Lo con chịu nóng, phụ huynh trường làng đồng loạt xin lắp điều hòa

VOV.VN - Nhiều trường học ở các vùng quê của tỉnh Vĩnh Phúc được lắp thêm điều hòa do phụ huynh đề xuất - điều chưa từng xảy ra trước đây.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Bảo (TP Vĩnh Yên) cho biết, các giáo viên bớt đi được một gánh lo về sức khỏe và sự tập trung của học sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhờ sự đồng thuận của phụ huynh về việc lắp điều hòa. 

Trước đó, trong trường chỉ lác đác vài lớp có điều hòa.

Trẻ học trong thời tiết nóng, nhiều trường được phụ huynh đề xuất lắp điều hòa.

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lịch học kỳ 2 năm nay kéo dài sang mùa hè, toàn trường có 37 lớp thì hiện chỉ còn 1 lớp chưa lắp điều hòa, một phần, bởi lớp học ở ngay tầng 1 khá mát mẻ”.

Bà Cúc cho biết, vì vậy, nhà trường đã đầu tư một đường dây điện riêng cho hệ thống điều hòa, không liên quan đến hệ thống quạt, đèn và các thiết bị dạy học của trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Bảo (TP Vĩnh Yên).

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng GD-ĐT TP Vĩnh Yên cho hay, việc năm học bị kéo dài, kết thúc muộn khiến học sinh phải đến trường trong điều kiện thời tiết nắng nóng là trăn trở của nhiều trường học, phụ huynh trên địa bàn.

Theo bà Chung, gần như tất cả các trường học trên địa bàn TP Vĩnh Yên đều có đề xuất lắp thêm điều hòa từ phía phụ huynh; có chăng chỉ khác nhau ở tỷ lệ cao hay thấp.

Hệ thống điều hòa mới được lắp đặt tại Trường Tiểu học Liên Bảo.

“Năm nay, học sinh phải đi học trong dịp hè nắng nóng, phòng GD-ĐT đã gửi văn bản đến cơ quan điện lực đề nghị rà soát toàn bộ đường điện, nguồn điện của tất cả các trường. Nếu cơ sở vật chất tốt, sẽ xin TP cho cơ chế xã hội hóa để lắp điều hòa theo nhu cầu của các trường và phụ huynh. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguồn điện. Bởi nếu lắp điều hòa hàng loạt mà không tính toán, toàn bộ hệ thống điện của các trường học có thể bị sụt”, bà Chung nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng GD-ĐT TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Là “trường làng”, trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mới đây cũng được “nâng cấp” thêm đến 26 cái điều hòa. Tất cả đều do phụ huynh ngỏ lời - điều trước nay không dễ dàng có sự chủ động và đồng thuận. Lý do đơn giản là còn nhiều gia đình không mấy dư dả về kinh tế.

“Trước nay, may lắm chỉ có 1-2 lớp được lắp điều hòa, nhưng năm nay phụ huynh đã tự đề xuất và rất đồng thuận chuyện này bởi các con ngồi học chỗ nào cũng nóng. Có điều hòa, trò mát, cô mát, việc dạy học cũng thuận lợi và khỏe khoắn, tỉnh táo hơn”, một cô giáo nói.

 
Bà Trần Thị Năm, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Xuyên cho hay, học sinh vừa quay trở lại trường sau đợt nghỉ dịch Covid-19 đã gặp nắng cao điểm. 

Bà Trần Thị Năm, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Xuyên cho hay, học sinh vừa quay trở lại trường sau đợt nghỉ dịch Covid-19 đã gặp nắng cao điểm. 

“Trước đây, số trường có lắp điều hòa rất ít bởi phụ huynh không có điều kiện. Đợt vừa rồi, tôi nắm được cũng phải đến 15/20 trường tiểu học trên địa bàn huyện, phụ huynh chủ động đề xuất được lắp điều hòa. Trong đó, có cả những trường ở vùng xa. Chúng tôi yêu cầu các trường tuân thủ đúng theo tinh thần tự nguyện, chứ nhà trường không được phép can thiệp. Phụ huynh từng lớp đồng thuận với nhau thì triển khai”, bà Năm nói.

Một tiết học Mỹ thuật vào buổi chiều của cô trò Trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Bà Năm cho hay, ở trường Tiểu học Hương Canh A và Hương Canh B, có lớp ban đầu không thống nhất được việc lắp điều hòa, do còn khoảng chục gia đình eo hẹp về kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho con em, các phụ huynh khác đã tìm cách huy động thêm để có điều hòa cho cả lớp.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, các trường thường cho lắp đồng hồ điện riêng ở mỗi lớp. “Như vậy, mỗi lớp hết bao nhiêu tiền điện thì cuối tháng chia theo đầu học sinh”.

Về việc này, ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc khẳng định, các nhà trường phải đảm bảo 3 nguyên tắc: “Thứ nhất là có sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Thứ hai là công khai, minh bạch. Thứ ba là bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các học sinh”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên