Việc không muốn làm nhất của bác sĩ điều trị Covid-19

VOV.VN - “Nếu để cứu sống bệnh nhân thì dù mệt mỏi đến mấy tôi vẫn cố hết sức để ép tim, còn hơn là phải làm công việc kia…”- bác sĩ Khôi nói.

Bên ngoài vách ngăn với phòng hồi sức

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (bệnh viện Bạch Mai, tăng cường tại bệnh viện dã chiến số 16, TP.HCM) bắt đầu ca trực của mình lúc 2h chiều. Nhân viên khu văn phòng thông báo cho kíp trưởng thêm một ca mới tử vong. Bệnh nhân là nữ, tuổi 80. “Anh gọi điện thông báo nhé!” - nhân viên văn phòng chỉ vào hồ sơ điều trị có đầy đủ thông tin số điện thoại, địa chỉ người nhà của bệnh nhân được mở sẵn trên máy tính. Ít phút nữa giấy báo tử sẽ được hoàn thiện.

- Alo tôi gọi điện từ Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai, tại Bệnh viện dã chiến số 16. Chị là người nhà của bệnh nhân V.T.A phải không?

-…

- Chúng tôi xin chia buồn…

- “Má mất rồi các em ơi”. Đầu dây bên kia chỉ còn lại tiếng khóc. Bác sĩ Khôi giữ nguyên máy, chờ cho đến khi có một giọng nói run run cất lên: “Má em sao rồi?”. Anh kiên nhẫn đọc lại dòng thông báo đã được soạn mẫu sẵn, chỉ có tên tuổi và giờ mất là được cập nhật lại mỗi khi có ca tử vong. “Có lần thông báo tin buồn, người nhà vẫn hỏi lại tình trạng của người thân ra sao, tôi hiểu họ muốn được nghe nhầm” - bác sĩ Khôi nói.

Trong ICU

Mỗi ngày, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) dành cho người bệnh Covid-19 thuộc bệnh viện dã chiến số 16 có khoảng 10-20 ca tử vong. Các ca tử vong tính đến thời điểm hiện nay, có nhiều người cao tuổi hoặc có bệnh nền: béo phì, bệnh tim, huyết áp… Nhưng “Sự nguy hiểm của loại virus này là quật ngã cả những người trẻ, không có bệnh nền” - vị bác sĩ tóc lấm tấm sợi bạc, đứng trước màn hình camera, chỉ vào phòng hồi sức số 3 nói như vậy. Ở phòng đó đã từng có gần chục bệnh nhân 8X-9X, nhưng chỉ có một người qua khỏi.

Đêm 12/8 bộ phận tiếp nhận của bệnh viện thông báo có ca mới chuyển từ bệnh viện Hùng Vương. Bệnh nhân là sản phụ, chưa tiêm vaccine.

Đọc nhanh hồ sơ bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Quang Khôi thắp lên hy vọng: Bệnh nhân trẻ 31 tuổi, không có bệnh nền, tổn thương phổi ít. Sản phụ N.T.K được sắp xếp bên cạnh giường một sản phụ khác tại phòng hồi sức 3 - nơi dành cho những bệnh nhân nặng nhất.

Máy monitor theo dõi chỉ số sinh tồn, máy theo dõi nhịp tim, máy thở HFNC nhanh chóng được lắp đặt, kết nối với cơ thể bệnh nhân.

Những tin nhắn dài

Bé X sinh non 7 tháng. Sự sống đặt vào các bác sĩ, hộ lý ở bệnh viện Hùng Vương. Anh T chồng sản phụ N.T.K đi cách ly tập trung. Vợ sau sinh thì chuyển vào Trung tâm hồi sức tích cực. “Vợ em chưa từng nhìn con lần nào” - anh T nói. K sinh mổ nên rơi vào mê man từ lúc sinh cho đến lúc chuyển sang bệnh viện dã chiến.

Thông qua số hotline và nhờ người quen trong ngành y, anh T có được số điện thoại bác sĩ Khôi. “Bác sĩ cứu vợ em với ạ. Em mang ơn bác sĩ nhiều lắm” - Mỗi ngày anh T gửi cả chục tin nhắn cho bác sĩ. Thời điểm đó, Tổ hướng dẫn chăm sóc người nhà bệnh nhân, phòng công tác xã hội của bệnh viện mới đi vào hoạt động. Tổ có một người trực nên chưa nhiều các cuộc gọi chủ động đến người nhà bệnh nhân để thông báo tình trạng người bệnh. Bác sĩ Khôi hàng ngày vừa điều trị, vừa trả lời tin nhắn để gia đình bệnh nhân an lòng.

Sau 2 ngày điều trị, T biết được vợ là một trong 20 bệnh nhân nặng nhất ở đây. Vì đang thở máy nên các chỉ số tương đối ổn định.

“Em có thể gửi nước Đông Trùng Hạ Thảo vào nhờ BS truyền cho vợ em không ạ?”

“Em lo quá bác sĩ ơi, em nhắn tin nhiều bác sĩ đừng giận em nha”

Hy vọng của T bị dập tắt vào cái đêm mất ngủ. Điện thoại sáng lên báo dòng tin nhắn từ bác sĩ.

“Xin chia buồn”

“Chúng tôi đã đùn đẩy nhau làm công việc ấy”

Kiểm tra lại tin nhắn thoại vừa nhận từ người nhà bệnh nhân. Giọng trẻ thơ vang lên: “Con rất nhớ má, sao má chưa về, bác sĩ cứu má con”. Bác sĩ Khôi đặt điện thoại vào túi zíp, chỉnh lại đồ bảo hộ và bắt đầu ca làm việc đêm. “Phòng hồi sức số 3 có một ca nguy kịch”- bộ đàm vang lên.

Tiếng bước chân chạy nhanh ngoài hành lang.

Ba bác sĩ, điều dưỡng nhanh chóng có mặt.

Bác sĩ Khôi đan tay vào nhau và bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực với nhịp 100-120 lần/ phút.

Chỉ số sinh tồn là con số 0. Nhưng ê kíp cả ba người vẫn không ngừng thay nhau ép tim, bóp bóng đến gần một giờ đồng hồ. Nhịp tim đã dừng lại trước đó 30 phút.

“Chúng tôi ra ngoài hành lang và hỏi nhau ai sẽ là người thông báo tin này cho gia đình người bệnh” - Đây là công việc buồn nhất của người thầy thuốc mà ở đây chẳng ai muốn phải làm. “Chúng tôi đã đùn đẩy nhau, đã bàn nhau nên gọi điện hay nhắn tin”- bác sĩ Khôi thuật lại.

Màn hình zalo vẫn sáng nick của anh T - chồng của sản phụ mới tử vong.

“Xin chia buồn” - Vài giây sau bác sĩ mới nhấn vào nút “gửi tin”.

Nhanh chóng, phía bên kia là "icon" khóc lóc.

Bệnh nhân tử vong lúc 0h30 phút.

“Bác sĩ có thể mặc cho cô ấy bộ đồ được không? Chứ chỉ đắp tấm chăn thì tội cho cô ấy”- Dòng tin nhắn cuối còn lưu lại trên máy bác sĩ Khôi. Anh đã xóa bớt để mỗi lần mở ra không bị ám ảnh. 10 năm khoác áo blouse trắng, công tác ở bệnh viện tuyến cuối, anh Khôi chưa từng trải qua công việc gọi điện báo tử vong và cảm giác bất lực như vậy.

“Thông thường bệnh nhân luôn có người nhà bên cạnh. Diễn tiến của bệnh nhân như thế nào người nhà nắm hàng ngày nên khi mất cũng đỡ sốc. Chúng tôi chưa bao giờ phải thông báo tử vong qua đường điện thoại dài như vậy. Sợ nhất là cảm giác bất lực” - Bác sĩ Khôi nhìn vào màn hình camera. Bộ đàm lại vang lên. Một ca nữa không qua khỏi. Anh nhìn sang nhân viên văn phòng bên cạnh. Ai sẽ là người thông báo cho người nhà bệnh nhân tiếp theo này?

Đoạn đường cuối

Máy móc bắt đầu được gỡ khỏi cơ thể bệnh nhân. Điều dưỡng và tình nguyện viên dùng khăn ướt lau những vết máu nơi kim truyền. Mỗi ngày họ đều thay người nhà chăm sóc bệnh nhân tận tình như vậy. Hôm nay là lần cuối với chiếc giường bệnh này.

Tình nguyện viên Dương Hữu Kính dừng lại vài giây nhìn lại bệnh nhân mà anh đã chăm sóc những ngày qua. Một gương mặt mệt mỏi vì đau đớn, vì khó thở…vì ra đi không có sự chuẩn bị. Anh vén nhẹ mái tóc rối ra sau, thì thầm lời kinh cầu tiễn biệt.

Chiếc giường phủ vải đen bắt đầu đưa ra ngoài, đi qua hành lang. Bác sĩ Khôi và các đồng nghiệp đang cầm bộ đàm nhìn qua lớp kính. Nhân viên văn phòng bên cạnh lại gõ nhanh vào mẫu văn bản chia buồn: tên tuổi và giờ mất.

Nhân viên nhà đại thể kéo cánh cửa container sang hai bên. Hơi lạnh bốc ra bên ngoài, lởn vởn trong không khí làn hơi màu trắng đục. Bên trong container không còn nhiều chỗ trống.

Cánh cửa đóng lại. Chiếc xe giường bệnh rời đi, tiếng lạch cạch nghe rõ trong đêm. Chỉ có một tình nguyện viên đứng lại, hơi cúi đầu và đọc lời kinh cho người đã mất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn để mở cửa lại nền kinh tế
TP.HCM xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn để mở cửa lại nền kinh tế

VOV.VN - Lãnh đạo TP.HCM cam kết giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất để mở cửa lại nền kinh tế đáp ứng các tiêu chí an toàn.

TP.HCM xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn để mở cửa lại nền kinh tế

TP.HCM xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn để mở cửa lại nền kinh tế

VOV.VN - Lãnh đạo TP.HCM cam kết giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất để mở cửa lại nền kinh tế đáp ứng các tiêu chí an toàn.

TP.HCM cho shipper chạy liên quận từ 16/9
TP.HCM cho shipper chạy liên quận từ 16/9

VOV.VN - “Shipper của TP.HCM sẽ được giao hàng liên quận kể từ ngày 16/9”. Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đưa ra tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” diễn ra tối 13/9.

TP.HCM cho shipper chạy liên quận từ 16/9

TP.HCM cho shipper chạy liên quận từ 16/9

VOV.VN - “Shipper của TP.HCM sẽ được giao hàng liên quận kể từ ngày 16/9”. Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đưa ra tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” diễn ra tối 13/9.

Hỗ trợ người dân là mục tiêu và mệnh lệnh của TP.HCM
Hỗ trợ người dân là mục tiêu và mệnh lệnh của TP.HCM

VOV.VN - TP.HCM luôn xem vấn đề an sinh cho người dân là mục tiêu và mệnh lệnh của Thành phố.

Hỗ trợ người dân là mục tiêu và mệnh lệnh của TP.HCM

Hỗ trợ người dân là mục tiêu và mệnh lệnh của TP.HCM

VOV.VN - TP.HCM luôn xem vấn đề an sinh cho người dân là mục tiêu và mệnh lệnh của Thành phố.