Khát vọng “cùng Việt Nam ra thế giới” của nữ nhà báo trẻ

VOV.VN -Nhiều năm làm ở mảng đối ngoại và làm Giám đốc chi nhánh miền Nam của VTC10 NetViet, nhà báo Soan Đặng bất ngờ xin nghỉ việc để khởi nghiệp với khát vọng “cùng Việt Nam ra thế giới”

Một ngày gần đây, tôi khá bất ngờ khi nhà báo Soan Đặng, Giám đốc chi nhánh miền Nam, kênh truyền hình VTC10 NetViet – Đài truyền hình VTC thông báo xin nghỉ việc. Với người khác, có thể tôi sẽ thấy bình thường, nhưng với Soan lại khác, bởi cô đang có vị trí công việc tốt, nhưng quan trọng hơn là đam mê của cô đối với nghề báo thì quyết định này làm tôi khá bất ngờ.

Dám “từ bỏ” vị trí công việc tốt để khởi nghiệp

Soan Đặng tâm sự, cô cũng phải suy nghĩ trong một thời gian khá lâu để đưa ra quyết định. Bởi với cô, chia tay ngôi nhà mà mình đã yêu quý và gắn bó gần 10 năm thực sự là quyết định khó khăn. Ở đó, Soan có một môi trường làm việc rất năng động, cho cô phát huy được năng lực của mình. Cô còn có những người anh, người chị sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với cô những kinh nghiệm trong nghề báo cũng như trong cuộc sống, giúp cô ngày càng trưởng thành. Ở đó, có những đồng nghiệp luôn ủng hộ ý tưởng của cô và sẵn sàng “chia lửa” với cô trong công việc. Và ở đó, cô cũng đã có một vị trí mà nhiều phóng viên trẻ như cô phải mơ ước.

Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng mới bắt đầu bước chân vào nghề báo, Soan không khỏi rưng rưng. Hơn 10 năm trước, cô sinh viên nhỏ bé năm thứ nhất được may mắn được làm cộng tác viên cho Đài VTV6 tại TPHCM. Ngày ấy, VTV6 mới thành lập và cần nhiều cộng tác viên phi lợi nhuận. Cả bầu trời tri thức mở ra trong hành trình của Soan với các chương trình thiện nguyện “Tủ sách ước mơ" rồi “Nút Rec của tôi" … “Từ ngày đó tôi đã xác định, có cơ hội được gặp gỡ, được trải nghiệm là may mắn lắm rồi, tôi không hề mảy may nghĩ đến “tiền”- Soan tâm sự.

Nhà báo Soan Đặng

Năm 2011, khi ấy là sinh viên năm 3, Soan được các anh chị khoá trên giới thiệu để lại có cơ hội được trở thành “phóng viên tập sự" ở Ban Truyền hình báo Sài Gòn tiếp thị. Khi đó, cô bé sinh viên bé nhỏ chỉ cần ngửi thấy mùi xăng là có thể nôn thốc nôn tháo nhưng cô sẵn sàng “đeo túi nilon” trên miệng để ngồi trên ô tô cả ngày đi tác nghiệp sản xuất chương trình du lịch. Thời gian đó, Ban Truyền hình báo Sài Gòn tiếp thị là đơn vị sản xuất chương trình “Sài Gòn và tôi" phát sóng trên Kênh truyền hình đối ngoại VTV4. Ngày ấy, Soan may mắn được gặp gỡ các nhân vật Việt kiều hay trí thức từ nước ngoài về Việt Nam gầy dựng sự nghiệp và đó là nguồn cảm hứng cho cô đến với ước mơ của mình, và bây giờ là quyết định táo bạo dám “từ bỏ” một vị trí công việc tốt để khởi nghiệp.

Soan kể, thời gian làm việc ở VTC10 Netviet, đặc biệt được thực hiện chương trình “Người Việt bốn phương" cho cô rất nhiều cơ hội. Chương trình ký sự chân dung 30 phút ấy giúp Soan có cơ duyên gặp gỡ nhiều Việt kiều và trí thức, doanh nhân người Việt trên khắp năm châu. Không chỉ là một cuộc gặp gỡ phỏng vấn, giao lưu ngắn mà được đi sâu vào tìm hiểu, chiêm nghiệm những hành trình mà họ đã đi, đã thành công, đã thất bại từ góc nhìn của họ và nhiều người khác. Đặc biệt, cho Soan có cơ hội đến với nhiều quốc gia, được gặp với những người Việt ưu tú khắp thế giới. Mà với Soan, nó giống như những giấc mơ. 

Đối ngoại là “cơ duyên” và kết nối là “khát vọng”

“Cho đến bây giờ, tôi đã có cơ hội được đến khoảng 20 quốc gia. Trên mọi hành trình của tôi, những góc nhìn khác biệt và những cơ hội trải nghiệm đã mở ra những sợi dây kết nối vô hình đặc biệt. Từ đó, hành trình khám phá thế giới luôn song hành với hành trình khám phá bản thân mình”- Soan tâm sự.

Soan Đặng có cơ hội có được những “cuộc gặp gỡ trong mơ".

Trong hành trình ra thế giới, Soan có cơ hội có được những “cuộc gặp gỡ trong mơ". Cuộc gặp gỡ đặc biệt nhất với cô là được gặp ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Công ty Metran Nhật Bản. Metran của ông Trần Ngọc Phúc là doanh nghiệp hiếm hoi được đón Nhật Hoàng Akihito đến thăm vào năm 2012. Tháng 11/2018, ông Trần Ngọc Phúc được Nhật Hoàng Akihito trao tặng Huân chương Mặt Trời mọc. Ngoài ra, ông Phúc còn được nhận rất nhiều giải thưởng của các Bộ, ngành khác của Nhật Bản và thế giới. Metran là đơn vị đã tạo ra những chiếc máy trợ thở cứu sống hàng triệu trẻ em sinh non thiếu tháng. Đồng thời là công ty sản xuất nhiều thiết bị y tế như: máy thở, máy trợ thở, máy hô hấp nhân tạo hàng đầu tại Nhật Bản và thế giới. Trong đại dịch Covid-19, Công ty Metran là doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất 2.000 máy thở Eliciae MV20 (gọi tắt là MV20). Những chiếc máy này được một tập đoàn tặng cho Việt Nam giúp điều trị bệnh nhân Covid-19.

Năm ấy, Soan vinh dự là phóng viên, biên tập Việt Nam đầu tiên được thực hiện một chương trình chân dung 30 phút về ông Trần Ngọc Phúc tại Nhật Bản. Cơ duyên gặp gỡ là nhờ sự kết nối của Giáo sư Đặng Lương Mô, người mà cô có cơ hội thực hiện phim tài liệu trước đó. Hình ảnh một doanh nhân khiêm tốn, ấm áp và quan điểm về đạo đức kinh doanh của ông Trần Ngọc Phúc gieo vào lòng cô rất nhiều ấn tượng. 

Soan chụp ảnh cùng ông Trần Ngọc Phúc (thứ 2 từ trái qua)

“Tôi vẫn luôn mong muốn có cơ hội thực hiện chương trình về ông Phúc sâu hơn, tôi quyết định phối hợp với một đồng nghiệp VTV4 cùng tôi chia sẻ câu chuyện của ông Phúc sâu rộng hơn ở Việt Nam. Sau chương trình của VTC10 Netviet và VTV4, hình ảnh ông Phúc và các hoạt động của ông nhiều hơn ở Việt Nam. Sau này, mỗi lần ông về Việt Nam, hai chú cháu lại rủ nhau đi ăn cơm, ăn chè. Sau này tôi cũng mới biết nhờ truyền thông Việt Nam mà ông Trần Ngọc Phúc càng ngày càng gần hơn với quê hương”- Soan kể. 

Năm 2018, khi xem được một chương trình phóng sự chân dung mà Soan thực hiện ở Mỹ về Giáo sư Vũ Ngọc Tâm - Giám đốc Phòng thí nghiệm các hệ thống Di động và kết nối Trường ĐH Colorado Boulder (Mỹ), ông Phúc đã nhờ Soan kết nối. Từ sự kết nối của Soan, trí thức người Việt ở Nhật Bản và trí thức người Việt ở Mỹ đã gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với nhau.

Còn trong năm 2017, lần đầu tiên có cơ hội đến Mỹ trong 22 ngày, Soan đã đi vòng quanh nhiều thành phố ở Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây, để thực hiện phim tài liệu về người Mỹ gốc Việt là anh Phạm Đức Trung Kiên, người có nhiều đóng góp vào sự kết nối quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Một điều đặc biệt, anh Kiên là một người khiếm thị, nhưng đã vượt qua vô vàn những thử thách cuộc đời để tạo nên những “điều phi thường từ trái tim dũng cảm". 

Soan Đặng cùng ekip tác nghiệp ở Trường Đại học Stanford

Soan đã dành rất nhiều thời gian để thực hiện phim tài liệu đó, đến hơn 3 tháng… chấp nhận cả việc nhận nhuận bút chỉ bằng với một chương trình bình thường mà cô làm trong vài ngày. Chương trình đã đạt giải nhất trong cuộc thi hàng năm của Kênh truyền hình VTC10 Netviet. “Đây là phần thưởng rất quý cho sự nỗ lực của tôi và ekip. Nhưng, thực sự giá trị lớn nhất sau chương trình với tôi, không phải bất kỳ một giải thưởng nàom mà chính là câu trả lời cho câu hỏi: Trái tim có thực sự tạo nên những giá trị phi thường trong cuộc đời này?”- Soan chia sẻ.

Và câu chuyện về anh Kiên, cũng như đất nước cờ hoa đã mang đến cho Soan nhiều niềm cảm hứng, để rồi năm 2018, cô quyết định có một hành trình 3 tháng vòng quanh nước Mỹ. Cô đã đi qua khoảng 30 thành phố thuộc 10 tiểu bang của nước Mỹ, đến rất nhiều trường Đại học nổi tiếng của Mỹ như Stanford University, Havard University, Berkeley university, Yale University… Soan cũng dành nhiều thời gian đến thăm các công ty công nghệ nổi tiếng của Mỹ ở Silicon Valley. Trong quá trình đó, cô thực hiện nhiều phóng sự về những người Việt đang khởi nghiệp ở Silicon Valley, những người Việt Nam thành công. Đồng thời, cô cũng hoà vào đời sống ở Mỹ để tìm hiểu về văn hoá, giáo dục, sự phát triển công nghệ vượt bậc của Mỹ. 

Nhà báo Soan Đặng tác nghiệp trong vai trò đạo diễn

“Sau này tôi còn có thêm nhiều cơ duyên với nước Mỹ. Tháng 9/2019, tôi là nhà báo duy nhất từ Việt Nam được trực tiếp cùng với ekip thường trú của VTV tại Mỹ tham gia truyền thông cho sự kiện Techfest USA. Tiếp đến tháng 11/2019, tôi cùng với ekip của VTC10 Netviet quay trở lại Mỹ để thực hiện chuỗi phim tài liệu về các Startup của người Mỹ gốc Việt, các trí thức Việt Nam tại Silicon Valley. Nước Mỹ cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp với nghề và cũng là nơi chứng kiến hành trình vượt qua nỗi đau riêng mình. Học cách một mình, tôi mới hiểu rằng không có bất kỳ ai có thể giúp bạn đứng dậy bằng chính bản thân mình. Và, trong quá trình đối diện đó, giúp tôi khám phá năng lực tiềm ẩn kỳ diệu của con người. Tôi đã tự mình sắm vai cả biên tập viên, quay phim và kỹ thuật dựng để dự những bộ phim tài liệu có chất lượng về trí thức Việt ở Mỹ. Không phải để chứng tỏ, không phải để hãnh diện mà tận sâu trong trái tim là “khát vọng" được “be my self" và khám phá bản thân mình, khám phá thế giới”- Soan chia sẻ. 

