục để các em đảm bảo việc tới trường. Công tác chuẩn bị năm học mới thì ngay từ đầu năm ngành giáo dục đã hỗ trợ hoàn tất, thầy trò của trường thì tổ chức dọn vệ sinh xung quanh, tu sửa bàn ghế. Nói chung đến thời điểm này thì cơ bản hoàn tất đảm bảo việc dạy và học", thầy Sơn cho hay.
Dịp này, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã trao 25 suất học bổng, 15 xe đạp với tổng trị giá 30 triệu đồng cho các học sinh thuộc con em các gia đình phải gánh chịu hậu quả trong trật mưa lụt lịch sử vừa qua. (Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên)
Tưng bừng đón chào năm học mới ở Sơn La
Hoạt động thể thao chào mừng năm học mới của thầy trò trường Tiểu học Quyết Thắng, thành phố Sơn La. |
Bậc Giáo dục Mầm non đã tổ chức khai giảng dưới hình thức ‘‘Ngày hội đến trường của bé’’ một cách linh hoạt, sáng tạo, ngắn gọn phù hợp với đặc điểm của trẻ.
Trường Tiểu học Nà Hỳ 2 và mầm non Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) tổ chức khai giảng chung. |
Lào Cai tưng bừng khai giảng năm học mới ở vùng lũ Bản Hồ
Sáng nay (5/9), học sinh tại vùng lũ xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tham dự khai giảng trong không khí tươi vui, phấn khởi.
Học sinh đi qua cầu treo Bản Hồ đã được sửa sang trước thềm năm học mới. |
Lễ khai giảng được tổ chức ở quy mô liên cấp 3 trường học trên địa bàn xã gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, với tổng số gần 400 học sinh, chủ yếu là dân tộc Tày, Mông, Dao.
Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm ở phần lễ, tưng bừng, vui tươi ở phần hội, tạo không khí phấn khởi cho thầy và trò các nhà trường trên địa bàn xã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Vào cuối tháng 6/2019 vừa qua, trên suối Mường Hoa chảy qua địa bàn xã Bản Hồ xảy ra trận lũ quét lịch sử, quật gãy cầu treo, chia cắt hàng trăm hộ dân với trung tâm, tàn phá nặng nề nhà cửa và tài sản của hơn 20 hộ dân sinh sống hai bên suối.
Trước năm học, chính quyền địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ như huy động lực lượng, máy móc khơi thông lòng suối; sửa chữa cầu treo; các hộ dân chịu thiệt hại cũng được kịp thời hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, chăm lo cho con em đến lớp, đến trường.
Cũng trong sáng nay, hơn 200 nghìn học sinh của toàn tỉnh Lào Cai cũng có mặt tham dự Lễ khai giảng năm học mới. Năm học 2019 – 2020, quy mô trường lớp của Lào Cai giảm 11 trường, tăng trên 8.000 học sinh so với năm học trước theo định hướng tinh gọn, hiệu quả. Bước vào năm học mới, 100% nhà trường cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện dạy và học. (An Kiên/VOV - Tây Bắc).
Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, xã đảo Sinh Tồn bắt đầu bằng lời ca tiếng hát hồn nhiên, trong trẻo của những em học sinh tiểu học. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn mà không kém phần trang nghiêm, ấm áp với sự tham gia của tập thể học sinh, giáo viên nhà trường, các bậc phụ huynh, lãnh đạo, chính quyền cùng đại diện các đơn vị đóng quân trên đảo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Infornet. |
Thầy giáo Nguyễn Công Qua chia sẻ, năm học mới này, trường Tiểu học Sinh Tồn được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa quan tâm mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, sách giáo khoa…Giáo viên làm nhiệm vụ trên đảo được tạo điều kiện về đất liền tập huấn chuyên môn, để bảo đảm việc dạy các lớp ghép mầm non và tiểu học trên đảo.
“Vừa rồi tôi được nghỉ phép về đất liền, được sở GD - ĐT tỉnh Khánh Hòa tập huấn về phương pháp dạy lớp ghép cho học sinh trên đảo...”, thầy Qua nói.
Tại xã đảo Song Tử Tây, ngay từ sáng sớm ngày 5/9 các hộ dân đã đưa con em đến trường hòa vào không khí rộn ràng đón chào năm học mới. Sau nghi lễ chào cờ diễn ra trang nghiêm tại cột mốc chủ quyền, thay mặt cho chính quyền xã, Thượng tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây đã đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước và phát biểu động viên, căn dặn thầy và trò của trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt.
Trước thềm năm học 2019-2020, các lực lượng trên đảo đã cùng nhau triển khai các công việc như chỉnh trang cảnh quan, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, trang trí sân khấu để các em đón năm học mới.
Thầy Nguyễn Hữu Phú, giáo viên phụ trách trường Tiểu học Song Tử Tây cho biết:“Tôi cùng anh em giáo viên, lực lượng trên đảo, chỉ huy đảo, phụ giúp nhà trường chuẩn bị bàn ghế, vệ sinh chung quanh trường để chuẩn bị năm học mới. Phía nhà trường, phòng giáo dục huyện Trường Sa, sở giáo dục mua sắm sách vở, đồ dùng học tập quần áo, chúng tôi ngoài này chuẩn bị giáo án, các phương pháp phù hợp với lớp ghép. Chuẩn bị những đồ dùng học tập phục vụ ghép bài học giảng dạy ngoài đảo".
Tại Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, trong lễ khai giảng năm học mới, chỉ huy đảo đã tặng các phần quà cho tất cả các học sinh nhằm động viên các cháu phấn khởi, yên tâm học tập.
Theo Thầy giáo Bành Hữu Tình, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, mặc dù xa đất liền, điều kiện học tập ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành, thầy trò trường Tiểu học thị trấn Trường Sa bước vào năm học mới với khí thế vui tươi, rộn ràng.
Thầy Tình chia sẻ, ở Trường Sa không có nhiều hoạt động xã hội như trong đất liền, đó là một thiệt thòi. Bù lại, nhà trường rất quan tâm tổ chức các buổi ngoại khóa như: giáo dục kỹ năng sống trong môi trường biển, thăm quan thực tế nhà truyền thống của đảo Trường Sa, thăm quan các đơn vị bộ đội để các em hiểu hơn về truyền thống và vun đắp tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo cho các em ngay từ những ngày đầu đến lớp.
“Các điều kiện cơ sở,vật chất đảm bảo tương đối đầy đủ phục vụ điều kiện dạy học. Tuy nhiên chỉ có một số công tác phục vụ vui chơi giải trí của các cháu và những cái internet về thông tin hơi hạn chế. Trên cơ sở đó thầy trò cùng nhau khắc phục, mình sẽ giáo dục cho các cháu về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo. Qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, mình chỉ cho các cháu đi thực tế bằng cách tham quan nhà truyền thống của đảo, giáo dục cho các cháu về niềm tự hào là một công dân của đảo Trường Sa. Mình cho các cháu đi thăm quan thực tế các đơn vị bộ đội, để gần gũi với thiên nhiên, vun đắp tình yêu biển đảo”, thầy Tình nói.
Thêm một năm học mới lại đến với trẻ em trên đảo, những người thầy vượt sóng vượt gió lại càng thêm quyết tâm hơn nữa trên hành trình mở rộng cánh cổng tri thức cho những mầm non tương lai của đất nước. Hy vọng một ngày không xa, những em nhỏ này, bằng chính những kiến thức mà mình đã học được, sẽ chung tay xây dựng mảnh đất quê hương nơi đảo xa. (Hương Giang/VOV1).
Gần 150.000 học sinh Lai Châu bước vào năm học mới
Sáng nay (5/9), gần 150.000 học sinh các cấp học của tỉnh biên giới Lai Châu phấn khởi khai giảng năm học mới trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu vẫn tiếp tục tập trung cho công tác huy động học sinh ra lớp đầu năm. Ảnh: Khắc Kiên/VOV - Tây Bắc. |
Năm học 2019 - 2020, tỉnh biên giới Lai Châu có 368 trường, gần 6.000 lớp, với khoảng 150.000 học sinh. Để đảm bảo các điều kiện cho năm học mới, ngay từ giữa tháng 8 các thầy cô giáo đã có mặt ở trường để tổ chức huy động học sinh ra lớp và chuẩn bị các điều kiện vật chất như: Trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học và cơ sở vật chất, tổ chức nuôi ăn bán trú cho học sinh.
Năm học này, ngành giáo dục Lai Châu phấn đấu huy động đạt trên 99% học sinh các cấp học ra lớp, với mục tiêu tăng cường kỷ cương, nền nếp trường, lớp.
Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết, địa phương đặc biệt coi trọng việc tổ chức nuôi ăn bán trú học sinh tại các nhà trường. Vì vậy, việc huy động, duy trì sĩ số học sinh và tổ chức nuôi dưỡng học sinh đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Các hoạt động giáo dục đặc thù như: Sinh hoạt bán trú ngoài giờ lên lớp, hoạt động các câu lạc bộ sẽ được các trường đặc biệt quan tâm.
"Ngoài những biện pháp chỉ đạo chung, riêng với các trường vùng sâu, vùng xa phải nắm lấy những cơ hội, đó là sự ủng hộ của các trưởng bản, các thôn bản, vận động quyết liệt đến từng hộ gia đình để huy động học sinh ra lớp. Thứ hai là phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã, các trưởng bản để huy động đích danh từng học sinh ra lớp. Bên cạnh đó, các trường sẽ huy động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, sự đóng góp của các tổ chức ủng hộ, giúp đỡ cơ sở vật chất để các cháu không có điều kiện ra lớp tiếp tục ra lớp", ông Tuấn nói. (Khắc Kiên/VOV - Tây Bắc).
1,7 triệu học sinh TPHCM chính thức bước vào năm học mới
Cùng với cả nước, sáng nay (5/9), các trường học từ mầm non đến THPT ở TPHCM đồng loạt tổ chức khai giảng trong thời tiết mát mẻ, quang đãng. Lãnh đạo thành phố cùng dự lễ khai giảng với thầy cô giáo và các em học sinh.
Ngày hôm nay, gần 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến THPT ở TPHCM chính thức bước vào năm học mới. Trước đó, hơn 1,3 học sinh từ tiểu học đến THPT tựu trường từ ngày 19/8 để làm quen với chương trình học và nề nếp học tập.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng. |
Lễ khai giảng đều được các trường tổ chức ngắn gọn, ý nghĩa và ngay sau đó là phần hội để tạo khí thế cho năm học mới. Đặc biệt, nhà trường, phụ huynh và học sinh đều “nói không với bóng bay”, thay vào đó là hoa, chong chóng, slogan tự tạo để dùng trong lễ khai giảng xong sẽ trang trí trường lớp học.
Cô Trần Thị Ánh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10 nói: "Trường cố gắng thực hiện phần lễ ngắn nhất. Sau lễ là phần hội với các trò chơi dân gian cho các bạn chi đoàn thực hiện để các con khởi động năm học mới thật vui, là ngày hội của các con".
Năm học này, TP.HCM tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước. Để đáp ứng chỗ học thành phố đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới và thành lập thêm 4 trường THPT cùng nhiều trường tiểu học, mầm non, chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành như: Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn.
