Học sinh nghỉ học, trường tư ở TPHCM chật vật vì không có nguồn thu
VOV.VN - Không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học kéo dài, trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên...
Trường Mầm non Ngôi nhà trẻ thơ ở Quận 12, TPHCM là trường tư thục hoạt động từ năm 2016, nguồn thu chủ yếu từ học phí. Từ sau tết đến nay, học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid-19, trường không có nguồn thu nên phần lớn trong số 22 giáo viên của trường nghỉ không lương, một số giáo viên ở lại trực vệ sinh trường lớp được trả 50% lương. Nhưng khoản tiền thuê mặt bằng 60 triệu đồng/tháng và tiền đóng bảo hiểm cho 22 giáo viên, nhân viên cũng khiến trường khó khăn chồng chất.
Dù không hoạt động nhưng trường THCS, THPT An Đông vẫn tiến hành dọn dẹp, vệ sinh, tu sửa cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh trở lại. |
Bà Châu Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì là trường tư nên phải thuê mặt bằng, tiền thuế. Khi không có học sinh, mình không thu được học phí nên không giải quyết được tiền thuê mặt bằng rồi tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương cho các cô".
Một nhóm giáo viên ở quận 12 mở quầy bán hàng trước cổng trường. |
Tương tự như vậy, cô giáo Thanh Kim Anh quê ở Bình Thuận vào quận Tân Phú dạy trường mầm non tư thục cũng chọn cách ở lại vệ sinh trường lớp và hưởng 50% lương, rồi tìm một số việc làm thêm phù hợp.
“Quê em ở Bình Thuận, mùa này rất nắng cũng không có việc gì để làm. Về nhà còn phải xin tiền mẹ để đi lên đi xuống. Nên em ở lại để dọn dẹp vệ sinh trường lớp”, cô Kim Anh nói.
Trường tư thục THCS, THPT An Đông ở Quận 5 cũng gặp nhiều khó khăn khi học sinh nghỉ kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Mặc dù, trong tháng 2 này trường không phải đóng thuế và phí mặt bằng do hai khoản này tính theo tỉ lệ thu của trường, nhưng phải xoay sở tiền để chi một số khoản duy trì trường lớp chờ học sinh trở lại. Cho nên, nhà trường biết là giáo viên khó khăn nhưng cũng không giúp được gì.
Vị đại diện trường THCS, THPT An Đông xin được giấu tên cho biết: "Thời điểm dịch bệnh, giáo viên không đi dạy nên nhà trường không có tính tiết nào hết. Không đi dạy tiết nào thì không được tính lương. Người lao động đi làm 8 tiếng/ngày dĩ nhiên phải trả lương, còn giáo viên đi dạy tính theo tiết để lãnh lương thì giờ rất khó khăn”.
Các trường dạy nghề cho học sinh, sinh viên đi học lại từ 2/3