Luật Đất đai phải là trung tâm để phân định rõ ràng quản lý đất đai

VOV.VN - Hiện Luật Đất đai chồng chéo với 22 luật khác và liên quan đến hơn 200 luật khác, nên phải coi Luật Đất đai là luật trung tâm của các luật khác để phân định rõ ràng trong quản lý đất đai.

Đây là ý kiến của các đại biểu tham dư buổi Toạ đàm: “Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 237 Điều, trong đó giữ nguyên 48 Điều; sửa đổi, bổ sung 152 Điều; bổ sung mới 37 Điều và bãi bỏ 8 Điều. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm nội dung then chốt: Quy hoạch quản lý đất đai, định giá, tài chính đất đai, giải phóng mặt bằng, hiện đại hóa quản lý bộ máy quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự thảo luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng, việc thể chế hóa Nghị quyết 18 vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được bất cập thời gian qua: “Một là bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính cạnh tranh trong tiếp cận, khai thác nguồn lực đất đai. Hai là bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ba là đem lại hiệu quả kinh tế cao trong việc khai thác sử dụng đất đai thông qua việc lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả các dự án sử dụng đất”. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiếm luật nào có mức độ tác động đến các luật khác lớn như Luật Đất đai. Thống kê của VCCI cho thấy, Luật Đất Đai có liên quan đến 186 luật khác, không chỉ giữa luật mà giữa các Nghị định, hướng dẫn, thông tư... cũng đang có những điều chỉnh để cho phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ không hề dễ dàng của Ban soạn thảo là đảm bảo một quy trình, thủ tục, trình tự làm sao phải đơn giản, thuận tiện và thống nhất, đồng bộ.

“Thời gian qua đã có nhiều dự án phải nằm yên trong nhiều năm bởi vì sự xung đột, chồng chéo giữa các luật mà không có lối ra, khiến các cơ quan thực thi ở địa phương rất khó khi thực hiện. Nguyên nhân là do quy định giữa luật không giống nhau hoặc không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, trì hoãn. Ban soạn thảo cần dành ưu tiên để làm sao đồng bộ giữa các luật và Luật Đất đai, đây là một trách nhiệm rất nặng nề”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ. 

Đồng tình với những ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần tiếp cận Luật Đất đai với vai trò là đạo luật mang tính trung tâm, mọi quan hệ liên quan đến quản lý và sử dụng đất đều liên quan luật chuyên ngành. Nếu không xử lý vấn đề của đạo luật gốc sẽ không biến chính sách đất đai thành nguồn lực để phát triển đất nước.

Liên quan đến lĩnh vực giao đất, cho thuê đất, PGS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, quan điểm, tinh thần của Nghị quyết 18 đã được Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế. Tuy nhiên, ông vẫn còn nhiều băn khoăn băn khoăn về tính khả thi của vấn đề này.

“Trong dự thảo mới quy định về nội dung, những trường hợp nào đấu giá quyền sử dụng đất, những trường hợp nào không đấu giá, những trường hợp nào đấu thầu. Còn trình tự thủ tục đấu giá, đấu thầu như thế nào lại liên quan đến các luật chuyên ngành khác. Vì vậy, sửa Luật Đất đai là cần nhưng chưa đủ mà phải rà soát, sửa Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan”, PGS. Nguyễn Quang Tuyến đề cập.

Đánh giá cao những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng luật tức là giải quyết cho được mối quan hệ của luật đất đai với những luật khác. Hiện Luật đất đai chồng chéo với 22 luật  và liên quan đến hơn 200 luật khác. Chính vì vậy phải coi Luật Đất đai là luật trung tâm của các luật khác để phân định rõ ràng trong quản lý đất đai.

“Cần phải phân định mối quan hệ giữa Luật Đất đai với các luật khác, liên quan đến những vấn đề quản lý đất đai. Lần này, Bộ TN&MT đã làm để xử lý mối quan hệ giữa Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Công sản,… Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng khẳng định, luật này đưa ra nguyên tắc và nội dung chính sách còn việc triển khai thì luật này cũng không lấn sang luật khác”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Cụ thể, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “vênh” Nghị quyết của Trung ương
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “vênh” Nghị quyết của Trung ương

VOV.VN - Tạo quỹ đất cho phát triển dự án nhà ở đô thị, dự án nhà ở thương mại nhằm thu hút đầu tư là vấn đề được nhiều ý kiến góp ý với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, những quy định của Dự thảo luật này vẫn chưa nêu bật được tinh thần của Nghị quyết Trung ương trong vấn đề sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “vênh” Nghị quyết của Trung ương

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “vênh” Nghị quyết của Trung ương

VOV.VN - Tạo quỹ đất cho phát triển dự án nhà ở đô thị, dự án nhà ở thương mại nhằm thu hút đầu tư là vấn đề được nhiều ý kiến góp ý với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, những quy định của Dự thảo luật này vẫn chưa nêu bật được tinh thần của Nghị quyết Trung ương trong vấn đề sử dụng đất.

Luật đất đai sửa đổi phải đảm bảo xác định giá đất công khai, minh bạch
Luật đất đai sửa đổi phải đảm bảo xác định giá đất công khai, minh bạch

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hướng đến quy định đảm bảo xác định giá đất công khai, minh bạch và phù hợp với giá thị trường để người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Luật đất đai sửa đổi phải đảm bảo xác định giá đất công khai, minh bạch

Luật đất đai sửa đổi phải đảm bảo xác định giá đất công khai, minh bạch

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hướng đến quy định đảm bảo xác định giá đất công khai, minh bạch và phù hợp với giá thị trường để người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)

VOV.VN - Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 7 dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)

VOV.VN - Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 7 dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.