Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại TPHCM

VOV.VN - Bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát ở TP HCM khi có đến 8/117 trường học có phát sinh ổ lăng quăng giữa mùa nắng nóng.

Tại hội nghị giao ban về công tác y tế dự phòng sáng nay (3/6) của Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát khi có đến 8/117 trường học có phát sinh ổ lăng quăng giữa mùa nắng nóng.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 72%, tay chân miệng giảm 73% và  bệnh sởi giảm đến 92%. Theo đánh giá, do các hoạt động tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân thực hiện vệ sinh cá nhân và không tụ tập đông người nên các bệnh truyền nhiễm lưu hành cũng giảm, đặc biệt là sởi và tay chân miệng. Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội, cũng như tâm lý ngại đến bệnh viện trong và sau mùa dịch nên tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cũng giảm.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá tình hình phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học cho thấy, có nhiều trường chưa thực hiện thu gom, dọn dẹp đồ dùng và rác thải khiến nguy cơ phát sinh và lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuần qua, HCDC phát hiện 8 trong số 117 trường học được kiểm tra có ổ lăng quăng, mặc dù thời tiết nắng nóng, chưa có mưa nhiều.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – HCDC, một số trường học chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu nguyên nhân học sinh nghỉ bệnh và theo dõi cập nhật mỗi ngày, nhằm phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm trong trường học để có hướng xử lý kịp thời. Đây là một nguy cơ nếu có ổ bệnh, ổ dịch bùng phát.

Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, HCDC cho biết, các khu cách ly của các quận huyện vẫn được duy trì, tùy theo nguy cơ từng địa phương để giữ số giường, chuẩn bị nhân sự, trong điều kiện cần thiết có ca nghi ngờ.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, điều đáng lo là nhiều người nghĩ rằng dịch bệnh Covid-19 đã hết rồi cho nên vẫn mang tâm lý chủ quan trong điều kiện bình thường mới. Do đó, các địa phương và ngành y tế phải luôn sẵn sàng công tác ứng phó khi có ca bệnh, nguy cơ dịch bệnh đe dọa trở lại.

"Chúng tôi đã dự phòng các tình huống trong điều kiện bình thường mới hiện nay, có ca dương tính hoặc nghi ngờ, ngành y tế phản ứng ra sao. Đồng thời tập huấn cho các đội phản ứng nhanh, chuẩn hóa lại các kỹ năng để sử dụng cho các bệnh truyền nhiễm khác, đảm bảo nhanh chóng, nhuần nhuyễn", ông Hưng chia sẻ ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên