Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông thuộc về Bộ TN&MT?
VOV.VN - Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), quản lý khí thải các phương tiện giao thông thuộc về Bộ TN&MT khiến nhiều chuyên gia đồng tình.
Bộ TN&MT muốn có quyền kiểm soát khí thải xe máy
Trong cuộc tọa đàm về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), diễn ra vào chiều 8/6, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu ra những bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí nhiều năm vừa qua của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT). |
Theo ông Thịnh, Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ quy định chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải.
“Chính vì những khó khăn đó mà dự Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ có những quy định mới để giải quyết những các nguồn điểm, nguồn thuộc diện phát sinh khái thải cần được quản lý, xử lý, gồm: Xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính…”, ông Thịnh cho hay.
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ TN&MT đã ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhằm kiểm soát việc phát thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) cũng như kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh đối với các ngành công nghiệp chế biến cao su; dệt nhuộm; xi măng; lọc hóa dầu,... Đồng thời, về kiểm soát chất lượng không khí, Bộ TN&MT đã ban hành 11 quy chuẩn để kiểm soát khí thải cho các ngành công nghiệp, 2 quy chuẩn quy định về chất lượng môi trường không khí xung quanh, theo đúng quy định của luật.
Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam ngày càng đáng lo ngại. |
“Việc quy định Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải (bên cạnh các quy chuẩn khí thải công nghiệp, chăn nuôi, lò đốt,… là phù hợp để đảm bảo 1 cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí” , ông Thịnh khẳng định.
Theo Tổng cục Môi trường, theo phân công trách nhiệm xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định quy định các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thực chất là các lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải theo các mức 1, 2, 3, 4, 5 tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải EURO.
Đồng thời, dù “không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông” nhưng Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Bộ TN&MT). |
Liên quan đến vấn đề có thể gây tranh cãi trong việc quy định mới trong quản lý khí thải này, ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường - cho biết: “Trong thời gian tới, hai bộ (Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ TN&MT) sẽ có buổi làm việc về nội dung này. Chính phủ cũng đã gửi tờ trình sang Quốc hội để Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông. Theo dự thảo Luật, Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải, còn việc kiểm định vẫn do Bộ GTVT tích hợp quản lý thông qua hoạt động các cơ quan đăng kiểm theo Quy chuẩn mà Bộ TN&MT ban hành. Điều này không làm phát sinh thêm cơ quan quản lý về khí thải đối với các phương tiện giao thông. Không làm xáo trộn quy định của pháp luật về lĩnh vực giao thông vận tải”.
Kiểm định không khí phải thuộc về Bộ TN&MT
Đánh giá về dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, trên thế giới và Việt Nam đều đang lo ngại nhất chính là ô nhiễm không khí, nhất là ở các thành phố lớn. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí do nhiều nguồn phát thải, đầu tiên phải kể đến là các phương tiện giao thông.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam. |
“Việt Nam có hàng triệu phương tiện ở các thành phố trong khi không hoàn toàn là mới, có những phương tiện rất cũ, chạy bằng Diesel gây ô nhiễm rất lớn, ngoài ra còn các nhà máy sản xuất phát thải ra,...”, ông Nhưỡng cho hay.
Theo ông Nhưỡng, ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông, đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau. “Nếu chỉ bàn đến vấn đề ô nhiễm từ các phương tiện giao thông, chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn đề lớn là ô nhiễm không khí bao trùm toàn thành phố. Trong khi ô nhiễm không khí toàn thành phố không thể chỉ do riêng phương tiện giao thông mà còn do nhiều nguồn lớn khác như hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ hay các nhà máy nhiệt điện thải ra,...”, ông Nhưỡng nêu.
Ông Nhưỡng cho rằng: “Tiêu chuẩn ô nhiễm không khí là môi trường chung, Bộ GTVT chỉ nên thực hiện các biện pháp, tiêu chuẩn để kiểm định các phương tiện giao thông xả thải ra môi trường, chứ không thể kiểm định không khí của toàn thành phố. Trách nhiệm chung thuộc Chính phủ nhưng trách nhiệm chính này thuộc về Bộ TN&MT, vì bộ này phải làm kiểm định, bảo vệ môi trường, không chỉ môi trường không khí mà còn môi trường nước, đất,...chứ không phải kiểm định các phương tiện. Môi trường bị ảnh hưởng từ các phương tiện giao thông chỉ là một cấu phần trong môi trường không khí chung của toàn thành phố, ta không thể lấy người quản lý cấu phần đi quản lý tổng thể”.
Theo ông Nhưỡng, các phương tiện giao thông phát thải ra hòa vào không khí chung. Thông thường đề ra tiêu chuẩn kiểm định phương tiện giao thông để kiểm định phương tiện đó có đủ điều kiện được lưu hành hay không trong các trạm kiểm định, hoặc phát hiện dấu hiệu, nghi ngờ phương tiện phát thải ô nhiễm ra môi trường mạnh thì các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải có quyền đình chỉ hoặc tạm đình chỉ phương tiện đó để đo mức độ phác thải của phương tiện đó ra môi trường chung.
“Hoạt động này là kiểm định phương tiện chứ không phải kiểm định môi trường chung của thành phố, nhiệm vụ này thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng ta không thể lấy tiêu chuẩn không khí của toàn thành phố để cho giao cho Bộ chỉ quản lý 1 phần rất nhỏ. Bộ Tài nguyên Môi trường phải làm nhiệm vụ này, làm sao cho môi trường của toàn thành phố phải đảm bảo được”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Kim In Wan - Nguyên thứ trưởng Bộ Môi trường, Hàn Quốc. |
Trong khi đó, Tiến sĩ Kim In Wan - Nguyên thứ trưởng bộ Môi trường, Hàn Quốc cho biết: “Ở Hàn Quốc, khí thải của các phương tiện giao thông thuộc quyền quản lý của Bộ Môi trường Hàn Quốc, nhà sản xuất phương tiện giao thông đều chịu sự giám sát, quản lý của Bộ Môi trường Hàn quốc. Tiêu chuẩn môi trường của Hàn Quốc hiện đang là EURO 6 – California”./.