Khát vọng "cùng Việt Nam ra thế giới" 

Năm 2020, tròn 30 tuổi, Soan đã suy nghĩ rất nhiều về hành trình sắp tới của mình. Đặc biệt, với những trải nghiệm, những góc nhìn mới có được từ chuyến đi New York, tháng 1/2020, Soan đã có những quyết định lớn cho cuộc đời. Một trong những quyết định đó là nghỉ việc với vai trò là Giám đốc chi nhánh miền Nam của VTC10 Netviet. Lúc ấy rất nhiều người đã bất ngờ, kể cả Tổng Giám đốc của Soan, vì đó là công việc được rất nhiều người mơ ước. Cô đã được nhiều tờ báo có tiếng mời về làm việc nhưng với cô “tôi muốn được sống với cá tính của tôi và được tiếp tục “khát vọng là chính mình", còn nếu tiếp tục nghề báo, tôi đã ở lại VTC10 Netviet”. 

Soan Đặng tác nghiệp cùng ekip để quảng bá văn hoá, du lịch Long An

Khi Soan quyết định thành lập một đơn vị Multimedia, nhiều người cũng đã hỏi “Tại sao thế giới đang lao đao vì Covid-19, cô lại đưa ra quyết định táo bạo như vậy", nhưng Soan luôn có niềm tin vững chắc rằng, “trong nguy có cơ" và cô tin trong những thử thách sắp tới, Việt Nam sẽ có nhiều vận hội lớn và bước ra thế giới nhiều hơn.

Soan kể, khi lên ý tưởng thành lập công ty, cô đã chia sẻ điều này với Tổng Giám đốc cũ của cô và nhận được ủng hộ từ chị và các anh chị em ngôi nhà cũ. “Tôi rất cảm động khi sếp cũ đã nhắn "Hy vọng trong hành trình sắp tới sẽ tiếp tục có sự đồng hành của em". Và chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục góp một chút gì đó xây dựng thương hiệu đối ngoại của VTC10 Netviet, song hành với S-World Multimedia”- cô tâm sự.

Theo Soan, dù ở bất kỳ vị trí công việc nào từ Giám đốc một Chi nhánh, một biên tập viên, tổ chức sản xuất, đạo diễn hay đến bây giờ là Nhà sáng lập và Giám đốc một đơn vị truyền thông, bản chất của những kết nối là không đổi - luôn phải dựa trên những giá trị Chân thành - Thấu hiểu - Bền bỉ - sáng tạo và khác biệt. Và ở S-World Multimedia của Soan Đặng, cô cũng xây dựng văn hoá công ty dựa trên những giá trị đó.

Dành tình cảm yêu quý đối với cô, ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Công ty Metran Nhật Bản xúc động “Tôi tin chắc chắn Soan sẽ thành công, sẽ thực hiện được ước mơ của mình qua đứa con tinh thần. Lần đầu tiên gặp Soan, tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao trong thân hình nhỏ bé như thế lại tràn đầy năng lượng như vậy. Tôi rất cảm ơn Soan, vì nhờ Soan, tôi với có dịp trở về Việt Nam một cách đúng nghĩa. Thực ra, trước đó để trở về Việt Nam, nhưng tôi không biết kết nối và chia sẻ như thế nào, nhưng nhờ kết nối của Soan, tôi đã trở về Việt Nam như về nhà. Cũng nhờ Soan tôi đã kết nối được với nhiều giáo sư Việt trên thế giới và chúng tôi đang cố gắng làm nhiều việc tốt hơn nữa, đóng góp thiết thực hơn nữa”./.

Clip: Ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Công ty Metran Nhật Bản gửi lời tin tưởng Soan Đặng thực hiện được ước mơ của mình qua "đứa con tinh thần":

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên