Nên dạy trẻ biết cách sống an toàn
VOV.VN - Bà Nguyễn Lâm Thúy: Nội dung rèn luyện kỹ năng sống an toàn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chương trình giáo dục, đào tạo phổ thông.
Các chương trình giáo dục đào tạo cần phải hỗ trợ học sinh rèn luyện những kỹ năng nhằm phát huy được các ưu thế trong tiềm năng bẩm sinh di truyền của mình là: thông minh, chăm chỉ, khéo léo, chịu đựng áp lực cao, giỏi tính toán. Đồng thời cũng rèn những kỹ năng để khắc phục được những điểm yếu cốt lõi là: chủ quan, nóng vội, thiếu tầm nhìn xa, cảm xúc thất thường, ưa nịnh, sĩ diện…
Phụ huynh cần quan tâm đến việc dạy kỹ năng sinh tồn cho con. |
Trước đó đã có khá nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do hút thuốc lá ở cây xăng, sử dụng điện thoại khi đang sạc…
Trao đổi với phóng viên bà Nguyễn Lâm Thúy, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục trẻ em cho rằng, vì nội dung rèn luyện kỹ năng sống an toàn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chương trình giáo dục, đào tạo phổ thông. Ngoài ra, sau nhiều năm nghiên cứu về đặc điểm bẩm sinh di truyền của người Việt Nam, chúng tôi thấy rõ khuynh hướng chủ quan, thiếu nhẫn nại khá phổ biến trong đặc trưng tính cách của người Việt Nam.
PV: Bà nghĩ sao về nhu cầu phải dạy cho các em những kỹ năng sinh tồn cơ bản?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Việc nhiều phụ huynh, nhất là ở thành thị, quan tâm đến việc bổ sung cho con em họ những kỹ năng sống là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu các phụ huynh thực tế hơn thì nên ưu tiên cho con học các kỹ năng sinh tồn cơ bản.
PV: Vậy điều đó cần bắt đầu từ đâu?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Gia đình, nhà trường hay các tổ chức xã hội tùy theo điều kiện, chức năng của mình, tạo môi trường, cơ hội cho các em được khám phá và nhận biết được thế giới xung quanh mình có những cái gì? Chúng thế nào? Chúng có lợi hay có hại cho con người? Và cách các em phải ứng xử phù hợp để khai thác điểm mạnh và hạn chế tối đa điểm yếu của nó.
Gia đình là cái nôi, là môi trường giáo dục kỹ năng sống cơ bản tốt nhất cho các em. Chính cha mẹ, ông bà,… phải là người từng bước giúp cho con trẻ khám phá thế giới xung quanh đầu tiên và thường xuyên, giúp các em ứng xử với thế giới thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
PV: Vậy nên giúp trẻ khám phá thế giới ở tuổi nào?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Khi 0 - 3 tuổi, con cần được khám phá thế giới trong tầm tay của con, và rèn những kỹ năng cơ bản làm người, học ăn, học nói, học đi học đứng, chạy nhảy.
Khi con từ 4 - 8 tuổi, con cần được rèn những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, bước đầu biết giúp đỡ cha mẹ chăm sóc gia đình, người thân, con cần có kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng tiếp cận cái mới an toàn…
Khi con từ 9-16 tuổi, con cần được khám phá thế giới trong tầm nghĩ của con. Lúc này các con cần có thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, an toàn khi làm việc, khi giao tiếp, kỹ năng xây dựng và quản lý mục tiêu, kỹ năng thuyết phục, thuyết trình, làm việc nhóm…
Ở giai đoạn cuối trong thời kỳ học tập này, vai trò của nhà trường và xã hội sẽ dần được nâng cao hơn vai trò của gia đình. Các con cần phải hướng tới hòa nhập xã hội, tồn tại và phát triển bền vững trong xã hội.
PV: Xin cảm ơn bà!./.