Chính quyền Biden tìm cách “phủ sóng” châu Á, tạo mặt trận thống nhất đối phó Trung Quốc

VOV.VN - Ngay khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã theo đuổi hai hoài bão lớn trong chính sách đối ngoại: tái thiết quan hệ với các đồng minh và tạo ra một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc.

Một mũi tên trúng hai đích

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã lên đường tới Nhật Bản và Hàn Quốc để khởi động các cuộc đối thoại kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ hôm nay (15/3) trong bối cảnh chính quyền mới nỗ lực củng cố quan hệ với hai đồng minh quan trọng trong khu vực sau những tranh cãi và hoài nghi suốt 4 năm qua. Đây là chuyến công du nước ngoài cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Biden kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 1/2021.

Chuyến thăm các đồng minh ở Đông Á diễn ra trước cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các phái đoàn cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, Mỹ. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp phái đoàn Trung Quốc, trong đó có Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị vào ngày 18/3.

Sự bùng nổ các hoạt động ngoại giao của chính quyền Biden được bắt đầu vào ngày 12/3 vừa qua với Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ (gồm các nước Australia, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản). Ông Biden đã đặt khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi cựu Tổng thống Obama ngừng thực hiện chính sách “xoay trục” sang châu Á và cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump khiến nhiều đồng minh phật lòng.

Việc Mỹ tiến hành đối thoại với các đồng minh chưa đầy 2 tháng kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền cũng cho thấy mục tiêu của chính quyền mới là thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế để củng cố lợi ích của Mỹ và chống lại các đối thủ.

“Trung Quốc càng nghe nhiều những lời than phiền và chỉ trích không chỉ của Mỹ và còn của các nước khác trên thế giới thì cơ hội chúng ta được chứng kiến sự thay đổi sẽ càng cao hơn”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ tuần trước.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, việc buộc Trung Quốc phải thay đổi là điều không dễ dàng. Trung Quốc – nơi ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên, đã khắc phục được phần lớn hậu quả của dịch bệnh đối với nền kinh tế vào năm 2020 và dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2021. Nhà chức trách Trung Quốc có thể mở cửa trở lại nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế trong khi nhiều quốc gia phương Tây khác vẫn phải duy trì các biện pháp kiểm soát.

Về mặt quân sự, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ thông qua các khoản kinh phí đầu tư không lồ. Những thế mạnh đó đã giúp củng cố vị thế của Trung Quốc trên toàn cầu. Hiện, chính quyền Biden đang cố gắng thiết lập một mối quan hệ mới trong khi duy trì sự thận trọng đối với Bắc Kinh.

Tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các đồng minh châu Á

Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin dự kiến sẽ thảo luận với các đồng minh về một loạt vấn đề trong đó có dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu và sự hiện diện của các binh sỹ Mỹ trong khu vực. Mối quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc - hiện đang rơi xuống mức thấp do những tranh chấp trong lịch sử có thể là một chủ đề được nói đến. Ngoài ra chương trình nghị sự có thể bao gồm cuộc chính biến ở Myanmar, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Quyết định đưa Nhật Bản trở thành điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của hai đặc phái viên cấp cao được xem như động thái nhằm trấn an đồng minh. Nhật Bản đã nỗ lực rất nhiều để duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ ngay cả khi cựu Tổng thống Trump yêu cầu Tokyo gia tăng chi phí cho việc đồn trú các lực lượng Mỹ tại nước này. Nhà Trắng cuối tuần qua thông báo, Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc hội đàm với Tổng thống Biden tại Washington.

Ông Victor Cha, cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết: “Ở giai đoạn cuối của chính quyền Trump, Mỹ đã tranh cãi với các đồng minh tại châu Á về số tiền chia sẻ chi phí đảm bảo an ninh. Mỹ đã áp đặt quan điểm đơn phương đối với các liên minh, gần như không quan tâm đến cảm nhận của họ. Trong khi đó, Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy kinh tế trong khu vực để bắt nạt các nước khác”.

Theo một số nhà phân tích, chính quyền Trump đã có một cách tiếp cận thiếu nhất quán đối với Trung Quốc. Ông Trump thường xuyên khen ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình khi cố gắng đạt được các thỏa thuận thương mại. Nhưng mặt khác, chính quyền của ông nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền và tấn công mạng.

Chiến lược của chính quyền Biden thì hoàn toàn khác. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ đang tìm kiếm một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự hợp tác, cạnh tranh và trong trường hợp cần thiết có thể đối đầu.

Để giúp chiến lược này phát huy hiệu quả, Mỹ đang vận động sự hậu thuẫn từ các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả hai quốc gia này đã cố gắng vẽ ra một ranh giới rõ ràng trong quan hệ với Bắc Kinh: Một mặt tiếp tục hợp tác về thương mại, mặt khác tách rời về mặt an ninh.

Nhật Bản đã lên tiếng phản đối khi Trung Quốc điều tàu hải cảnh đến gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Còn Hàn Quốc đã tận dụng quan hệ ôn hòa với Bắc Kinh để gây sức ép đối với Triều Tiên.

Trung Quốc “đứng ngồi không yên”

Về phần mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, họ mong muốn quan hệ với Mỹ sẽ trở lại “đúng hướng”.  Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng, bất cứ bước đi nào nhằm nới lỏng căng thẳng sẽ giúp Trung Quốc có thêm nhiều thời gian để phát triển các năng lực về quân sự và kỹ thuật.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Do theo đuổi các hệ thống xã hội khác nhau, nên Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ có những khác biệt và bất đồng”. Ông Vương Nghị cho rằng hai nước cần có sự cạnh tranh lành mạnh dựa trên cơ sở công bằng, nhằm mục đích tự cải thiện và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thay vì cạnh tranh theo kiểu “tổng bằng không”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại về chiến lược của Tổng thống Biden tập hợp các đồng minh thành một khối gắn kết chống lại Trung Quốc bởi điều này điều có thể gây tổn hại cho Bắc Kinh về mặt chính trị và kinh tế. Tuần trước, các nước trong nhóm Bộ Tứ đã công bố nỗ lực phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho Đông Nam Á, nhằm chống lại chiến lược “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc.

Các quan chức Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự đảm bảo từ Bộ trưởng Austin về việc Mỹ sẽ trợ giúp Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột giữa nước này với Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Còn tại Seoul, ông Austin sẽ nhận được câu hỏi chủ đạo là có nên tiếp tục hay không các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn, vốn bị hủy bỏ dưới thời cựu Tổng thống Trump. Tuần trước, hai nước đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng cho lực lượng Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.

Sau khi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Austin sẽ tới Ấn Độ - quốc gia đang phải chứng kiến quan hệ với Trung Quốc ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, sau các vụ đụng độ biên giới đẫm máu vào mùa hè năm 2020. Còn Ngoại trưởng Blinken sẽ đến Alaska vào ngày 18/3 để gặp các đặc phái viên của Trung Quốc. Chính quyền mới của Mỹ coi cuộc gặp là cơ hội để thiết lập các quy tắc nền tảng và vạch ra giới hạn đỏ cho mối quan hệ mà Tổng thống Biden gọi là “thách thức địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 21”. Giới chức Mỹ mô tả đây là “phiên họp một lần” để xác định những vấn đề mà Washington có thể cùng làm việc với Bắc Kinh và sau đó “trình bày những mối quan ngại của cả hai bên”.

Ông Michael McCaul, thành viên cấp cao đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ khẳng định rằng: “Chúng ta không thể coi họ (Trung Quốc) như một đối thủ bình thường”.

Ông nói thêm rằng Mỹ đã "nhắm mắt làm ngơ" trong bốn thập kỷ trước với hy vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc hành xử theo các chuẩn mực quốc tế. “Nhưng thật không may, điều này đã không mang lại hiệu quả”, ông McCaul nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đô đốc Mỹ vạch kế hoạch đối phó với tham vọng quân sự của Trung Quốc
Đô đốc Mỹ vạch kế hoạch đối phó với tham vọng quân sự của Trung Quốc

VOV.VN - Ông Philip Davidson đề xuất chi hàng tỷ USD để mua các loại vũ khí mới tại khu vực Thái Bình Dương và nhấn mạnh, sự đầu tư này là cần thiết nhằm đối phó với tham vọng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Đô đốc Mỹ vạch kế hoạch đối phó với tham vọng quân sự của Trung Quốc

Đô đốc Mỹ vạch kế hoạch đối phó với tham vọng quân sự của Trung Quốc

VOV.VN - Ông Philip Davidson đề xuất chi hàng tỷ USD để mua các loại vũ khí mới tại khu vực Thái Bình Dương và nhấn mạnh, sự đầu tư này là cần thiết nhằm đối phó với tham vọng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Tiết lộ chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc
Tiết lộ chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc

VOV.VN - Theo giới phân tích, chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông có thể là triển khai lực lượng đặc nhiệm SEAL để hỗ trợ cho những cuộc tấn công bằng tên lửa của các lực lượng đa quốc gia.

Tiết lộ chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc

Tiết lộ chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc

VOV.VN - Theo giới phân tích, chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông có thể là triển khai lực lượng đặc nhiệm SEAL để hỗ trợ cho những cuộc tấn công bằng tên lửa của các lực lượng đa quốc gia.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế hoạch đối phó Trung Quốc
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế hoạch đối phó Trung Quốc

VOV.VN - Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang được cho là có ưu thế áp đảo Mỹ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế hoạch đối phó Trung Quốc

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế hoạch đối phó Trung Quốc

VOV.VN - Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang được cho là có ưu thế áp đảo Mỹ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền.