“Người đẹp bán dâm, môi giới mại dâm tác động lớn đạo đức, lối sống”

VOV.VN - Một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đạt giải đã tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên.

Vấn đề này được đề cập trong báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sáng nay (9/5).

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, về cơ bản các Bộ, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.

Ngoài ra việc trả lời các vấn đề mà cử tri nêu, một số Bộ, ngành còn thông tin cho cử tri thêm về các quy định của pháp luật có liên quan khác cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị.

“Hiện tượng trả lời chung chung, “lạc đề”, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký” – báo cáo nhấn mạnh.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh:quochoi.vn

Rà soát quy định về các cuộc thi sắc đẹp

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho biết có ý kiến cử tri băn khoăn về mục đích ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp.

Theo đó, cử tri kiến nghị Bộ VHTT&DL rà soát, hoàn thiện các quy định về thể lệ, tiêu chuẩn đối với các cuộc thi sắc đẹp, đảm bảo mục đích tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, có trí tuệ, nhan sắc, đạo đức và lối sống lành mạnh; đồng thời thận trọng hơn trong việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp.

Cử tri đề nghị có quy chế quản lý, hoạt động của các người đẹp sau khi đạt giải, nếu vi phạm sẽ bị tước danh hiệu để đảm bảo tính nghiêm minh.

“Tránh tình trạng như vừa qua, tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng chưa đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi. Dẫn đến một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đạt giải (như môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với danh hiệu đạt được,...) đã tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục, nhất là hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Liên quan vấn đề này, đồng tình với phản ánh của cử tri, Bộ VHTT&DL nhận thấy, hiện nay một số quy định của pháp luật đối với tổ chức, quản lý hoạt động thi người đẹp đã không còn phù hợp và hiện Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế các quy định còn bất cập này, trình Chính phủ trong năm 2019.

Vụ sàm sỡ nữ sinh chỉ bị phạt 200 nghìn gây bức xúc

Cử tri nhiều tỉnh cho rằng, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình cần sớm được rà soát để kịp thời bổ sung một số hành vi đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, chẳng hạn như hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”; hành vi quấy rối tình dục (định nghĩa, phân loại mức độ cụ thể, rõ ràng),...

“Đồng thời sửa đổi các mức xử phạt trong nghị định nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, xử lý mạnh và nghiêm minh, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.000 đồng, khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra” – bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau (được quy định trong nhiều văn bản về xử phạt vi phạm hành chính) còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế nên chưa được người dân đồng tình ủng hộ, chẳng hạn như vụ việc một công dân ở Cần Thơ đổi 100 USD tại cửa hàng kinh doanh vàng (nơi không được thu đổi ngoại tệ), theo quy định tại khoản a điểm 3 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền 90.000.000 đồng.

“Dư luận cử tri lại cho rằng mức xử phạt như vậy là quá nặng nếu so sánh về mức độ gây hậu quả và tác động xấu lên dư luận xã hội đối với một số hành vi vi phạm khác (chẳng hạn như hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chỉ bị phạt ở mức 200.000 đồng)” – báo cáo nhấn mạnh và cho biết cử tri kiến nghị cần rà soát các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, kịp thời, phù hợp với mức độ vi phạm; đồng thời đảm bảo tính công bằng, thống nhất trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau trong xử phạt hành chính./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên