Nâng cao vai trò, phải rõ trách nhiệm bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

VOV.VN -Bảo vệ và phát triển rừng đang trở thành vấn đề rất cấp bách ở khu vực Tây Nguyên khi cả diện tích, chất lượng rừng đang suy giảm nhanh chóng.

Thực tế cho thấy, tại các dự án cho thuê rừng, xảy ra phổ biến tình trạng buông lỏng trách nhiệm, từ khâu cấp phép dự án, đến giám sát thực hiện và xử lý sai phạm.

Cùng với đó là những lỗ hổng chính sách đang tồn tại khiến những hệ lụy từ mất rừng càng thêm nghiêm trọng.

Việc Ban Bí Thư trung ương Đảng ban hành chỉ thị 13-CT/TW năm 2017, về nâng cao vai trò của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đang đặt ra cho các tỉnh yêu cầu phải thay đổi toàn diện và thực chất; đặt ra cho các bộ, ngành trách nhiệm rõ ràng về xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, cụ thể. 

 Rừng phòng hộ Bắc Biển hồ (Gia Lai) bị xà xẻo thành đất vườn, đất ở của cán bộ.

Ban hành rất nhiều văn bản nhưng thể hiện vai trò rất ít

Một trong các tỉnh ở Tây Nguyên sớm đặt vấn đề “nâng cao vai trò của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng” là Đắk Lắk, khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 34/CT-TU từ tháng 1/2015, trước cả Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư.

Thế nhưng, sau gần 4 năm thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, gần 2 năm thực hiện chỉ thị của Trung ương, Đắk Lắk mới đạt được, chủ yếu là hệ thống văn bản chỉ đạo.

Ở các xã mà phóng viên tìm hiểu, lãnh đạo chính quyền địa phương đều không thể hiện được vai trò cần thiết và không xác định rõ trách nhiệm của mình.

Như ở xã Ea Bung và xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, nơi có phần lớn diện tích rừng đã giao cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND 2 xã cho biết, chuyện xã bất lực với doanh nghiệp đã được báo cáo từ lâu.

Có 6 dự án được giao cho doanh nghiệp, nhưng rừng ở Ya Tờ Mốt được coi là không còn. Bên cạnh lý do doanh nghiệp không hợp tác với chính quyền địa phương.

Ông Phương Khánh Giang, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt cho rằng, dự án là do tỉnh ký, chủ rừng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm đánh giá không thuộc về cấp xã: “Ở đây là dự án giao rừng và thí điểm trồng cao su. Mà thí điểm thì phải đánh giá. Nhưng đến nay đã gần 10 năm rồi, việc đánh giá chưa được thực hiện, xem rừng thế nào, cao su thế nào, có tiếp dục dự án không? Mà xã thì không thể đánh giá được".

Ông Phương Khánh Giang: “Xã bất lực và đã báo cáo huyện luôn rồi đấy”.

Tại xã Ea Bung, số dự án còn nhiều hơn, rừng bị phá, đất bị lấn chiếm quanh năm suốt tháng, nhưng UBND xã cũng không thể hiện được vai trò đáng kể.

Mới đây, Sở Tài Nguyên -Môi trường Đắk Lắk tổ chức kiểm tra dự án của Công ty TNHH trồng rừng 27 tháng 7.

Trong văn bản gửi công ty có thông tin rõ: Đoàn kiểm tra của sở gặp lãnh đạo công ty tại trụ sở UBND xã Ea Bung, với sự tham dự của lãnh đạo xã, sau đó sẽ đi thực địa rừng của dự án. Thế nhưng, khi chương trình kiểm tra kết thúc, ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung nói rằng, ông không nắm được thông tin gì về buổi làm việc.

Ông Hạnh cũng nói, ông không biết mặt lãnh đạo Công ty 27 tháng 7, dù dự án đã triển khai tại xã được...10 năm!

Còn tình trạng phá rừng, xâm canh đất lâm nghiệp, ông Hạnh nêu khó khăn: “Dự án là người nơi khác đến làm, một số người chưa bao giờ làm việc với xã, tôi cũng không biết mặt. Đất rừng bị lấn chiếm, cũng phần lớn do những đối tượng ở nơi khác đến, không phải người của địa bàn. Cho nên, với những đối tượng này, chúng tôi không thể kiểm tra và xử lý được”.

Tìm hiểu vấn đề này ở cấp huyện, sự bất lực cũng được thừa nhận. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, huyện đã ban hành cả trăm văn bản chỉ đạo, nhưng hiệu quả bảo vệ-phát triển rừng vẫn không đạt được.

Ngay việc trả lời câu hỏi, diện tích rừng thực tế ở địa phương là bao nhiêu, đã là điều quá khó khăn và cũng không rõ trách nhiệm thuộc về ai. 

Ông Đông cho biết: “Muốn xác định được chúng tôi phải đo đạc. Tuy nhiên việc đo đạc thực tế vẫn chưa có. Đây là tồn tại đã rất nhiều năm mà đa số diện tích nằm ở các dự án thuê đất thuê rừng. Cho nên muốn xác định rõ thì phải đo đạc, mà đo đạc thì tốn kinh phí rất là lớn, hiện nay là ngoài khả năng của huyện”.

Siêng gian dối, lười khoa học công nghệ

Theo Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, về nâng cao vai trò của Đảng trong bảo vệ và phát triển rừng, trong năm 2018 này, các tỉnh “phải khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; phải hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng”.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ gần như không thể thực hiện được, vì để đưa ra giải pháp, các tỉnh phải đánh giá được biến động tài nguyên rừng. Trong khi đó, không chỉ các doanh nghiệp thuê rừng, các Ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp Nhà nước cũng làm giảm hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền bằng những con số báo cáo không trung thực.

Nhiều đơn vị thông đồng với lâm tặc để bòn rút tài nguyên rừng, dung túng cho nạn phá rừng chiếm đất, biến đất lâm nghiệp thành đất sản xuất, đất ở của gia đình, người thân.

Sau những gian dối lớn được phát hiện, Gia Lai đã yêu cầu thanh tra toàn bộ 22 Ban quản lý rừng phòng hộ ở tỉnh. Đắk Lắk yêu cầu các chủ rừng nhanh chóng tiến hành phúc tra rừng tự nhiên và báo cáo kết quả. Đắk Nông đã kỷ luật 55 cán bộ, nhiều cán bộ khác bị hạ bậc lương điều chuyển khởi tố…

Rừng ở dự án Công ty Nguyên Vũ, huyện Đăk Glong (Đắk Nông) bị phá nghiêm trọng và sang nhượng trái phép. Dự án này được cấp cho vợ một nguyên Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đứng tên khi ông này đương chức Phó Giám đốc.

Theo PGS-TS Bảo Huy, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, Đại học Tây Nguyên, để việc bảo vệ, phát triển rừng theo kịp thực tế phát sinh, lãnh đạo các địa phương cần thoát ly sức ỳ hành chính, các con số báo cáo dối trá và số liệu kiểm kê chỉ được tiến hành 5 năm một lần.

Thay vào đó là sự chủ động, cầu tiến, áp dụng công nghệ mới để cập nhật được chính xác diễn biến tài nguyên rừng.

PGS-TS Bảo Huy khẳng định: "Hiện nay với công nghệ ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh thì hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này, tức là hoàn toàn có thể theo dõi được biến động của rừng trên diện tích nhỏ, chỉ có điều mình muốn làm hay không thôi

 Quốc tế đang hỗ trợ rất mạnh cho ta về vấn đề này và đang được áp dụng ở Tổng cục Lâm nghiệp.

Tuy nhiên, ở nước ta, thông thường, để chấp nhận dữ liệu đó lại phải thông qua một thủ tục hành chính, tức là phải thông qua việc được phê duyệt, phải được chấp thuận.

Điều này dẫn đến dữ liệu không được cập nhật thường xuyên, không còn phù hợp để ra quyết định nữa”.

Cần hoàn thiện chính sách, rõ vai trò trách nhiệm

Cùng với vướng rào cản kỹ thuật và tệ nạn gian dối ở các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, sự bất hợp tác ở các doanh nghiệp thuê rừng, công tác bảo vệ-phát triển rừng ở Tây Nguyên còn vướng vì hệ thống chính sách liên quan.

Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trong thẩm quyền của mình, tỉnh đã ban hành quy định xử lý nghiêm khắc và đã thật sự nghiêm khắc đối với những người có sai phạm trong bảo vệ-phát triển rừng, nhưng công tác này chỉ thật sự đạt hiệu quả khi có sự đồng bộ từ trung ương.

“Cần có những chính sách đồng bộ từ Trung ương, có chế tài nghiêm khắc đối với nạn phá rừng, kể cả về hình sự cũng như kinh tế, còn nếu chúng ta chỉ làm hình sự không thôi thì chưa đủ. Đánh vào kinh tế thì đôi khi có hiệu quả thiết thực hơn. Phải tăng quyền hạn của cán bộ kiểm lâm lên, đồng thời cũng xử lý nghiêm cán bộ này khi có tiêu cực”, ông Tùng nói.

Theo quy định, rừng là tài nguyên thiên nhiên, thuộc tài sản quốc gia, do Nhà nước làm đại diện sở hữu.

Ở Tây Nguyên, tài sản này đang được cho hàng trăm doanh nghiệp theo các dự án cho thuê rừng.

Thế nhưng, luật chỉ quy định “Nhà nước có trách nhiệm trả tiền cho chủ rừng bị thu hồi rừng” chứ không quy định chủ dự án phải bồi thường cho Nhà nước nếu để mất rừng.

Hậu quả là việc “gắn trách nhiệm của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng” theo Chỉ thị 1685/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đã không thực hiện được.

Hàng trăm doanh nghiệp bỏ mặc công tác bảo vệ, để rừng bị phá nghiêm trọng, thiệt hại có thể đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng việc đòi bồi thường tài nguyên, tức là “đánh vào kinh tế” như ông Trương Thanh Tùng đề cập, không đem lại kết quả.

Đáng lo ngại hơn, trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017, sẽ thay thế Luật bảo vệ-Phát triển rừng, lỗ hổng này vẫn còn nguyên.

Nâng cao vai trò của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, như Chỉ thị 13-CT/TW đề cập là sự nâng cao trách nhiệm toàn diện làm rõ được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân từ trung ương đến cơ sở, từ hoàn thiện chính sách đến hiệu lực hiệu quả quản lý. Muốn đạt được kết quả thực chất, trong công tác chỉ đạo, quản lý không những cần khoa học, cụ thể mà còn cần nghiêm-minh, không có vùng cấm. Nâng cao vai trò phải rõ trách nhiệm. Như vậy, màu xanh của rừng Tây Nguyên mới có thể hồi sinh, đảm bảo cho khu vực phát triển bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề nghị khởi tố vụ án phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú
Đề nghị khởi tố vụ án phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú

VOV.VN - Tổng diện tích các vụ phá rừng này cộng lại hơn 1,5 ha, trong thời gian khoảng 1 tháng và ở vị trí cách nhau không xa.

Đề nghị khởi tố vụ án phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú

Đề nghị khởi tố vụ án phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú

VOV.VN - Tổng diện tích các vụ phá rừng này cộng lại hơn 1,5 ha, trong thời gian khoảng 1 tháng và ở vị trí cách nhau không xa.

Các ban quản lý đang giữ rừng hay phá rừng?
Các ban quản lý đang giữ rừng hay phá rừng?

VOV.VN - Thời gian qua tại tỉnh Gia Lai liên tiếp công bố sai phạm của các Ban quản lý rừng. 

Các ban quản lý đang giữ rừng hay phá rừng?

Các ban quản lý đang giữ rừng hay phá rừng?

VOV.VN - Thời gian qua tại tỉnh Gia Lai liên tiếp công bố sai phạm của các Ban quản lý rừng. 

Phá rừng cảnh quan cạnh đồn công an ở Đắk Nông
Phá rừng cảnh quan cạnh đồn công an ở Đắk Nông

VOV.VN -Vụ phá rừng diễn ra ngay tại khu vực trung tâm xã Quảng Sơn, cạnh Đồn Công an (thuộc Công an huyện Đắk G’long) và chỉ cách QL28 vài chục mét.

Phá rừng cảnh quan cạnh đồn công an ở Đắk Nông

Phá rừng cảnh quan cạnh đồn công an ở Đắk Nông

VOV.VN -Vụ phá rừng diễn ra ngay tại khu vực trung tâm xã Quảng Sơn, cạnh Đồn Công an (thuộc Công an huyện Đắk G’long) và chỉ cách QL28 vài chục mét.

Cận cảnh việc phá rừng cạnh đồn công an tại Đắk Nông
Cận cảnh việc phá rừng cạnh đồn công an tại Đắk Nông

VOV.VN - Ngay tại trung tâm xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông vừa xảy ra vụ phá rừng cảnh quan, với tính chất liều lĩnh.

Cận cảnh việc phá rừng cạnh đồn công an tại Đắk Nông

Cận cảnh việc phá rừng cạnh đồn công an tại Đắk Nông

VOV.VN - Ngay tại trung tâm xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông vừa xảy ra vụ phá rừng cảnh quan, với tính chất liều lĩnh.

Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân trong vụ phá rừng Tà Cú
Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân trong vụ phá rừng Tà Cú

VOV.VN -Tỉnh Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân trong vụ phá rừng Tà Cú

Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân trong vụ phá rừng Tà Cú

VOV.VN -Tỉnh Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.