Người dân tố cáo cán bộ địa chính gian dối để nhận hàng tỷ đồng đền bù
VOV.VN - Mới đây đã có thêm người dân tố cáo một số cán bộ địa phương phù phép để nhận hàng tỷ tiền đền bù từ công trình thủy Lợi Krông Pắk Thượng (Đắk Lắk).
Sau nhiều tố cáo của người dân về những bất minh trong công tác đền bù dự án xây dựng công trình Thủy Lợi Krông Pắk Thượng, tỉnh Đắk Lắk, chưa được giải quyết, mới đây đã có thêm người dân tố cáo một số cán bộ địa phương phù phép để nhận hàng tỷ tiền đền bù từ công trình này.
Người bị tố cáo là ông Lê Thành Nguyên, cán bộ địa chính (diện hợp đồng) xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Khu vực đất mà các bộ địa chính xã Cư Elang nhờ người dân đứng tên để nhận tiền tỷ. |
Theo ông Y Thiên Ktla, ở buôn Vân Kiều, xã Cư Elang: Theo quyết định của UBND huyện Ea Kar, ký ngày 22/12/2016, gia đình được nhận 1,159 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng 2,29 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, trợ giúp hộ nghèo. Tuy nhiên, gia đình không có đất nằm trong khu vực được đền bù. Việc nhận tiền là do ông Nguyên nhờ đứng tên. Sau khi nhận tiền, ông này chia lại cho gia đình một ít tiền hoa hồng.
"Đầu tiên, ông Nguyên tới nhà tôi nhờ đứng tên trong dự án đất đằng sau buôn. Rồi ông tự làm hồ sơ, giấy tờ và đưa cho tôi ký giúp ông để lấy tiền. Khi cả vợ chồng tôi đi ký, nhận tiền với số tiền hơn 1 tỷ đồng rồi thì có xin xỏ mãi ông Nguyên mới cho vợ chồng được 36 triệu" - ông Y Thiên Ktla cho biết thêm.
Cũng bị tố cáo với nội dung tương tự là ông Hoàng Trọng Nghĩa, cán bộ địa chính (diện hợp đồng) xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Ông Y Thoai Byă, ở buôn Ea Rớt, xã Cư Elang cho biết, theo quyết định của UBND của huyện Ea Kar, ký ngày 15/8/2017, gia đình ông được nhận 1,180 tỷ đồng tiền đền bù 2,25 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Nhiều người dân ở xã Cư Elang tố cáo với phóng viên việc chi trả tiền đền bù dự án Krông Pắk Thượng Đắk Lắk không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. |
Theo ông Y Thoai, việc có tên rồi nhận tiền đền bù là do ông Nghĩa "đạo diễn". Sau khi nhận tiền đền bù ông này chia lại cho gia đình 300 triệu đồng tiền công.
"Tôi đứng tên cho ông Nghĩa đang làm địa chính xã Cư Elang ý. Đứng tên với diện tích là hơn 2 ha, nhận được hơn 1 tỷ đồng, anh Nghĩa có chia lại cho vợ chồng tôi 300 triệu đồng. Còn diện tích đất nhà mình ở ngoài khu dự án cơ, không được đền bù đâu" - ông Y Thoai chia sẻ.
Theo ông Đỗ Văn Hưu, Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar, liên quan đến vụ việc không chỉ có 2 cán bộ địa chính xã mà có tới 3 người gồm: Lê Thành Nguyên, Hoàng Trọng Nghĩa, Lê Sơn (tất cả đều là nhân viên hợp đồng đang làm việc tại UBND xã Cư Elang). Tiếp nhận thông tin tố giác, đại diện UBND xã đã mời 3 người vừa nêu lên làm việc để nắm bắt tình hình.
Tại buổi làm việc, bước đầu 3 người này thừa nhận: Có "dính líu" tới vụ việc. Nhận thấy tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc nên UBND xã đã báo cáo lên UBND huyện Ea Kar có hướng xử lý. Đồng thời, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra, làm rõ.
Các hộ dân ở xã Cư Elang cho rằng, do hiểu luật nên các cán bộ địa chính mới nhờ đứng tên để nhận tiền tỷ đền bù sai quy định. |
Liên quan đến những bất minh trong công tác đền bù khi xây dựng Hồ Thủy lợi Krông Pắk thượng, mới đây, UBND huyện Ea Kar đã thành lập đoàn kiểm tra để thực hiện thanh tra toàn diện. Kết quả thanh tra cho thấy, không chỉ trường hợp của ông Y Thoai Byă và Y Thiên Ktla, việc đền bù tại xã Cư Ea Lang còn có hộ ông Y Wem Byă, Dương Văn Trường và bà Trần Thị Chạm cũng phát sinh sai phạm.
Đáng lưu ý, từ tháng 11/2017 nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo về những bất minh trong công tác đền bù ở dự án Hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng. Trong đó có việc hàng chục hecta đất lấn chiếm từ rừng vẫn được đền bù với số tiền rất lớn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được giải quyết dứt điểm./.
Gã bảo vệ hiếp dâm bé gái 4 tuổi ở Đắk Lắk lĩnh án chung thân
Đắk Lắk yêu cầu sớm làm rõ vụ 3 cây "quái thú" mà VOV phản ánh