Ngoài tiếng Anh, ngoại ngữ nào cần được ưu tiên giảng dạy ở Việt Nam?
VOV.VN - Đó là vấn đề được nêu ra tại hội thảo “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN”.
Ngày 22/9 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN” (ASEAN FLE) do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và Đề án 2020 cùng phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh hội nghị.
Đề án giáo dục ngoại ngữ quốc gia 2020 (gọi tắt là Đề án 2020) đã đi được hơn nửa chặng đường và đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết mới đạt được mục tiêu đề ra. Từ trước tới nay, tiếng Anh hầu như chiếm vai trò chủ đạo trong Đề án 2020, nhưng các ngoại ngữ khác cũng đang được chú trọng theo yêu cầu của tình hình chung. Vậy ngoài tiếng Anh, các ngoại ngữ nào khác cần phải được ưu tiên?
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, những ngoại ngữ cần được ưu tiên đó sẽ thuộc môn học bắt buộc hay tuỳ chọn? Cần phải có những chính sách hỗ trợ gì cho việc dạy ngoại ngữ?... Đó là một số vấn đề cần quan tâm đối với thực trạng của Việt Nam hiện nay, và Việt Nam cũng đang cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước khác, trong đó có các nước thành viên ASEAN.
Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và học tập đa ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN” (ASEAN FLE) lần này do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và Đề án 2020 phối hợp tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giảng dạy và học tập các ngoại ngữ khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các nước ASEAN, các chính sách liên quan, cách thức kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng và tương thích với chuẩn quốc tế, tạo điều kiện chuyển đổi và công nhận trình độ ngoại ngữ khi lực lượng lao động di chuyển giữa các nước trong cộng đồng ASEAN và các quốc gia liên quan. Hội thảo cũng giúp các nhà nghiên cứu và giảng viên giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam, các nước thành viên ASEAN và các quốc gia liên quan học hỏi lẫn nhau, tăng cường hiểu biết và trao đổi học thuật nói chung.
Hội thảo đã nhận được báo cáo của nhiều học giả quốc tế thuộc các nước ASEAN, bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Philippines cùng nhiều tác giả uy tín trong nước. Chủ đề của hội thảo đã được tiếp cận, mô tả, phân tích và trao đổi theo nhiều góc độ. Về cơ bản, các báo cáo trong Hội thảo có thể chia làm 5 nhóm chuyên đề sau:
- Tìm hiểu căn tính (identity) của giảng viên tiếng Anh người châu Á, những khó khăn và thuận lợi của giảng viên tiếng Anh là người phi bản ngữ nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong dạy học tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung giữa các quốc gia châu Á trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu và đa ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ.
- Xác định những đặc điểm cơ bản trong chính sách giáo dục ngoại ngữ ở các nước Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Canada nhằm đưa ra những khuyến nghị hữu ích đối với chính sách ngoại ngữ ở các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
- Phân tích thực trạng về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác.
- Phân tích hiện trạng đa ngữ, bao gồm cả “nội ngữ” và “ngoại ngữ” ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số như người Thái ở Việt Nam nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách cần thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước.
- Phân tích tình hình giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh và tiếng Trung Quốc ở các bậc học, từ tiểu học đến đại học, tại các nước ASEAN, và xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ cũng như yêu cầu tăng cường, phát triển chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên.
Tuy nhiên, với sự đa dạng của các quốc gia thành viên ASEAN nói chung, và đa dạng ngay ở từng nước nói riêng, nhiều ngoại ngữ khác chưa được bàn đến tại Hội thảo lần này. Ngoài ra, tiếng Việt cũng là một trong những ngoại ngữ được giảng dạy khá phổ biến ở một số nước trong khu vực ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, v.v., song Ban Tổ chức Hội thảo chưa nhận được báo cáo nào về việc giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.../.
Giáo dục phổ thông còn nặng áp lực thi cử, học sinh yếu ngoại ngữ
Giảng viên nào được miễn thi Ngoại ngữ và Tin học khi thăng hạng?
Tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ Năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường
Nở rộ việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm
E-connect Quảng Ninh thúc đẩy phát triển ngoại ngữ ở các cấp học