Theo kế hoạch này, nếu thí điểm tốt vào năm học tới thì thời gian sau sẽ tiến hành triển khai lắp camera đại trà tại hệ thống trường mầm non để hạn chế thấp nhất tình trạng bạo hành trẻ. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cần cân nhắc kỹ với kế hoạch này, nhất là tính khả thi và hiệu quả.
|
(Ảnh minh họa: Dân Sinh) |
Khi hàng loạt vụ bạo hành xảy ra, nhiều phụ huynh tại TPHCM đã đề xuất quản lý việc nuôi dạy trẻ tại các trường mầm non qua camera. UBND TPHCM cũng giao Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố tham mưu và lên kế hoạch thí điểm việc này trong thời gian sớm nhất.
Việc nên hay không nên lắp camera trong hệ thống trường mầm non đang ghi nhận ý kiến trái chiều từ giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia. Kết quả khảo sát ý kiến của ngành giáo dục – đào tạo thành phố tại 3 địa phương sắp thí điểm cho thấy, trong khi có gần 90% phụ huynh đồng ý lắp camera thì chỉ 48% giáo viên tán thành việc này.
Nguyễn Võ Bảo Ngọc, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng: “Việc lắp camera thể hiện sự thiếu tin tưởng của phụ huynh, xã hội với giáo viên. Môi trường học tập là môi trường tự do để học sinh có sự kết nối với thầy cô. Nếu như có camera như vậy chắc chắn sẽ có sự can thiệp của phụ huynh cũng như những người muốn can thiệp vấn đề này. Khi đó camera giống như một con mắt theo dõi chứ không phải là một camera thông thường”.
Trong khi đó anh Nguyễn Bảo Châu, một người dân tại quận Phú Nhuận cho rằng giải pháp nào cũng có hai mặt. Vì vậy cần có sự tính toán kỹ lưỡng để tăng mặt mạnh và hạn chế mặt yếu. Điều này cần có thời gian chuẩn bị, không thể làm gấp được.
Anh Nguyễn Bảo Châu nói: “Việc lắp camera tại trường mầm non có thể giúp cho ban giám hiệu các trường quan sát được tình hình của trẻ, góp phần giảm nạn bạo hành. Thế nhưng về mặt hại, nó có thể vô tình tạo áp lực cho các giáo viên bởi vì giáo viên lúc nào cũng có cảm giác đang bị theo dõi nên các cô sẽ không thoải mái trong quá trình chăm sóc trẻ”.
TPHCM hiện có 1.208 trường mầm non. Trong đó có 465 trường công lập và 743 trường ngoài công lập. Ngoài ra còn có 1.845 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, có 14.416 nhóm lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non. Với số lượng lớn các trường và nhóm lớp như vậy nhiều người lo ngại về khoản kinh phí không hề nhỏ cho việc lắp camera quan sát nếu triển khai đại trà.
Ngay trong báo cáo vừa trình UBND TPHCM cách đây không lâu, Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố cũng nói về khó khăn này và đề xuất hướng giải quyết là xã hội hóa việc lắp camera trong hệ thống trường mầm non ngoài công lập. Thế nhưng, như vậy có chắc chắn không phát sinh tiêu cực?
Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 5 băn khoăn: “Camera muôn hình vạn trạng, rất nhiều loại kinh phí. Kinh phí nào sẽ cho chất lượng đó. Khi lắp đặt như có đồng bộ hay không và việc này có được giám sát chặt chẽ hay không?. Rồi có thể lại đẻ ra đủ kiểu như xã hội hóa để trường có camera tốt hơn, rồi thu phí này, thu phí kia”.
Bên cạnh đó, bà Võ Ngọc Thu cũng cho rằng, thêm camera sẽ phải cần thêm đội ngũ quản lý, quan sát, xử lý, kiểu như sinh thêm việc trong khi điều quan trọng nhất vẫn là làm sao thay đổi cả nhận thức của giáo viên và phụ huynh.
Giáo viên giỏi chuyên môn thôi chưa đủ mà phải yêu thương trẻ và chừng mực trong giao tiếp. Phụ huynh thì cần tin tưởng nhà trường hơn và cần chấp nhận cho con trẻ làm quen với môi trường tập thể. Camera quan sát sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi là thông tin kiểm chứng trong trường hợp phụ huynh phản ánh hoặc nhà trường cần chấn chỉnh hành vi nào đó của giáo viên.
Cho rằng kế hoạch tiến hành thí điểm việc lắp camera tại hệ thống trường mầm non của Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM thiếu cơ sở khoa học và không thuyết phục nên Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM không đồng ý với phương án này.
Theo Tiến sĩ Huyền, muốn thuyết phục dư luận, điều mà Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cần làm là ngay lập tức tiến hành nhiều chương trình khảo sát diện rộng để nắm chính xác xem có bao nhiêu phụ huynh, giáo viên đồng ý hay không đồng ý về việc này và lý do cụ thể là gì.
Cùng với đó, Sở phải đưa ra kế hoạch nghiên cứu về việc thí điểm, kiểm soát chặt chẽ xem hiệu quả giảng dạy và tác động đến tâm lý giáo viên sau một thời gian lắp camera để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Việc ai chịu trách nhiệm giám sát, công tác bảo mật hình ảnh của học sinh như thế nào cũng cần nghiên cứu kỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền lý giải: “Cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thấy có một công bố nào về một nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam cho thấy rằng việc lắp camera có thể tăng hiệu quả trong công tác quản lý lớp học, giảm thiểu những rủi ro như giáo viên cư xử không đúng mực…”.
Vấn đề đặt ra lúc này là Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cần có những bước đi cụ thể trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để đưa ra được quyết định hợp lý, hợp tình nhất cho vấn đề khá nhạy cảm này./.