Dự lễ khai giảng tại trường THPT Lê Quý Đôn- ngôi trường 145 năm tuổi, trường học lâu đời nhất tại TPHCM- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đất nước ta, thành phố ta bước vào năm học mới với nhiều niềm tin vào tương lai đất nước, thành phố. Chúc các em một năm học mới mà khi năm học kết thúc vào giờ này là TP sắp đại hội Đảng. Chúng ta làm thật tốt để TP phát triển, đó là tương lai của các em, tương lai của TP". Minh Hạnh/VOV-TPHCM)
Hơn 400.000 học sinh Gia Lai chính thức bước vào năm học mới
Sáng 5/9, cùng với học sinh toàn quốc, hơn 400.000 học sinh các bậc học ở tỉnh Gia Lai tham dự lễ Khai giảng năm học mới 2019-2020.
Mặc dù tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai đều có mưa, nhưng đúng 7h30' phút sáng nay, lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 đã được tổ chức đồng loạt tại 772 trường mầm non và bậc phổ thông. Trong năm học này, toàn tỉnh có hơn 400.000 học sinh các bậc học, tăng hơn 6.500 học sinh. Trong đó có 45,6% là học sinh người dân tộc thiểu số.
Hơn 400.000 học sinh tại Gia Lai bước vào năm học mới 2019-2020. |
Năm nay, toàn tỉnh giảm 16 trường so với năm học trước, tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai đã bổ sung thêm 973 biên chế giáo viên và trích ngân sách hơn 60 tỷ đồng cho việc tu sửa trường lớp, mua thiết bị giảng dạy để đảm bảo chất lượng dạy và học. \
Dự lễ khai giảng tại trường PTDT bán trú Nguyễn Bá Ngọc, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, em Kpă H’ Thuý, học sinh người Jrai, lớp 6B rất vui mừng và háo hức: “Em rất vui khi dự lễ khai giảng năm học mới. Em thức dậy từ rất sớm và chuẩn bị đi khai giảng. Gia đình em đã mua cho em đầy đủ sách vở trong năm học mới. Em sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng cha mẹ”.
Cũng trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, ngành giáo dục Gia Lai đã huy động được 200 suất học bổng và 160 chiếc xe đạp dành tặng học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên toàn tỉnh./. (Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên)
239 trường học ở Quảng Bình không tổ chức khai giảng năm học mới
Ngày 5/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh có 239/588 trường học không thể tổ chức lễ khai giảng năm học mới do ảnh hưởng của mưa lũ.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đã có công văn chỉ đạo, tùy vào tình hình thực tế mưa lũ tại địa phương, các trường học trên địa bàn có thể tiến hành khai giảng bình thường hoặc phải hoãn tổ chức khai giảng nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Một số trường học, công sở ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị ngập trong nước. |
Các trường học ở Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, cùng với cả nước, gần 600 trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, hơn 2.600 học sinh tại vùng thấp trũng ở các xã Phong Bình, Phong Hòa và Phong Chương, huyện Phong Điền không thể khai giảng do ảnh hưởng lũ lụt.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn kiểm tra, đồng thời, yêu cầu các trường học ở vùng ngập lũ tuyệt đối không cho học sinh đến trường để đảm bảo an toàn. Lễ khai giảng của những trường này sẽ được dời vào ngày thứ 2, ngày 9/9 tới.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dự khai giảng năm học mới tại trường Quôc Học Huế. |
Năm học này tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 270.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ dạy tốt, học tốt; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế biết: Các trường tổ chức khai giảng gọn nhẹ, chủ yếu là hoạt động văn nghệ, thể thao cho học sinh.
"Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc rà soát cơ sở vật chất, phòng học, đảm bảo số phòng học đủ để thực hiện thay sách giáo khoa đối với lớp 1. Tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Chúng tôi triển khai tập huấn về đội ngũ, cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên giảng dạy; đổi mới phương pháp để phù hợp với đổi mới của giáo dục phổ thông. Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức để các em học sinh có điều kiện phát triển toàn diện", ông Nguyễn Tân nói. (Lê Hiếu/VOV-Miền Trung)
Các tỉnh Đông Bắc: Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường
Cùng với học sinh trong cả nước, sáng nay, hàng triệu học sinh các cấp học của Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn cũng háo hức bước vào năm học mới 2019-2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự khai giảng với thầy, trò trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng). |
Tại Hải Phòng,ông Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền). Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố Hải Phòng đã đầu tư nâng cấp, xây mới và sửa chữa hơn hàng nghìn phòng học, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho trên 310.000 học sinh các cấp.
Tại Quảng Ninh, năm học 2019-2020 có trên 310.000 học sinh các cấp, với hơn 11.000 lớp. Cùng với việc sửa chữa, cải tạo các lớp học, ngành Giáo dục đã đầu tư trên 272 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc sở GD &ĐT Quảng Ninh cho biết: "Năm học mới chúng tôi xác định là năm học bản lề để bắt đầu thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông năm sau. Với học sinh vùng khó khăn của tỉnh chúng tôi đã quan tâm chỉ đạo rà soát lại điều kiện đến trường của học sinh, đặc biệt là sự đảm bảo an toàn của học sinh với phương châm là không để học sinh nào khó khăn về kinh tế mà không được đến trường trong ngày khai giảng này".
Còn tại Bắc Kạn, trong ngày khai giảng năm học mới, gần 8.000 em học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh đã được tặng mũ bảo hiểm, món quà ý nghĩa giúp các em an toàn hơn khi đến trường. Đây là chương trình do Ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng công ty Honda Việt Nam tổ chức.
Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát về cơ sở vật chất, trường lớp phục vụ cho năm học mới, qua rà soát đã có một số trường lớp xuống cấp. Mặc dù huyện còn khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng dành một phần kinh phí chỉnh trang, tu sửa đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới".
Các em học sinh điểm trường tiểu học Chè Lì A, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng trong ngày khai giảng năm học mới. |
Tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương gần 1 triệu học sinh các cấp cũng học nô nức bước vào năm học mới 2019-2010. Theo thông tin từ các địa phương, ngày khai giảng đã diễn ra an toàn, tiết kiệm và ý nghĩa. Tinh thần chung của các tỉnh khu vực Đông Bắc là chính quyền, ngành giáo dục và nhà trường cần cố gắng đến mức cao nhất, không để bất cứ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường. (PV/VOV-Đông Bắc).
Gần 330.000 học sinh Lâm Đồng khai giảng năm học mới
Sáng 5/9, mặc dù thời tiết không thuận lợi, trời liên tục đổ mưa nhưng 713 trường học của tỉnh Lâm Đồng vẫn đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Năm học này, Lâm Đồng có gần 330.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT tăng hơn 5.700 học sinh so với năm học trước. Để đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học, ngành giáo dục Lâm Đồng đã kịp thời mua sắm các trang thiết bị, tu sửa, xây mới và đưa vào sử dụng trên 670 phòng học, cùng nhiều phòng chức năng và công trình hạ tầng, với tổng kinh phí khoảng 840 tỷ đồng. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được ngành chú trọng.
Học sinh trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng dự Lễ khai giảng năm học mới. |
Cô giáo Phạm Thị Hồng-Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng cho biết, cùng với việc đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, năm học này, các trang thiết bị và cơ sở vật chất đã chủ động được tu sửa, nâng cấp nên các điều kiện dạy và học của nhà trường đã cơ bản được đáp ứng tốt.
“Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh có hơn 99% con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn nên công tác giảng dạy của nhà trường gặp một số khó khăn. Tuy nhiên nhà trường bằng các biện pháp mỗi thầy cô giáo luôn quan tâm đến các em, chăm sóc và động viên các em. Đặc biệt là thời điểm đầu năm học nên các em đã bắt nhịp được việc học tập của nhà trường”, cô Phạm Thị Hồng cho biết. (Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên)
Nữ sinh trung học Hà Nội rạng rỡ, xinh tươi trong ngày khai trường